Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể ngày 4-6, người dân tưởng rằng sẽ được biết chuyện gì đang xảy ra với cây cầu này.
Tiếc rằng không có câu hỏi nào được đại biểu nêu ra và bộ trưởng cũng chẳng nhắc đến sự cố đã được khắc phục thế nào và khi nào cầu Vàm Cống được khai thác!?
Cầu Vàm Cống khởi công tháng 9-2013, bắc qua sông Hậu nối Lấp Vò (Đồng Tháp) và Thốt Nốt (TP Cần Thơ). Người miền Tây ví cầu Vàm Cống là "anh em sinh đôi" với cầu Cao Lãnh.
Theo cam kết của ngành GTVT, cầu sẽ hoàn thành giữa năm 2018. Nhưng chiều 14-11-2017, trong quá trình thi công khe co giãn tại trụ P29, các đơn vị tư vấn, nhà thầu phát hiện dầm ngang trên đỉnh trụ P29 cầu bị nứt.
Khi đó, lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định không đáng quan ngại, đang được các chuyên gia Hàn Quốc kiểm tra, khắc phục và sẽ được công bố nguyên nhân gây nứt dầm vào tháng 4-2018. Nói thế, nhưng từ đó đến nay mọi thông tin về cây cầu này vẫn được giấu kín.
Cầu Vàm Cống thông xe là mong ước của bao người dân miền sông nước, là động lực để thúc đẩy kinh tế, nâng cao đời sống người dân nơi đây. Không ít người cao tuổi mong ước được một lần bước qua cầu. Vậy mà, thời gian cứ trôi đi, ước mơ vẫn chỉ là ước mơ.
Chính vì thế, mọi người càng nóng lòng được biết sự cố có nghiêm trọng, đã khắc phục thế nào…?
Công trình xây cầu sừng sững giữa trời đất, chẳng phải là bí mật quốc phòng. Vậy cớ sao lời hứa sẽ công bố nguyên nhân sự cố vẫn chưa được thực hiện?
Nguyên nhân nứt dầm cầu Vàm Cống nếu chậm được công bố, tiếp tục tù mù, không khéo người dân hiểu rằng có sự bưng bít, tránh sao được những suy đoán, dễ gây ra những "vết nứt lòng tin" trong nhân dân.
Giá như trong ngày 4-6, trước Quốc hội, trong đó có rất nhiều đại biểu đại diện cho người dân miền sông nước miền Tây, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể có đôi lời về cây cầu này và chốt thời hạn thông xe, có lẽ từ tâm trạng bức xúc, người dân lại háo hức chờ đến ngày được bon bon qua cầu Vàm Cống.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận