15/12/2024 12:46 GMT+7

Chuyện nữ vận động viên 14 tuổi bị 2 nam hiếp dâm 11 lần và những chữ 'nếu' vô nghĩa

Câu chuyện một vận động viên cầu lông của Trung tâm Huấn luyện thể dục thể thao Hà Nội bị hai bạn cùng đội lạm dụng tình dục nhiều lần từ khi em chỉ mới 12 tuổi đang khiến dư luận xôn xao và bức xúc.

Chuyện nữ vận động viên 14 tuổi bị 2 nam hiếp dâm 11 lần và những chữ 'nếu' vô nghĩa - Ảnh 1.

Ảnh minh họa xâm hại tình dục trẻ em - Ảnh: TTO

Cả ba người liên quan đều ở tuổi vị thành niên. Người phạm tội cần phải được xử lý để giáo dục và răn đe những người khác. 

Nhưng hậu quả mà vận động viên tuổi teen kia đã phải trải qua sẽ khó có cách nào đảo ngược. 

Những nguyên nhân dẫn đến lạm dụng tình dục trong thể thao

Trên thế giới, chuyện lạm dụng tình dục trong thể thao không phải chuyện hiếm. 

Tại Anh vào năm 2016, trong vòng 2 giờ, đường dây nóng của NSPCC - tổ chức từ thiện vì trẻ em hàng đầu ở Anh - đã tiếp nhận tới 50 cuộc gọi phản ánh về các vụ việc liên quan đến bạo hành và lạm dụng tình dục trong bóng đá. 

Và trong vòng một tuần kể từ thời điểm được thiết lập, đường dây nóng này đã tiếp nhận 860 cuộc gọi. Sau ba tuần thì số cuộc gọi đã lên tới 1.700.

Thời điểm này, nhiều cầu thủ từng thi đấu cho các câu lạc bộ ở Giải ngoại hạng Anh đã lên tiếng về việc mình từng bị lạm dụng tình dục khi còn ăn tập trong các đội trẻ. 

Cảnh sát Anh xác định được có ít nhất 98 câu lạc bộ liên quan, trong đó có những câu lạc bộ thuộc giải ngoại hạng.

Môi trường đặc thù của hoạt động tập luyện và thi đấu thể dục - thể thao dường như khiến cho các hành động lạm dụng tình dục dễ dàng xảy ra hơn. 

Các vận động viên phải sống xa gia đình để sinh hoạt, tập luyện và thi đấu tập trung nên có mối quan hệ gần gũi với đồng đội và ban huấn luyện. 

Các tiếp xúc gần trong quá trình tập luyện, đặc biệt là với các môn thể thao có trang phục bó sát hoặc để lộ nhiều phần cơ thể vận động viên, có thể khơi gợi ham muốn tình dục ở người khác.

Thể thao gắn liền với thành tích nên áp lực đối với các vận động viên rất lớn. Các vận động viên thường ở vào thế yếu nếu những người có tiếng nói quyết định đến việc các em được tuyển chọn vào đội tuyển đem ra mặc cả bằng tình. 

Các vận động viên nhỏ tuổi còn gặp bất lợi nhiều hơn do thiếu cả kỹ năng từ chối, ra quyết định và kháng cự, thậm chí không hình dung hết hậu quả.

Simone Biles, vận động viên thể dục dụng cụ hàng đầu thế giới người Mỹ, có lẽ là trường hợp hiếm hoi dám lên tiếng về việc bị lạm dụng tình dục ngay khi cô còn đang thi đấu. 

Cô rời khỏi đội tuyển Mỹ trong khi Olympic Tokyo 2021 đang diễn ra, vì không chịu đựng nổi những vấn đề về sức khỏe tâm thần do bị lạm dụng trước đó. Cô chua chát chia sẻ rằng những chấn thương vật lý có thể được chữa lành sau 4-6 tuần, nhưng không có giới hạn nào cho chấn thương về tinh thần.

Trớ trêu thay, chính việc các vận động viên được chăm sóc và chữa trị để hồi phục sau chấn thương vật lý cũng khiến họ trở thành nạn nhân của lạm dụng tình dục. 

Chính Lawrence Gerard Nassar, bác sĩ của đội tuyển thể dục dụng cụ Mỹ, đã lạm dụng tình dục Simone Biles và nhiều vận động viên khác khi làm động tác vật lý trị liệu để hồi phục sức khỏe. 

Làm gì để "hươu" không chạy sai đường?

Trong câu chuyện đáng buồn xảy ra với ba vận động viên tuổi teen, những người đáng trách nhất ở đây phải là những người quản lý đội tuyển cầu lông, quản lý ký túc xá và trường phổ thông nơi các em đang học văn hóa.

Nếu các em được trang bị đầy đủ kiến thức về sức khỏe sinh sản, về tình dục lành mạnh và an toàn thì có thể các em đã không trở thành người đi xâm hại và bị xâm hại. 

Thiếu sự chỉ dạy của người lớn, những "con hươu" này đã chạy sai đường.

Nếu ban huấn luyện và những người chịu trách nhiệm tại ký túc xá của Trung tâm Huấn luyện thể dục thể thao Hà Nội thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ của mình trong việc quản lý các em thì đã không có chuyện các em được tự do đến phòng của nhau như thế.

Những chữ "nếu" hoàn toàn vô nghĩa vì mọi thứ đã xảy ra rồi. Nó chỉ có ý nghĩa để những câu chuyện tương tự không tiếp tục xảy ra.

Theo "Báo cáo khảo sát hành vi sức khỏe học sinh toàn cầu tại Việt Nam năm 2019" được Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố, tỉ lệ học sinh quan hệ tình dục lần đầu trước 14 tuổi đã tăng gấp hơn 2 lần trong thời gian từ năm 2013 - 2019, từ 1,48% lên 3,51%. 

Số liệu được Bộ Y tế công bố mới đây nhân Ngày Tránh thai thế giới cho thấy tỉ suất sinh con ở người chưa thành niên tại Việt Nam vẫn còn cao.  Cứ 1.000 trẻ được sinh ra thì có tới 42 trẻ là con của các bà mẹ chưa thành niên. 

Đây là những con số làm giật mình những ai quan tâm đến việc giáo dục sức khỏe sinh sản, tình dục lành mạnh và an toàn cho thanh thiếu niên. 

Và nó cho thấy chúng ta đã có những khoảng thời gian lơ là trong việc này sau một thời gian nỗ lực? Hoặc chúng ta chưa làm hết cách để mọi trẻ em đều được giáo dục giới tính và tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản một cách đầy đủ như quyền mà mỗi trẻ em được hưởng theo luật định.

Nghị định 147 của Chính phủ có nội dung về kiểm soát trẻ em sử dụng mạng xã hội sắp có hiệu từ ngày 25-12-2024. Hy vọng sẽ góp phần hạn chế tình trạng trẻ em bắt chước các hành vi - lối sống gây hại đến sự phát triển lành mạnh của trẻ, trong đó có các vấn đề liên quan đến tình dục. 

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả vẫn là sự quản lý và giáo dục của gia đình và nhà trường. Với riêng các vận động thể thao tuổi teen phải xa gia đình từ sớm để ăn tập cùng đội tuyển, vai trò của ban huấn luyện, các trung tâm và trường năng khiếu lại càng trở nên quan trọng.

Từ chuyện vận động viên bị lạm dụng tình dục: Những chữ 'nếu' vô nghĩa - Ảnh 3.Nữ vận động viên 14 tuổi bị 2 nam vận động viên hiếp dâm 11 lần

Trong 2 năm, nữ vận động viên cầu lông 14 tuổi bị hai bạn nam cùng tập luyện tại Trung tâm Huấn luyện thể dục thể thao Hà Nội dùng vũ lực, đe dọa hiếp dâm đến 11 lần, khi ở nơi tập luyện và cả khi đi thi đấu.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên