30/09/2022 17:54 GMT+7

Chuyện đấu thầu và thiếu thuốc nhìn từ thực tế Bệnh viện quận 11

XUÂN MAI - CẨM NƯƠNG
XUÂN MAI - CẨM NƯƠNG

TTO - Chia sẻ với Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, giám đốc Bệnh viện quận 11 cho biết bệnh viện 'rất mệt' vì quá nhiều văn bản hướng dẫn trong đấu thầu, thiếu thuốc nhưng không thể tự mua sắm dù đã tự chủ toàn bộ chi thường xuyên từ năm 2017.

Chuyện đấu thầu và thiếu thuốc nhìn từ thực tế Bệnh viện quận 11 - Ảnh 1.

Bệnh viện quận 11 (TP.HCM) - Ảnh: XUÂN MAI

Chiều 30-9, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM có buổi khảo sát về việc thực hiện cơ chế tự chủ và đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị tại Bệnh viện quận 11 (TP.HCM) giai đoạn tháng 1-2020 đến tháng 6-2022 nhằm góp ý cho dự án Luật đấu thầu sửa đổi.

Thiếu thuốc nhưng không thể tự mua sắm

Theo báo cáo của Bệnh viện quận 11, bệnh viện thực hiện tổng cộng 32 gói thầu, trong đó có nhiều gói thầu mua sắm bổ sung. Khi thực hiện mua sắm thì nhiều thuốc không lựa chọn được nhà thầu. 

Mặt khác, nhiều nhà thầu đã trúng thầu trước đó nhưng khi bệnh viện đặt hàng lại báo không có hàng cung ứng, bắt buộc bệnh viện phải xây dựng kế hoạch mua sắm bổ sung.

Bệnh viện cũng gặp khó khăn trong công tác mua sắm, điều chuyển, chuyển nguồn, cân đối thuốc. Trong thời gian chờ kết quả của các gói thầu mua sắm tập trung, bệnh viện xảy ra thiếu thuốc nhưng không thể tự tổ chức mua sắm các thuốc thuộc hình thức mua sắm tập trung. 

Hoặc nếu bệnh viện mua sắm được thì vướng mắc khâu Bảo hiểm xã hội TP duyệt thanh toán bảo hiểm y tế cho người bệnh.

Trong công tác mua sắm hóa chất, vật tư, trang thiết bị y tế, bệnh viện gặp khó khăn trong việc xác định giá dự toán. Bên cạnh đó, bệnh viện thường xuyên gặp tình trạng nhà thầu báo đứt hàng, không đủ số lượng cung ứng. 

Chuyện đấu thầu và thiếu thuốc nhìn từ thực tế Bệnh viện quận 11 - Ảnh 2.

Ông Phạm Quốc Dũng, giám đốc Bệnh viện quận 11 (TP.HCM), chia sẻ câu chuyện gặp phải - Ảnh: CẨM NƯƠNG

Bệnh viện "rất mệt", đề xuất không thực hiện đấu thầu

Ông Lê Đức Nhã - phó giám đốc Bệnh viện quận 11 - cho biết bệnh viện được tự chủ trong chi thường xuyên từ năm 2017 nhưng đến nay vẫn chưa có ngân sách. Bệnh viện cũng gặp khó khăn trong cân đối tài chính, phải tìm mọi cách để tiết kiệm chi tiêu như phân tích chênh lệch thu - chi hằng tháng. 

Về quyền tự chủ trong chuyên môn, ông Nhã cho hay bệnh viện chưa tự chủ được do còn nhiều yếu tố làm ảnh hưởng, chi phối như các luật, nghị định hiện hành. "Bệnh viện đề xuất được quyền tự chủ trong chuyên môn vì điều này gắn đến quyền lợi của bệnh nhân, trách nhiệm, thương hiệu của bệnh viện", ông Nhã nói. 

Trước tình trạng thiếu thuốc, ông Phạm Quốc Dũng - giám đốc Bệnh viện quận 11 - cho rằng việc đấu thầu hiện nay rất nhiều văn bản hướng dẫn. Bệnh viện "rất mệt" khi triển khai nhưng không thể tự mua thuốc được.

"Thuốc qua đấu thầu tập trung quốc gia tại bệnh viện chiếm khoảng 20%, thì trong số này bệnh viện không chọn được. Tức là kết quả trúng thầu như thế nào thì bệnh viện phải mua. 80% thuốc còn lại bệnh viện đấu thầu nhưng trong số này chỉ lựa được 60% trong mỗi đợt đấu thầu", ông Dũng chia sẻ. 

Với những khó khăn nêu trên, ông Dũng đề xuất bệnh viện không thực hiện đấu thầu. Theo đó, bảo hiểm y tế hoặc trung ương/địa phương đấu thầu xong, bệnh viện sẽ mua do không tự chủ được nguồn. Hay bảo hiểm xã hội đưa ra mức trần cho một nhóm thuốc, bệnh viện sẽ mua và tự xử lý phần chênh lệch. 

"Nếu được chúng tôi không tự đấu thầu nữa vì điều này làm vừa tốn thời gian, nhân lực...", ông Dũng nói. 

Lãnh đạo bệnh viện cũng kiến nghị TP sớm giải ngân cho bệnh viện cấp bù lãi vay theo hình thức kích cầu. Đồng thời có kiến nghị với trung ương xây dựng giá kế hoạch của từng loại thuốc.

Kết luận buổi làm việc, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM Văn Thị Bạch Tuyết ghi nhận kết quả đạt được trong việc thực hiện cơ chế tự chủ của bệnh viện.

Theo bà Tuyết, có nhiều quy định phức tạp của pháp luật mà các bệnh viện phải tuân thủ, trong đó có việc mua sắm trang thiết bị. Những khó khăn đó ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động của bệnh viện và quyền lợi người dân.

"Đoàn ghi nhận tất cả kiến nghị và sẽ có góp ý trong đợt sửa đổi Luật khám chữa bệnh lần này. Đồng thời, trong đợt làm việc với UBND TP về kinh kế xã hội của năm 2022 sắp tới, đoàn cũng sẽ nêu các kiến nghị của bệnh viện hôm nay, trong đó sẽ kiến nghị với HĐND xem xét ban hành nghị quyết có tiêu chuẩn định mức kỹ thuật để mua sắm thiết bị còn thiếu", bà Tuyết nói.

Bệnh viện Chợ Rẫy không có nguồn tái đầu tư, bác sĩ phải gánh nhiều việc Bệnh viện Chợ Rẫy không có nguồn tái đầu tư, bác sĩ phải gánh nhiều việc

TTO - Là bệnh viện hạng đặc biệt khu vực phía Nam với quy mô hơn 3.200 giường bệnh, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) đã và đang gặp rất nhiều khó khăn trong đấu thầu mua sắm, trang thiết bị khi thực hiện cơ chế tự chủ, ảnh hưởng trực tiếp đến người bệnh.

XUÂN MAI - CẨM NƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên