30/10/2011 10:11 GMT+7

Chuyện nhỏ như con thỏ!

PHẠM XUÂN NGUYÊN
PHẠM XUÂN NGUYÊN

TT - Cuốn sách tranh Sát thủ đầu mưng mủ thành “chuyện dữ” trong tuần. Người thích thú thì cười rú, người không ưa thì hấm hứ. Bên thích bên giận đều lấy tiếng Việt ra làm chủ. Mà đúng, không có tiếng Việt mình lắm thanh nhiều vần thì đâu có thói quen, cái thú vui của dân Việt mình là chơi chữ nói lối bằng cách bắt vần thành điệu cho dễ nhớ, dễ thuộc.

“Lấy đây có bầu có bạn có ván cơm xôi có nồi cơm nếp có đệp bánh chưng có lưng hũ rượu”, đó là câu tán tỉnh của chàng trai quê với cô thôn nữ có vần có vận nghe thật dễ lọt lỗ tai. Nói xa xôi chi cho mệt, ông bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã được dân gian bình rồi đấy: “Hăng như Đinh La Thăng”. Người ta sẽ không nói là “hăng hái như...” vì như thế là không vần nên không chắc gọn, không có vẻ thành ngữ. Kiểu nói “như” này phổ biến lắm: “đau khổ như con hổ”, “ác như con tê giác”, “chán như con gián”, “ghét như con bọ chét”, “im như con chim”, “cực như con chó mực”...

Đó là một cách cấu tạo quen thuộc lối nói cửa miệng và thành ngữ của tiếng Việt. Nhiều câu như vậy trong cuốn sách “thành ngữ sành điệu bằng tranh” này, và đọc nó tôi được cười vui thoải mái cùng lớp trẻ hiện nay. Họ biết cách nói so sánh của tiếng mẹ đẻ, nhưng là tuổi trẻ họ muốn đùa nghịch, muốn khác người, muốn “sành điệu” không chỉ trong đầu tóc, quần áo, dáng điệu mà cả trong lời ăn tiếng nói, nên câu so sánh của họ ở vế sau luôn là sự bất ngờ, đột nhiên, có nghĩa hoặc không có nghĩa.

Nói “cướp trên giàn mướp”, “sát thủ trên cây đu đủ” thì chắc chỉ cốt bắt vần cho vui. Nói “hồn nhiên như cô tiên” thì để khác “đẹp như tiên”. Nói “không mày đố thầy dạy ai” thì có ý tạo ra một tương quan khác với “không thầy đố mày làm nên”, hai chủ thể chính của trường học, rộng ra là của giáo dục. Nói “một con ngựa đau cả tàu được ăn thêm cỏ” thì từ nói chơi đã hàm ý chỉ một thực tế đáng lo của xã hội.

Nhưng nói gì thì nói, những câu gọi là “thành ngữ sành điệu” này được phát ra khởi đầu là cốt để “phê” cho cả người nói và người nghe là người trẻ. Phê bằng cách ghép vần ngẫu nhiên, tùy tiện, cốt tạo ra câu nói chưa từng có, chưa từng nghe. Phê bằng cách quay ngang quay ngược những câu thành ngữ đã quen thuộc, cấp cho nó một vỏ ngôn ngữ mới để có một nội dung mới.

Phê như con tê tê! Hai chữ “sành điệu” ở đây hàm ý đây là cách nói, câu nói của người trẻ hiện nay, phải biết nhìn sự việc, hiện tượng dưới một lăng kính khác, phải biết tung hứng, sử dụng từ ngữ tiếng Việt cho nó trẻ trung, linh hoạt, năng động, tóm lại là nói năng kiểu tin (teen). Và vì tin tin như vậy nên những câu nói ghi lại trong sách này sẽ lại chóng trôi qua, nhường chỗ cho những câu nói mới khác, có câu sẽ được cộng đồng ghi nhận, nhiều câu sẽ biến mất.

Chẳng sao! Tiếng Việt đang bị báo động nghèo nàn và hư hỏng nhiều phần lại là ở những văn bản nói và viết chính thức, ngay cả trong sách giáo khoa. Còn như lời ăn tiếng nói hằng ngày phản ánh kịp thời mọi biến động của cuộc sống ở mọi góc độ, trong mọi sắc thái, luôn bổ sung những từ vựng và ngữ cú mới vào kho tàng ngôn ngữ dân tộc và luôn được cộng đồng ngôn ngữ bản địa điều chỉnh, hoàn thiện.

Cho nên cứ tê tê mà phê, chuyện nhỏ như con thỏ!

PHẠM XUÂN NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Phạm Xuân Nguyên