08/09/2020 11:30 GMT+7

Cô bé mồ côi vượt nghịch cảnh đến giảng đường

DOÃN HÒA
DOÃN HÒA

TTO - Sinh trong gia đình khó khăn, mẹ mất sớm, cha đi bước nữa, cô học trò nhỏ xứ Nghệ đã vươn lên trong học tập với suy nghĩ "chỉ có học mới thay đổi số phận", và để mẹ an lòng nơi chín suối.

Cô bé mồ côi vượt nghịch cảnh đến giảng đường - Ảnh 1.

Thư đóng sách, khẩu trang đi bán kiếm tiền trong ngày chờ giấy báo nhập học - Ảnh: DOÃN HÒA

"Cô bé 3 năm trước có bức thư gửi mẹ (đã qua đời) hay nhất Nghệ An, hôm nay cháu thi tốt nghiệp THPT văn 9; ngoại ngữ 8,4; toán 8,2; đỗ vào Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Đà Nẵng, lại không có tiền đi học. Cả đêm không ngủ được, giá như mình đủ điều kiện. Mong ánh sáng cuối con đường cho cháu".

Tuổi thơ bất hạnh

Từ dòng trạng thái chia sẻ ít ỏi trên mạng xã hội của cô Nguyễn Thị Thìn - cựu giáo viên lịch sử Trường THPT Cửa Lò - cùng những thông tin chắp vá từ 3 năm trước về cuộc thi "Thư gửi mẹ hiền" do Tỉnh đoàn Nghệ An tổ chức, chúng tôi biết đến hoàn cảnh éo le của cô tân sinh viên Nguyễn Anh Thư.

Một ngày đầu tháng 9, men theo con ngõ nhỏ đầy sỏi đá ở thôn 5, xã Long Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An, chúng tôi tìm hỏi nhà Thư, người dân ở xã miền núi này không ai không biết đến cô học trò mồ côi mẹ nhưng giàu nghị lực vượt khó.

Quá giờ trưa dưới cái nắng gắt, Thư nhễ nhại mồ hôi trở về nhà sau khi "ship" sách cho khách. "Hôm nay em bán được 5 cuốn sách, chắc cũng được vài chục ngàn đồng. Em dành dụm số tiền này lo học phí vào đại học sắp tới" - Thư khoe.

Thấy cháu vui nhưng bà Trần Thị Tam (62 tuổi, dì của Thư) lại cố giấu những giọt nước mắt vào lòng. "Ngày biết tin con bé đạt điểm cao, tôi mừng một nhưng lo mười. Bởi lẽ tuổi tôi đã cao, rồi có đủ sức ráng lo cho cháu những năm tháng học ĐH hay không" - bà Tam buồn bã nói.

Nước mắt Thư cứ tuôn trào khi nhớ về quãng thời gian còn cha mẹ bên cạnh. Ngày đó, gia đình Thư sống yên ấm và rất hạnh phúc. Cha Thư mắt kém, mất sức lao động nên ngoài làm 3 sào ruộng khoán, bà Trần Thị Thắm - mẹ Thư - phải bươn chải đủ nghề, từ cắt lúa thuê, buôn phế liệu đến phụ hồ... để nuôi hai đứa con đang tuổi ăn học.

Năm Thư lên 12 tuổi, bà Thắm ra đi mãi mãi ở tuổi 43 vì căn bệnh suy gan cấp tính. Gần 2 năm sau cha đi bước nữa, để Thư nương nhờ người dì đã già yếu. 

"Có những đêm trời đổ mưa, nỗi nhớ cha mẹ lại ùa về, em chỉ biết khóc một mình. Lúc đó em ước rằng giá như được ăn một bữa cơm sum họp có cha mẹ ở bên cạnh hoặc được cha mẹ động viên em học, vui buồn gì cũng có cha mẹ như bạn bè cùng trang lứa" - Thư nói, mắt đỏ hoe.

Cô bé mồ côi vượt nghịch cảnh đến giảng đường - Ảnh 2.

Thư và người dì đã già yếu nương tựa nhau nhiều năm qua - Ảnh: DOÃN HÒA

Không gục ngã vì tương lai

Bà Tam nhớ lại: "Thương cháu sớm mồ côi mẹ, thiếu vắng tình thương cha, tôi đưa cháu về nuôi dẫu có rau ăn rau, có cháo ăn cháo. Hai dì cháu nương tựa nhau mà sống".

Trước những biến cố dồn dập, Thư từng nghĩ phải gác lại việc học của mình. Thế nhưng nhiều đêm nằm trong ngôi nhà vắng lạnh, nhớ về lời trăng trối của mẹ gửi lại, Thư quyết định tiếp tục đến trường.

"Chỉ có học mới thoát được nghèo đói" - lời nhắn gửi của người mẹ quá cố trước lúc qua đời chính là động lực thôi thúc Thư vượt lên nghịch cảnh. Thầy cô, bạn bè ở Trường THPT Anh Sơn 1 hiếm khi thấy Thư nghỉ học dù ngày nắng hay mưa. Ngoài giờ đến trường, Thư còn chăm chỉ làm việc nhà, phụ giúp dì làm đồng, bắt cua, trồng rau, nuôi gà...

Cô Nguyễn Thị Thanh - giáo viên chủ nhiệm của Thư - chia sẻ: "Thư là cô học trò mồ côi mẹ nhưng học giỏi và giàu nghị lực, được thầy cô, bạn bè quý mến. Các hoạt động Đoàn - Hội ở trường lớp Thư cũng rất năng nổ, sáng tạo, trở thành tấm gương cho nhiều bạn bè noi theo".

Những ngày chờ giấy báo nhập học, Thư tranh thủ bán hàng qua mạng từ hoa quả trong vườn đến sách vở cũ, khẩu trang... Thế nhưng những gom góp nhỏ này cũng chẳng đủ để trang trải những ngày sắp tới trên giảng đường ở chốn đô thị.

Vì vậy, Thư dự tính khi việc học ổn định sẽ kiếm việc làm thêm như gia sư, chạy bàn cà phê... vừa có thể tích lũy kỹ năng giao tiếp vừa kiếm thêm thu nhập, trang trải chi phí. Sau này, tốt nghiệp ra trường, Thư mong muốn kiếm được một công việc để có thể tự lo cho bản thân.

"Em sẽ không gục ngã và tin rằng nếu mình có ước mơ, hoài bão và cố gắng kiên trì với con đường đã chọn thì mọi trở ngại đều vượt qua được" - Thư tâm sự.

Thư gửi mẹ hiền đã mất

"Mẹ à, con không hay thể hiện những hành động, cử chỉ yêu thương. Con ngang bướng và đôi khi hay cãi lời mẹ. Chưa một lần con cầm tay mẹ rồi nói "Con yêu mẹ nhiều lắm, mẹ ơi". Rồi đến lúc mẹ ra đi, con bỗng nhận ra con đã mất đi tình cảm quan trọng và thiêng liêng lắm. Con cố ngoảnh lại đi tìm, về những nơi thân thuộc gắn với kỷ niệm con và mẹ để tìm. Nhưng mẹ ạ, tất cả chỉ là hư vô, chỉ là thất vọng mà thôi. Sống trên đời không phải ai cũng được may mắn thốt lên tiếng "Mẹ" thiêng liêng mãi được. Sống trên đời không phải giàu sang là sung sướng, mà có mẹ là điều tuyệt vời nhất...".

(Trích bức thư gửi người mẹ đã qua đời của mình
và đoạt giải nhất cuộc thi viết "Thư gửi mẹ hiền" năm 2017 của Nguyễn Anh Thư).

Tiếp sức đến trường 2020

"Tân sinh viên khó khăn hãy gọi Tuổi Trẻ!" đã trở thành thông điệp yêu thương, điểm tựa đáng tin cậy của học bổng "Tiếp sức đến trường" vào mỗi mùa tuyển sinh cao đẳng - đại học.

Cùng với sự đồng lòng, chung sức của bạn đọc báo Tuổi Trẻ và các nhà hảo tâm, hàng vạn tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đã được chương trình nâng đỡ, tiếp thêm sức mạnh thực hiện ước mơ, khát vọng đến với giảng đường tri thức.

Dự kiến năm học 2020-2021 chương trình sẽ dành khoảng 1.000 suất học bổng cho tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trúng tuyển đại học, cao đẳng với số tiền 10 triệu đồng/suất và 15 triệu đồng cho suất đặc biệt. Đăng ký hồ sơ phỏng vấn trực tuyến tại tsdt2020.tuoitre.vn trước ngày 15-10-2020.

Ban biên tập báo Tuổi Trẻ rất mong bạn đọc giới thiệu những tân sinh viên học giỏi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có nguy cơ bỏ học nếu không được tiếp sức kịp thời qua email: tiepsucdentruong@tuoitre.com.vn hoặc điện thoại: 0283.9973.838.

Bạn đọc có thể đồng hành cùng báo Tuổi Trẻ ủng hộ kinh phí học bổng, chỗ ở, phương tiện học tập… cho tân sinh viên, giúp các bạn vững tin trong học tập. Đây sẽ là sự hỗ trợ ban đầu và động lực tinh thần để các tân sinh viên tự tin viết tiếp ước mơ cuộc đời.

Kinh phí ủng hộ có thể đóng góp trực tiếp tại phòng tiếp bạn đọc báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) hoặc văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ các khu vực. Hoặc chuyển khoản vào tài khoản báo Tuổi Trẻ số 113000006100, Ngân hàng Công thương chi nhánh 3 TP.HCM hoặc ví điện tử MoMo "Chung tay cùng Tuổi Trẻ". Nội dung chuyển tiền: "Ủng hộ học bổng Tiếp sức đến trường cho tân sinh viên".

TUỔI TRẺ

Cô bé mồ côi vượt nghịch cảnh đến giảng đường - Ảnh 5.

Tiếp sức đến trường 2020 - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Tiếp sức đến trường 2020 

17 năm học bổng Tiếp sức đến trường: 17 năm học bổng Tiếp sức đến trường: 'Mẹ ơi, con đậu đại học'

TTO - Mùa Vu lan, Sâm ngồi trên chiếc giường đối diện bàn thờ của mẹ, cậu gói ghém sách vở vào những thùng giấy, chuẩn bị cho hành trình mới ở TP.HCM dự báo đầy chông gai sắp đến - những ngày ở giảng đường.

DOÃN HÒA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên