Và cơn lốc giá cả lại nhấp nhổm ập đến khi mới nhất, Nga không gia hạn thêm "Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen" cho phép vận chuyển ngũ cốc của Ukraine qua các cảng ở Biển Đen.
Giá lúa mì đã tăng mạnh sau quyết định này. Rồi El Nino đã khiến nhiều nước, như Ấn Độ, hạn chế xuất khẩu làm giá gạo tăng vọt...
Cần nhắc lại, kể từ khi có "Sáng Kiến ngũ cốc Biển Đen", giá thực phẩm giảm hơn 23% so với đỉnh vào tháng 3-2022 (theo Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc). Ủy ban châu Âu cho biết Ukraine chiếm 10% thị trường lúa mì, 15% thị trường bắp và 13% thị trường lúa mạch của thế giới.
Do vậy, nếu xuất khẩu ngũ cốc bị đình trệ sẽ ảnh hưởng lớn đến bữa ăn của nhiều gia đình trên thế giới. Trong khi đó, Ấn Độ (chiếm khoảng 40% hoạt động thương mại gạo trên toàn cầu) đang cân nhắc cấm xuất khẩu gạo vì lo ngại lạm phát cũng như thiếu hụt gạo trong nước.
Hai năm qua thế giới bất ổn vì lương thực, còn Việt Nam thì sao?
Từ năm 2022 cho đến nay, trong khi giá hàng hóa, nhất là lương thực - thực phẩm tại nhiều quốc gia trên thế giới tăng nóng, thì tại Việt Nam, giá cả tương đối ổn định.
Chỉ số giá tiêu dùng của Việt Nam năm 2022 là 3,15%, còn sáu tháng đầu năm nay tăng 3,29% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều khả năng cả năm nay, Việt Nam sẽ có lạm phát thấp (dự đoán từ 2,5 - 4%).
Trong bối cảnh khó khăn toàn cầu, khi đi chợ mà thấy lương thực, rau củ đều không tăng giá mạnh, đó là hạnh phúc với các bà nội trợ.
Chỉ số giá tiêu dùng ở mức thấp là cơ sở để Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành bốn lần liên tục kể từ đầu năm, một động thái đi ngược với xu hướng tăng lãi suất để đối phó với lạm phát trên thế giới.
Có được kết quả trên là nhờ chúng ta có nền sản xuất nông nghiệp, thực phẩm với sản lượng đủ tiêu dùng trong nước và còn dư cho xuất khẩu.
Với vị trí đứng trong top 5 các quốc gia xuất khẩu hàng đầu về lúa gạo, cà phê, hạt điều, hạt tiêu, khoai mì, thủy sản và bên cạnh đó là hàng chục loại trái cây sản lượng lớn như thanh long, sầu riêng, rau củ... đã đóng góp vào khẩu phần ăn quan trọng của nhiều quốc gia.
Với vị thế này, Việt Nam không chỉ đủ cung cấp đảm bảo an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng cho hơn 100 triệu người dân trong nước mà còn góp phần quan trọng cho an ninh lương thực của thế giới trong tương lai.
Không phải ngẫu nhiên mà người ta dùng khái niệm "an ninh lương thực" và người nông dân là nhân vật chính của chiến lược "an ninh lương thực". Nhưng nhìn lại các chính sách hỗ trợ cho nông dân cho thấy đây vẫn là khu vực có đầu tư thấp nhất, nơi con người tìm cách ly nông, xa quê hơn là để trở về.
Vì vậy, khi chúng ta có bữa cơm rẻ, phải nhớ về người nông dân. Khi an ninh lương thực toàn cầu bị đe dọa, khi chúng ta không bị rơi vào vòng xoáy giá cả lương thực leo thang đó cũng là lúc nhắc nhở phải đầu tư bài bản hơn để nông dân nâng cao trình độ sản xuất, nâng cao thu nhập từ chính mảnh ruộng của mình và đưa nông thôn trở thành nơi đáng sống.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận