10/11/2019 18:00 GMT+7

Chuyện nhà: Bứng hai gốc mai

TRẦN MINH HỢP
TRẦN MINH HỢP

TTO - Chỉ còn miếng đất và mái nhà cũ, chú khấn xin cha mẹ nơi thiêng liêng cho phép được bán đi để chữa trị cho chị.

Chuyện nhà: Bứng hai gốc mai - Ảnh 1.

Minh họa: ĐẶNG HỒNG QUÂN

Chị ráng cầm cự nghen chị Hai, có dỡ kèo cột nhà, tôi cũng phải kiếm tiền mua thuốc cho chị.

Chú Út lẩm bẩm

Cô Hai và chú Út là hai chị em ruột.

Năm tháng tuổi già, cô Hai sống trong đau nhức cùng cực. Bệnh án, toa thuốc đầy các loại bệnh: bướu tuyến giáp, hở van tim, nhiễm trùng máu, uốn ván, đái tháo đường, viêm hạch, viêm da... Trên bộ ván cũ và bụi, dáng người 69 tuổi của cô bị bệnh tật biến thành một nhân dạng khác: mái tóc rối và cháy từng dề, cặp mắt lồi, tay chân sưng phù.

Chú Út đi bộ đội, như nhiều thanh niên Tây Ninh khác trong những trận đánh quân của Pol Pot hồi những năm tám mươi, rồi trở về lụi hụi với làng quê nghèo. Anh em trong nhà đều có tổ ấm riêng, ai cũng nghèo. Chú không lấy vợ, đứng ra nuôi người chị đau ốm. 

Bốn mươi bảy tuổi, chú Út cũng gầy gò như cây khô. Tâm nguyện lớn nhất của đời chú là: "Bả sống để có người thân thủ thỉ trong nhà!". Bởi thế, chú quơ quào mọi hi vọng trong sức lực yếu ớt để giữ chị mình sống thêm.

Nơi nào có ai thuê người làm công là chú dong xe đi. Chú len trong đồng ớt chỉ thiên đỏ chót, lom khom từ sáng trưa tới chiều, cay như xé toạc da tay. Vô mùa thuốc lá, chú đi bẻ và xiên lá thuốc lá. Được đồng nào chú chạy về mua thuốc cầm bệnh cho cô Hai, mua gạo nấu cháo, mua miếng cá về kho mằn mặn. 

Từ hơn 12 năm trước, chú Út đã lặn lội đưa cô Hai đi chữa bệnh từ trạm xá quê nghèo đến bệnh viện đa khoa tỉnh. Có năm chú Út còn đưa cô Hai đi xe buýt từ Tây Ninh lên Sài Gòn khám ở Bệnh viện 115, Bệnh viện Chợ Rẫy. Nhưng bệnh cứ chồng bệnh, dày đặc.

Mỗi sáng trước khi đi làm thuê, chú châm sẵn ca nước sôi để nguội và bỏ cái bô sau cánh cửa sát tấm ván, để lúc cô Hai đi vệ sinh tụt xuống cho gần. Chú về lau dọn, có hôi thối cũng nín thở cho trôi qua. 

Chú Út không sợ hôi thối bằng sợ cô Hai hôm đó đuối, không xuống ván nổi để ngồi bô. Có hôm chú về nhà, cô nói: "Út, mày để bô sát trong hốc quá, tao khều chân không ra được...". Chú Út lặng lẽ nhúng khăn lau chùi và thay quần cho chị mình...

Dần dần, cô Hai yếu hơn, vì nhiều căn bệnh cùng lúc tái phát nặng. Chú không còn đồng nào để mua thuốc... Cô Hai khò khè từng chữ nói về cái đau đớn tựa như ai đó đang đứng sau lưng thắt cổ lại. 

Cô nói như thét lửa lên nóc nhà: "Chết thì chết đi, khổ quá rồi!". Chú Út lẩm bẩm: "Chị ráng cầm cự nghen chị Hai, có dỡ kèo cột nhà, tôi cũng phải kiếm tiền mua thuốc cho chị".

Chú ngó từ sau hè ra trước hiên, chẳng còn gì để bán hay cầm cố. Chỉ còn miếng đất và mái nhà cũ, chú khấn xin cha mẹ nơi thiêng liêng cho phép được bán đi để chữa trị cho chị ruột mình. 

Sợ cô Hai nhắm mắt thật sự, chú chạy đi kiếm những người anh chị của mình, cầu mong xin được ít đồng lo viện phí. Chú trở về chỉ có được một túm gạo. Một người anh cũng đã cầm cố chiếc xe máy cánh én cũ, được một triệu đồng để lấy tiền nhập viện.

Cuối cùng, chú kêu người bứng hai gốc mai trước nhà bán đi. Mỗi gốc được năm trăm ngàn. Chú ra chợ mua con cá lóc về kho thật mặn, nấu nồi cháo trắng lá dứa, món ăn mà cô Hai rất thích. Phần còn lại chú đi mua thêm thuốc điều trị cho chị gái..., nhưng rồi cũng chẳng níu kéo được bao ngày...

Tuy không vất vả chăm sóc cô Hai nữa, nhưng thiếu vắng hơi ấm người thân, trông chú Út như cây thiếu rễ... Chiều chiều, chú lại nhìn ra chỗ hai gốc mai, không biết nhớ chị hay nhớ cây mai già...

Chuyện nhà: Chị tôi Chuyện nhà: Chị tôi' là bé Út

TTO - Tivi đang phát bài hát Chị tôi lúc bé Út đang đứng ở mép bếp làm sinh tố mít. Khúc nhạc dạo như tiếng tả tơi của một buổi xế chiều.

TRẦN MINH HỢP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên