Và khi HLV Troussier đến, cơn hứng khởi bóng đá tấn công cũng sống dậy. Ở Doha Cup trước thềm SEA Games 32, người hâm mộ chứng kiến U22 Việt Nam mạnh dạn chơi tấn công trước những đội bóng mạnh hơn như Iraq, UAE, và rồi… thua thảm.
Lúc này, nhiều người lại chỉ trích HLV Troussier là ngây thơ. Nhưng HLV Troussier khẳng định ông không hối hận khi chỉ đạo các học trò chơi tấn công trước những đối thủ nhỉnh hơn về trình độ. Việc U22 Việt Nam dừng bước tại bán kết SEA Games 32 tiếp tục làm dấy lên những chỉ trích nhắm vào HLV Troussier dù thứ bóng đá tấn công ông hứa hẹn với người hâm mộ đang tiến bộ từng ngày.
Trong nhiều thập niên qua, làng bóng đá vẫn tồn tại một tranh cãi: phải chăng chơi phòng ngự dễ dàng hơn tấn công?
Luis Filipe, trợ lý phân tích chiến thuật của HLV trưởng tuyển Thái Lan Mano Polking, chia sẻ về quan điểm này: "Thật khó để nói rằng chơi phòng ngự hay chơi tấn công cái nào dễ dàng hơn. Nhưng lịch sử bóng đá cho thấy một đội bóng nhỏ, không có cầu thủ giỏi vẫn có thể gặt hái thành công nhất định nhờ chơi phòng ngự chặt chẽ. Điều tương tự khó lòng xuất hiện nếu họ chơi tấn công".
Chuyên gia Johny Whitmore của chuyên trang bóng đá The Analyst từng đưa ra kết luận: "Chơi tấn công ở tuyển quốc gia khó hơn so với ở CLB". Ông dựa trên những số liệu thống kê như: tốc độ di chuyển của các cầu thủ tuyển quốc gia là 1,45 m/giây, còn ở CLB là 1,64 m/giây, số đường chuyền trung bình của các trận cầu quốc tế cũng nhiều hơn gấp rưỡi so với cấp CLB… Tất cả nhằm phản ánh rằng rất khó để truyền đạt và xây dựng một triết lý bóng đá tấn công xuyên suốt cho cấp độ tuyển quốc gia.
Nếu khó khăn như vậy, liệu bóng đá Việt Nam có nên trở lại lối chơi phòng ngự phản công quen thuộc như thời HLV Park Hang Seo? Đây là vấn đề từng được tranh cãi. Khi tuyển Việt Nam liên tục nhận lấy thất bại theo cùng một kịch bản trước Saudi Arabia, Úc, Nhật Bản ở vòng loại World Cup 2022, không ít người hâm mộ đã chỉ trích ông Park là "hết bài".
Để vươn đến tầm cỡ châu lục, bóng đá Việt Nam cần một HLV sắc nét hơn, có những bài vở tấn công rõ ràng hơn. Với bản lý lịch dày đặc những "phép màu" từng làm được ở châu Phi và Nhật Bản, HLV Troussier là một lựa chọn phù hợp về lý thuyết. Nhưng để có được câu trả lời thực tế còn cần thêm thời gian và một sách lược phát triển diện rộng.
Nhà báo Vũ Công Lập, người am hiểu sâu rộng về bóng đá Đức, từng chia sẻ cách người Đức chuyển hướng truyền thống bóng đá của mình.
"Trong quá khứ, nói đến Đức là mọi người nghĩ đến xe tăng Đức xù xì nhưng chắc chắn với những cầu thủ phòng ngự mạnh mẽ. Trong khi đó, họ đặc biệt thiếu những tiền vệ tấn công giỏi. Theo thời gian, các lãnh đạo bóng đá Đức xác định cần phải đổi mới để có thứ bóng đá hấp dẫn hơn. Và họ nhìn vào kình địch Hà Lan để học tập cách đào tạo những tiền vệ tấn công. Đó là giai đoạn cuối thập niên 1990 đầu thập niên 2000".
Kết quả là đến năm 2014, tuyển Đức giương cao cúp vàng thế giới với một thế hệ cầu thủ hào hoa. Câu chuyện chuyển đổi hình thái của bóng đá Đức là một ví dụ kiểu mẫu cho các nền bóng đá khác thấy rằng để có được thứ bóng đá tấn công đẹp đẽ và thành công bền vững, cần có sự đầu tư lâu dài.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận