27/08/2020 11:29 GMT+7

Chuyện chưa kể về cây trái cố đô Huế - Kỳ 4: Khu vườn huyền diệu

THÁI LỘC
THÁI LỘC

TTO - Mỗi khu vườn trong 'thành phố vườn' của Huế trồng đủ thứ cây hoa trái, rau màu, thuốc thang ứng với thói quen ăn uống, sở thích và nhu cầu thưởng ngoạn của chủ nhân.

Chuyện chưa kể về cây trái cố đô Huế - Kỳ 4: Khu vườn huyền diệu - Ảnh 1.

GS Thái Kim Lan tái lập khu vườn trong ký ức thời bà nội - Ảnh: THÁI LỘC

Ru em cho đến làng (Long) Hồ/ Em mua trái mít em bồ trái thơm/ Trái thơm là trái thơm non/ Bỏ vô thỏng mắm ăn choong (dòn) như dừa.

Lời ru xứ Huế

Tái lập vườn xưa

Trong sách Nhà vườn xứ Huế, "mệ Huế" Nguyễn Hữu Thông đúc kết: "Vườn thường thấy ở Huế là khuôn viên mà không gian được tổ chức đa dạng, trong đó ngoài cây kinh tế còn có cây phong tục, nghi lễ, cây thuốc, cây cảnh, cây gia vị, cây lấy củi, cây hương liệu, cây công nghiệp... đáp ứng nhiều nhu cầu và sinh hoạt khác nhau của con người".

Khu từ đường họ Thái ở làng Xuân Hòa, gần chùa Thiên Mụ hướng ra sông Hương gồm mấy ngôi nhà rường cổ trầm mặc giữa khuôn viên rộng hoa lá xanh um. Dẫn chúng tôi thăm vườn, GS.TS triết học Thái Kim Lan giới thiệu nhiều loài hoa vừa được trồng hai bên lối cổng dẫn vào, một số cây có thể cắm trên bàn thờ, một số có thể thưởng trà hay để ngắm. 

Vào trong, cạnh bình phong là cây trà mi (hải đường) giống Huế cao lớn đang nở hoa. Hàng hoa pháo, nhài, mộc khoe hoa trên thảm cỏ xanh, dưới những ngọn tùng già cỗi vút thẳng lên trời.

Ở khoảnh vườn phía sau khu nhà, hàng loạt loại cây mới trồng vài năm, nhiều tầng bậc xen cài, bắt đầu xanh tốt. Tầng cao có nhiều cây trái như chuối, mít, chanh, bưởi. Tầng dưới là mấy vồng rau lang, rau ngót, bí đỏ, mồng tơi. Cạnh nhà bếp là nơi trồng nhiều loại lá chua cùng các loại rau mùi, rau gia vị như lá dứa, ngò gai, sân (một loại rau gia vị), lá lốt, ớt, sả, gừng, riềng... 

Bà nói đang tính trồng khóm gai góc sau vườn lấy lá làm bánh. Gần đó sẽ trồng một bụi tre xanh đến mùa lấy măng... "Tui đang cố gắng phục hồi khu vườn huyền diệu như hồi bà nội còn sống" - bà Lan cho biết.

Dưới tán cây xanh, những câu chuyện đong đầy cảm xúc về vườn xưa chợt dạt dào. Hồi đó, gia nhân chỉ cần đi chợ mua con cá, miếng thịt đem về; chỉ cần ra vườn hái từng rau trái thích hợp là có ngay món ăn quyện mùi, hợp vị. Cá lóc nấu với trái mít non thêm ngọn rau sân. Mấy miếng sườn non hay khúc giò heo thì hầm với trái vả bỏ lá lốt. Một vài loài cá đầm phá nấu cùng lá chua hay ngò gai, hợp vị, hợp mùi đến lạ. 

Nhiều dịp bất ngờ, bà nội bà Lan chỉ cần ra vườn, trên tay vài trái cây, nhúm lá, thoáng chốc có ngay mâm cơm mấy món đãi khách ghé nhà. Những lần đám trẻ con lên sởi hoặc hay cảm sốt lây nhau, bà nấu nồi nước đủ mấy loại lá, kêu ngồi vây quanh rồi trùm mền, giở nắp bắt xông hơi. Những nhúm lá dấu, trái bồ hòn chữa bệnh ghẻ lở, mẩn ngứa khi lũ trẻ vương sâu bọ. Bồ hòn cũng được nội dùng giặt giũ như xà phòng...

Trước ngày giỗ kị, bà nội bà Lan chọn mấy buồng chuối già cắt từng nải dú chín. Nội ngâm nhào bột nếp, xắt măng đem luộc, chải từng sợi vắt khô rim đường đến giòn để làm bánh măng. Còn lá gai thì luộc lên, giã nhuyễn, nhào với bột làm bánh ít đen. Bánh phục linh làm bằng bột nếp ướp qua đêm với hoa bưởi, gói lá dong. Đến ngày, người lo hái hoa, cắt chuối rửa sạch đơm lên bàn thờ. Biết bao nhiêu rau trái trong vườn nhà tạo thành mâm cỗ...

'Vườn Huế là rứa, đủ thứ cây, tùy theo cảm hứng của người trong gia đình mà cây đi theo. Đặc biệt là mấy bà nội trợ, họ nấu ăn hoặc làm tiệc tùng chi cũng đều ra vườn hết. Đi mô thấy cây chi đẹp cũng đem về trong vườn mình, thành thử từ cây nhỏ cho đến cây cổ thụ đều là cảm hứng của con người sống trong vườn' - GS Lan nói.

Chuyện chưa kể về cây trái cố đô Huế - Kỳ 4: Khu vườn huyền diệu - Ảnh 3.

Từ đường họ Thái gồm những mái nhà cổ kính giữa khu vườn rộng - Ảnh: T.L.

Những 'kho' thực phẩm

Nhà GS Lan thuộc làng Xuân Hòa, giáp làng Kim Long tạo thành một vệt xanh ven sông Hương, vườn nối tiếp vườn trải dài từ chùa Thiên Mụ đến chân kinh thành. Đó toàn những vườn tạp, "cây gì cũng có", phục vụ gia đình chứ không thành hàng hóa chuyên canh. 

Khi những sản vật đến chợ, từ mớ rau, mụt măng, trái cây hay bó hoa đều từng mớ in ít, be bé, chủ yếu do các bà nội trợ tiện tay hái bán kiếm tiền gia vị. Ven đường quanh các chợ có hẳn những dãy dài các chị, các o bày bán những sản vật thời trân như thế, từ việc đạp xe thu mua tại các "miệt vườn" Kim Long, An Ninh, Xuân Hòa hay Nguyệt Biều...

Nghề buôn hoa trái vườn Huế chứa riêng điều thú vị: mấy trái thơm, trái mướp, mớ rau tập tàng (biến âm của thập toàn), mấy gói hoa bưởi, vài xấp lá vả, lá chuối, lá dong, chục trái măng cụt hay chục vả, hồng... có khi tới chợ bán ngang giá. Món lời là thứ chủ vườn "bồ" thêm. Chữ "bồ" trong câu ru xưa: "Ru em cho đến làng (Long) Hồ/ Em mua trái mít em bồ trái thơm/ Trái thơm là trái thơm non/ Bỏ vô thỏng mắm ăn choong (dòn) như dừa". 

Ví như trái mít hư "bồ" thêm, được các chị lọc tỉa lộ ra miếng nhỏ mấy múi vàng ươm bán kiếm tiền lẻ; vài cái xơ mít đem về lót nồi cá kho, hột mít trong đám hư hao nấu chín hấp dẫn từ trẻ nhỏ cho đến người già...

Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đại Vinh đúc kết về vườn Huế như là một kho thực phẩm, kho thuốc và nơi thưởng ngoạn. Cung ứng nhu cầu thưởng ngoạn của ông chủ nằm sân trước với những khóm mai, nhài, mộc, tường vi, để khoe ngắm, thưởng trà hay dâng cúng. 

Sau nhà là từng vồng rau, gia vị nho nhỏ chăm bón phục vụ từng bữa ăn, và là cây thuốc chữa bệnh thông thường. Nhiều loại cây trái cạnh chuồng nuôi heo, gà. Bụi tre sau cùng có các loại dây leo như bầu, bí, mướp... 

'Không gian đó vừa đáp ứng nhu cầu sinh cấp trong gia đình, vừa đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng thích hợp, không có lợi tức cao mà chỉ là vườn để chủ nhân an dưỡng, sống cuộc sống gần như tự cung tự cấp chứ không phải nhu cầu kinh tế ghê gớm' - ông Vinh nói.

Thưởng ngoạn danh hoa

Sân trước những khu vườn Huế luôn trồng rất nhiều loại danh hoa cho hương cho sắc thể hiện cá tính, sở thích của chủ nhân, để mà ngắm, mà khoe hay để thưởng trà cùng bạn tâm giao. Đó là những khóm nhài, bụi sói hay hồng, mộc, ngâu, bưởi, ngọc lan... 

Không như nhiều người tưởng tượng phổ biến ở Huế là kỹ thuật ướp trà cầu kỳ, cao siêu ghê gớm. Chuyện kể của nhiều "mệ Huế" rằng: các cụ thường hái hoa tươi, rửa sạch bỏ vào ấm trà thưởng thức hương thơm trực tiếp, tự nhiên...

Nhà văn, dịch giả Bửu Ý chợt nhớ đến nguyên cớ nhạc phẩm Quỳnh hương của người bạn tâm giao Trịnh Công Sơn từ một lần thưởng hoa như thế, ngay sân trước nhà vườn Sum viên mà chủ nhân ngày nay là "mệ Huế" Nguyễn Hữu Thông. 

Giữa một đêm trăng đầu những năm 1970, một người con trong nhà rủ nhóm bạn đến thưởng trà canh ngắm quỳnh nở. Trong số bạn bè có vị khách đặc biệt là Trịnh Công Sơn và người yêu Minh Nguyệt cùng ngồi chờ hoa, trò chuyện.

Minh Nguyệt vốn là hoa khôi của một trường đại học của Huế, đồng thời là nhân vật của nhạc phẩm Nguyệt ca nổi tiếng. 

'Trăng treo trên đầu; phía dưới chúng tôi bên chén rượu, chén trà hoa nhài tán gẫu, cùng rình hoa nở. Trước cảnh nên thơ đó, cô Minh Nguyệt ngả đầu lên vai Trịnh Công Sơn. Vì rứa Trịnh Công Sơn mới có bài Quỳnh hương, và thể hiện rõ mồn một qua câu "miệng cười khúc khích trên lưng" là rứa đó!' - nhà văn Bửu Ý kể.

"Đi mô, thấy cây chi đem về trồng trong vườn nhà mình là hắn... có chuyện; thành thử rất hay, phản ảnh được nhân sinh quan và vũ trụ quan. Khu vườn thiệt huyền diệu.

Khác các vùng miền khác, vườn Huế không có sự sắp đặt thuần túy, mà là ngẫu nhiên, bộc phát và thiên nhiên; không có sự sắp đặt nhưng sự sắp đặt đã nằm sẵn trong khu vườn" - GS.TS triết học Thái Kim Lan kể.

"Hoa ngô đồng thế nào rồi, nhớ quá, thèm quá, xong dịch mà còn nở đẹp thì mình ra ngay".

Kỳ tới: Ngô đồng vương giả trời Nam

Chuyện chưa kể về cây trái cố đô Huế - Kỳ 3: Giáng châu Gia Định Chuyện chưa kể về cây trái cố đô Huế - Kỳ 3: Giáng châu Gia Định

TTO - Măng cụt do quan tổng trấn Gia Định tiến dâng về kinh, được Thánh tổ Minh Mạng sai trồng và ban tên giáng châu - ngọc trời ban xuống cho hương vị tuyệt hảo ít đâu sánh bằng.

THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên