Trên cánh đồng lúa 20ha, trải qua 100 ngày được chăm sóc tỉ mẩn, chỉ đón nắng ngậm sương và không nhận bất kỳ hóa chất nào, những hạt gạo Orgagro của Gạo Việt đã kể những câu chuyện hữu cơ của riêng mình…
Từ đất và hạt giống
Theo tiêu chuẩn hữu cơ của USDA Hoa Kỳ, lúa phải được trồng ở vùng đất sạch, không dư lượng hóa chất, không ô nhiễm, không bị ảnh hưởng của chất thải công nghiệp… Đất ruộng sử dụng phân bón hóa học lâu năm phải được xử lý bằng phân hữu cơ vi sinh ít nhất trong 3 vụ liên tiếp. Vì thế, theo ông Nguyễn Sơn Tiên, Giám đốc Công ty Gạo Việt, công ty chỉ gieo cấy 2 vụ mỗi năm. Những tháng còn lại được gọi là thời gian nghỉ và tái tạo của đất. Bởi theo nông nghiệp hữu cơ, đất được ví như một cá thể sống, sự sinh trưởng của các vi sinh vật sẽ là nguồn dinh dưỡng hoàn toàn sạch cho cây.
Quy trình trồng lúa hữu cơ vì thế đầu tư rất kỹ lưỡng cho việc làm đất. Trước khi xuống giống, đất được cày sâu, bừa nhuyễn. Trước khi cấy lúa, phân hữu cơ, vi sinh được bón lót thay vì phân hóa học. Sau khi cây lúa bén rễ, bắt đầu nảy nhánh, phát triển lá, làm đòng và trổ bông, lúa được bón lần lượt 5 lần phân hữu cơ vi sinh.
Hiện vùng nguyên liệu của Gạo Việt đã đạt chứng nhận hữu cơ USDA của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ. Theo tiêu chuẩn này, phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, thành phần hóa học sau thu hoạch… hoàn toàn không được sử dụng. Vì thế, theo ông Nguyễn Sơn Tiên, việc kiểm soát dịch hại và sâu bệnh trên cánh đồng lúa hữu cơ đòi hỏi sự nghiên cứu nghiêm túc và thực hiện kiên trì. Hiện nay, Gạo Việt đang áp dụng các giải pháp trồng lúa đúng thời vụ, kết hợp né rầy gây hại. Đồng thời các biện pháp quản lý bằng sinh học được áp dụng như nuôi thả vịt trong ruộng lúa giai đoạn sớm và trước khi cấy cho đến trước khi lúa trổ để ăn các loại dịch hại lúa như ốc bươu vàng, sâu, rầy các loại, đặc biệt là rầy cám (rầy nâu).
Ông Nguyễn Sơn Tiên cũng cho biết để việc canh tác hữu cơ được dễ dàng hơn, Gạo Việt đã sử dụng giống lúa chuyên biệt do Gạo Việt đã kết hợp với một số đơn vị nghiên cứu để tạo ra là giống lúa Lài Tím kết hợp với Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp phát triển Đồng Tháp Mười và giống lúa Jasmine 85 kết hợp với Viện Lúa quốc tế (IRRI).
Đến quy trình hữu cơ tiêu chuẩn Hoa Kỳ
Bắt đầu từ vùng canh tác đầu tiên 20ha ở Long An, đến nay Gạo Việt đã mở rộng diện tích lúa hữu cơ ra các tỉnh Bình Thuận, Vĩnh Long, Kiên Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp. Trong đó, diện tích trồng lúa hữu cơ tại tỉnh Long An đã lên đến 145,42ha. Các diện tích này đều đạt chuẩn hữu cơ USDA của Hoa Kỳ dành cho vùng nguyên liệu hữu cơ. Dự kiến diện tích canh tác gạo hữu cơ của Gạo Việt trên cả nước trong năm 2018 là 1.000ha/2 vụ.
Dòng sản phẩm gạo hữu cơ Orgagro của Gạo Việt phải đồng thời đạt tiêu chuẩn hữu cơ USDA với các quy chuẩn nghiêm ngặt trong tất cả các khâu từ trồng, thu hoạch đến chế biến. Theo đó, Gạo Việt đã nghiên cứu, thử nghiệm, đánh giá và đầu tư một dây chuyền sản xuất khép kín từ khâu chọn đất, chọn giống, trồng trọt, chăm bón, thu hoạch, xay xát, bảo quản và đóng gói…
Để kiểm soát tốt nhất quy trình sản xuất gạo hữu cơ, hiện nay, cánh đồng lúa hữu cơ của Gạo Việt chỉ sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh do chính công ty sản xuất. Việc sản xuất phân bón hữu cơ sẽ được mở rộng trong thời gian tới với dự án nhà máy sản xuất lúa hữu cơ và phân bón vi sinh tại huyện Tam Nông, Đồng Tháp. Nhà máy có tổng vốn đầu tư gần 150 tỷ đồng, dự kiến khởi công xây dựng từ quý I/2018 đến quý III/2018. Khi đó, Gạo Việt không chỉ cung cấp giống, phân bón vi sinh, các chế phẩm sinh học, mà còn cử đại diện có chuyên môn để hướng dẫn nông dân cách canh tác lúa hữu cơ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận