06/09/2016 12:31 GMT+7

Chuyện tình 10 năm của Alăng Ngước

TẤN LỰC - PHAMTANLUC@TUOITRE.COM.VN
TẤN LỰC - PHAMTANLUC@TUOITRE.COM.VN

TTO - Hai con người thuộc hai dân tộc Cơ Tu - Ve cùng nhau vượt qua lời nguyền và những thử thách khắc nghiệt của bộ tộc, cũng như cuộc đời, để đến với nhau bằng một tình yêu đơm hoa kết trái.

Tấm thiệp cưới độc đáo của vợ chồng nhà báo Alăng Ngước
Tấm thiệp cưới độc đáo của vợ chồng nhà báo Alăng Ngước

Sau mười năm yêu nhau, ngày 10-9 tới, họ quyết định tổ chức một lễ cưới để cùng nhìn lại những ngày tháng đã trải qua!

Bước qua lời nguyền

Nhấp ngụm cà phê đắng, Alăng Ngước - người dân tộc Cơ Tu, hiện là phóng viên báo Quảng Nam - đưa mắt nhìn xa xăm, hồi tưởng giây phút đầu tiên được gặp Zơrâm Thị Tý (27 tuổi). Nhà Ngước tại thôn Sơn, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang, Quảng Nam. Còn Tý là người Ve (một nhánh của dân tộc Giẻ Triêng), nhà ở tận xã Đắc Pre, huyện miền núi Nam Giang, thuộc vùng biên tỉnh Quảng Nam, giáp giới tỉnh Sê Kông, nước bạn Lào.

Ngày đó không có điện thoại đâu, hai đứa chỉ viết thư thôi. Anh viết cho mình nhiều lắm, cả hàng trăm lá thư, đến giờ mình vẫn còn giữ. Thư anh thăm hỏi, động viên nhau cố gắng học tập thôi chứ cũng không dám nói chuyện yêu đương gì hết. Thỉnh thoảng trong trường anh có tham gia văn nghệ, mà hát hay nên mình thích chút chút vậy thôi”

Thị Tý

Ngày đó, cả hai nhập học tại Trường phổ thông Dân tộc nội trú Quảng Nam (TP Hội An). Ngay buổi đầu, thấy Tý xinh như đóa hoa dại bước ra từ núi rừng, Ngước đã đem lòng quý mến. “Ngày đó không có điện thoại đâu, hai đứa chỉ viết thư thôi. Anh viết cho mình nhiều lắm, cả hàng trăm lá thư, đến giờ mình vẫn còn giữ.

Thư anh thăm hỏi, động viên nhau cố gắng học tập thôi chứ cũng không dám nói chuyện yêu đương gì hết. Thỉnh thoảng trong trường anh có tham gia văn nghệ, mà hát hay nên mình thích chút chút vậy thôi” - Tý cười bẽn lẽn.

Hết phổ thông, khi cả hai sắp vào đại học cũng là lúc ông Alăng Phát - cha Ngước - lâm bệnh nặng. Trước lúc qua đời, ông Phát tâm nguyện được nhìn thấy các con yên bề gia thất. Khi đó, trong số 13 anh chị em chỉ còn Ngước chưa lập gia đình. Theo ý nguyện cha, các anh trai mang lễ vật vượt 200 cây số đường rừng đến nhà Tý hỏi vợ cho em.

Ban đầu gia đình Tý phản đối dữ dội, đặc biệt là bà Un Thị Nhâm - mẹ Tý. Lý do: họ lo sợ con gái Ve theo về làm dâu người Cơ Tu sẽ bị giết để trả thù những mâu thuẫn xa xưa giữa hai dân tộc để lại. Dù vậy, Tý quyết lấy Ngước làm chồng nên khi nhà trai ra về, Tý cũng tay xách nách mang hành lý theo về, mặc cho bà Nhâm khóc hết nước mắt.

Tý bảo từ nhỏ tới lớn chuyện gì mẹ dạy cũng nghe, chỉ mỗi chuyện lấy chồng là không theo ý mẹ vì... “trót yêu rồi mới thấy người yêu mình trên hết”! Biết không ngăn được con, gia đình bà Nhâm đành ưng thuận, xin nhà trai một chiếc ché và con heo gọi là lễ gả con gái.

Nhắc lại chuyện xưa, già làng Alăng Prót của thôn Sơn trầm ngâm, bảo ngày trước ở một số vùng miền núi Quảng Nam, người Cơ Tu và người Ve tranh giành đất đai bằng những cuộc chém giết triền miên, chìm đắm trong hủ tục “săn máu - nợ đầu” nên có mối hận thù truyền kiếp.

Không biết tự bao giờ, hai dân tộc có lời nguyền rằng con em của họ không được lấy nhau. Từng có vài đôi bất chấp đến bên nhau nhưng gặp những chuyện không may như chết vợ, chết chồng hoặc không sinh được con cái... càng khiến họ tin rằng lời nguyền có thật.

Ngày nay, họ truyền tai nhau câu chuyện về một đôi trai gái Cơ Tu - Ve đem lòng yêu nhau, bị cấm cản đã đến gốc đa hẹn ước rồi cùng treo cổ tự tử. Bây giờ tại xã Tà Bhing, huyện Nam Giang, nơi dưới gốc đa ấy vẫn còn một hòn đá khắc hai câu thơ khuyết danh: Tà Bhing địa lệ ghi dòng sử/Phút chung tình song tử ra đi, như nhắc nhớ thuở đau buồn quá khứ.

Vừa đi học vừa nuôi con

Thực hiện xong tâm nguyện của cha, Alăng Ngước cùng vợ dắt díu nhau ra Huế thuê trọ học. Ngước vào học ngành báo chí ĐH Khoa học Huế, còn Tý trúng tuyển vào ĐH Luật Huế. Cuộc sống sinh viên đã khốn khó, đến năm thứ hai Tý biết mình có thai. Sau nhiều ngày suy tính, cả hai quyết giữ lại kết tinh mối tình và chuẩn bị tâm lý đương đầu.

Ngước ngược xuôi tìm kiếm đề tài, viết tin bài cộng tác cho các báo kiếm nhuận bút, Tý đang mang thai cũng gắng kiếm chuyện làm thêm dành tiền sinh nở. Chật vật vậy nhưng cả hai chưa bao giờ có ý định từ bỏ giảng đường, Tý chỉ xin nghỉ học đúng một tháng để sinh con. Và rồi con gái đáng yêu Alăng Thảo Nguyên cất tiếng khóc chào đời trong vòng tay thương yêu, bảo bọc của bạn bè và những sinh viên cùng xóm trọ.

Tý xúc động nhớ lại: “Có nhiều hôm vợ chồng đều đi học, gửi con ở nhà cho mấy sinh viên các phòng kế bên trông giúp, trời Huế mùa hè nóng lắm, bé viêm phổi, ho suốt đêm ngày. Những lúc bí bách mà trong túi hết sạch tiền, bà chủ trọ tốt bụng lại dấm dúi mang cho rồi lấy xe chở đi bệnh viện. Mấy sinh viên gần đó cũng thương mình, lâu lâu lại góp tiền mua quần áo, tã bỉm cho cháu, mình thấy họ thân thuộc như cha mẹ, anh chị của mình vậy đó!”.

Hỏi cực khổ vậy có khi nào hối hận không? Tý cười, bảo cũng có lúc bi quan lắm, nhưng con đường mình đã chọn rồi thì khó khăn mấy phải theo đến cùng. Nhiều khi việc học tập không như ý muốn cũng buồn bực, nhưng về thấy con vui đùa là tan biến ngay, cảm giác như được tiếp lại sức mạnh.

Nay đời sống tạm ổn, điều duy nhất làm cả hai lo lắng là các con không nói được tiếng dân tộc. “Tụi nó từ nhỏ xa buôn làng, lớn lên đến trường học tiếng phổ thông rồi về nhà cũng nói tiếng phổ thông nên không biết tiếng của cha mẹ. Mình định đến hè sẽ đưa con về quê sống để học lại tiếng mẹ đẻ, muốn con sau này tự hào về nguồn gốc dân tộc mình” - Alăng Ngước nói.

Hát về chính cuộc đời mình

Tại đêm bán kết Liên hoan tiếng hát người làm báo khu vực miền Trung - Tây nguyên 2016 diễn ra ở Đà Nẵng đầu tháng 8 vừa qua, khán giả và các giám khảo dành nhiều khen ngợi cho phần trình diễn ca khúc Đôi chân trần của Alăng Ngước. Bài hát giúp Ngước giành giải nhất đêm thi. Ngước nói anh hát bằng chính trải nghiệm của bản thân.

Những lời ca da diết: “Tôi muốn quên đi, tháng với ngày, cha đi tìm quả ngọt rừng cho con đỡ đói qua đêm. Tôi muốn quên đi, đôi chân trần, cha đi lượm từng hạt thóc cho con một bữa cơm chiều”... cũng chính là chuỗi ngày cùng cực của tuổi thơ đói khát và ám ảnh tháng năm mất mùa còn in hằn trong ký ức của Alăng Ngước.

Tấm thiệp cưới độc đáo

Những vị khách được mời dự đám cưới cặp đôi tỏ ra thích thú với tấm thiệp mời đặc biệt. Tấm thiệp được thiết kế như một tờ báo, tái hiện hành trình mười năm yêu nhau và mối tình đơm hoa kết trái bằng một phóng sự ảnh. Trong đó cô dâu, chú rể và hai thiên thần nhỏ đáng yêu xúng xính trong sắc phục truyền thống của đồng bào mình.

Chia sẻ lý do thực hiện tấm thiệp cưới độc đáo này, Ngước bảo anh muốn cảm ơn nghề báo giúp anh vượt qua những lúc gian khó nhất của cuộc đời và cũng là lời hứa tiếp tục gắn bó với nghề những tháng ngày phía trước.

TẤN LỰC - PHAMTANLUC@TUOITRE.COM.VN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên