Thí sinh tham dự vòng sơ khảo khu vực phía Nam cuộc thi “Đi tìm Người nấu phở ngon 2019” - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Cũng như nhiều sinh viên khác, tôi sống trong một căn nhà thuê chật chội với duy nhất một chiếc bếp để nấu ăn, vậy nên tôi luôn ăn ngoài và cố gắng tìm những quán thức ăn nhanh bình dân.
Đó cũng là thời điểm mà tôi khám phá ra tiệm My Tan trên đường Broadway Avenue, đó cũng là một trong số những nhà hàng Việt Nam đầu tiên ở Vancouver. Nhà hàng này do một gia đình từ Việt Nam sang mở. Tôi ăn tô phở đầu tiên trong đời mình ở tiệm ăn nhỏ đó, và rồi nơi đó nhanh chóng trở thành nơi tôi thường lui tới suốt những năm tháng sinh viên của mình.
Mà, một khi bạn đã thử món phở Việt Nam rồi, thì sau này dù bạn có đi bất cứ đâu, bạn cũng sẽ phải tìm ăn phở cho bằng được! Khoảng giữa những năm 1980, chỉ có một vài nơi có bán phở ở Vancouver.
Trong trường, chúng tôi thường nghe nói về một tiệm "mì" Cambodia/Việt Nam có tên là Phnom Penh. Không lâu sau, cửa tiệm đó trở thành điểm đến yêu thích của tụi sinh viên chúng tôi, nhờ có món phở bò.
Bây giờ nhắc lại, tôi vẫn còn nhớ rõ hương vị của tô phở với những lát thịt bò tái thái mỏng đắm mình trong tô nước dùng thơm lừng đậm vị, ăn cùng sợi phở và rau thơm tươi mát. Hiện tại, nhà hàng này vẫn còn hoạt động ở khu phía đông đường Georgia, Vancouver.
Rồi suốt hàng chục năm sau đó, về lại British Columbia rồi, nhưng mỗi khi chuyển chỗ ở mới, tôi luôn bỏ công tìm kiếm nhà hàng Việt Nam - mà thật ra chủ yếu là tôi luôn tìm tiệm kiểu gia đình với món phở ngon tuyệt cú mèo đặc trưng để có thể xoa dịu dạ dày và sưởi ấm tâm hồn mình.
Năm 2016, chương trình du lịch Parts Unknown của Anthony Bourdain trên CNN giới thiệu tổng thống Mỹ lúc bấy giờ Barack Obama đi ăn bún chả ở Hà Nội, Việt Nam. Ngay lúc đó, vợ tôi, Lynn, quay sang nói với tôi rằng"mình phải đi Việt Nam thôi anh ơi!". Là một người yêu phở sâu đậm suốt cả đời mình, tôi chẳng cần đợi cô ấy phải thuyết phục nhiều.
Nói là vậy, nhưng cũng phải mất gần 2 năm, đến năm 2018 chúng tôi mới đáp một chuyến bay dài từ Canada sang Việt Nam. Chúng tôi dành 2 tuần để rong chơi khắp TP.HCM, Bến Tre, Huế, Hội An, Hà Nội vàVịnh Hạ Long.
Ngày đầu tiên ở TP.HCM, một người bạn Việt Nam dẫn chúng tôi đi ăn ở một tiệm địa phương, là một quán chay có bán phở chay, một khởi đầu tươi mát, đầy hương vị khi đến Việt Nam.
Ở những nước phương tây như Canada, chúng tôi thường nghĩ mọi loại "noodle" (mì) ăn với nước dùng đều là phở, chỉ là khác loại, có khi còn nhầm lẫn với mì ramen của Nhật. Sau này tôi biết được sợi phở được làm từ gạo, còn sợi mì ramen làm từ lúa mì.
Nhìn chung, phở thường có nước dùng nấu từ gà hoặc bò, ăn kèm nhiều loại thịt bò. Tôi còn biết thêm rằng phở có xuất xứ từ miền Bắc Việt Nam. Ở Victoria, Canada, tôi thường ăn phở với thịt bò tái, gân và lá sách. Mùi thơm và hương vị của một tô phở nghi ngút khói có thể ngay tắp lự đưa tâm trí tôi về Việt Nam.
Gần 40 năm sau khi bắt đầu chuyện tình tôi và phở, cuối cùng tôi cùng làm được một điều quan trọng trong bucket list (danh sách những điều muốn làm trước khi chết) của mình, đó là đến thăm đất nước đã tạo ra một món ăn mang tính biểu tượng, "hớp hồn" được thực khách cả thế giới. Tôi luôn trong tâm thế thèm thuồng một tô phở nghi ngút khói thơm lừng và ngon tuyệt, ngon đến mức tôi nghĩ món này có thể xứng danh là một trong những món ăn hoàn hảo nhất thế giới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận