PGS.TS Trần Ngọc Anh phát biểu tại tọa đàm - Ảnh: TIẾN LONG
Phải có hệ thống đánh giá cán bộ
Phát biểu tại buổi tọa đàm, PGS.TS Trần Ngọc Anh (Đại học Indiana, Hoa Kỳ) cho rằng muốn tạo động lực làm việc cho cán bộ, công chức thì thu nhập cán bộ, công chức phải được đảm bảo. Việc TP.HCM là địa phương đầu tiên có được cơ chế trả lương theo năng suất là một bước tiến cần phải đẩy mạnh hơn, bởi chỉ tăng 80% so với mức lương trung bình như hiện nay chưa đủ thu hút người tài.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng chỉ tăng lương không đủ, mà phải có hệ thống đánh giá cán bộ để tiền lương tăng lên "chảy vào" đúng chỗ có năng lực nhất và gợi ý mô hình nhiều nước trên thế giới sử dụng: hệ thống quản trị thực thi công việc.
Bản chất hệ thống này là xây dựng hệ thống thông tin điều hành, trong đó có chỉ số kết quả của từng sở, quận, phòng, xuống đến từng chuyên viên... Khi đó cấp trên sẽ giao nhiệm vụ cho các đơn vị kèm theo các chỉ số kết quả công việc.
Ví dụ một sở được giao những đề án trọng điểm thì kết quả được định lượng rõ ràng và sở đó phải chịu trách nhiệm với kết quả. Cuối năm kết quả điều hành sẽ được đánh giá dựa trên hiệu quả thực hiện các chỉ số. Mặt khác, hằng ngày lãnh đạo TP, sở ngành... thông qua hệ thống quản lý cũng biết được tiến độ công việc, và các công việc gấp cần can thiệp và xử lý ngay.
"Nếu gắn chỉ số kết quả với việc đánh giá cán bộ một cách thực chất sẽ tạo ra động lực cho công chức, viên chức. Nếu họ thực sự có năng lực và thực sự có cố gắng sẽ không bị đổ đồng về thu nhập với những người khác. Việc phân bổ biên chế dựa vào kết quả công việc cũng sẽ rõ ràng hơn.
Ngoài ra, từ hệ thống điều hành chúng ta sẽ đánh giá được hệ thống năng lực đang yếu ở đâu, để từ đó đặt hàng đào tạo, củng cố", ông Ngọc Anh nói thêm.
TS Thái Thị Tuyết Dung phát biểu tại tọa đàm - Ảnh: ÁI NHÂN
Cho TP.HCM chủ động trong ngân sách, huy động xã hội hóa…
Theo TS Thái Thị Tuyết Dung - Trường đại học Kinh tế - luật TP.HCM, một trong những nguyên nhân khiến việc thực hiện nghị quyết 54 không đạt được như kỳ vọng là do nhiều nội dung trong nghị quyết chưa phân cấp triệt để. TP được cho phép nhưng chưa được quyền chủ động thực hiện, vẫn phải ra trung ương xin thêm cơ chế.
Ví dụ quy định cho phép TP.HCM được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất nhưng thực tế không dễ dàng chủ động bán tài sản công, mà phải qua quá nhiều thủ tục hành chính, phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án bán tài sản.
Theo bà Dung, TP cũng không có sự chủ động về ngân sách, ngân sách giữa trung ương và TP chưa có tính ổn định để có những kế hoạch dài hơi, trong khi để phát triển bền vững và ổn định, chính quyền cần biết được tình hình ngân sách trong 5 - 10 năm.
Mặt khác, cơ chế xã hội hóa chưa được ghi nhận trong nghị quyết nên TP chưa chủ động huy động nguồn lực phát triển. Các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập tại TP chưa có cơ chế nên chưa thể thực hiện, nhất là các vấn đề liên quan tài sản công, hợp tác đầu tư.
TP.HCM cũng chưa được tự chủ trong việc tổ chức bộ máy chính quyền đô thị, nhất là chủ động việc thành lập các đơn vị trực thuộc, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh. Mối quan hệ giữa nghị quyết 54 với các đạo luật chuyên ngành chưa tạo thành một "nguyên tắc tuân thủ" thống nhất, khi có sự khác nhau giữa nghị quyết và luật, nhiều trường hợp nghị quyết không được ưu tiên áp dụng.
Bà Dung gợi ý thay vì xin cơ chế giải quyết những vấn đề riêng lẻ, trao quyền nhỏ giọt, cần kiến nghị cho TP.HCM chủ động hoàn toàn trong ngân sách, huy động các nguồn lực xã hội hóa…
Thử nghiệm không chỉ cho TP.HCM, mà cho cả nước
PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh, hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - luật, cho rằng cần nhìn ở góc độ xây dựng khung pháp lý thử nghiệm cho TP.HCM và việc thử nghiệm nghị quyết 54 không phải cho TP.HCM, mà cho cả nước.
Theo ông, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai đều đối mặt với tình trạng người dân đến sinh sống rất nhiều. Về mặt giáo dục, TP phải chịu gánh nặng khi miễn phí cho các đối tượng giáo dục phổ thông. Dù vậy, khi phân chia ngân sách thì không tính đến câu chuyện này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận