Chị Lét và các con đã khỏe mạnh, vui vẻ - Ảnh: TỰ TRUNG
Giọng Huế của người phụ nữ làm tôi lặng người, xúc động, mừng rỡ và thấy ấm áp xiết bao.
1. Chiều hôm ấy, tôi lái ôtô chở hai đứa cháu ngoại sang quận Tân Bình (TP.HCM). Xe vừa đi được vài trăm mét, quẹo qua Hoàng Văn Thụ, tôi cảm nhận ngay một sự bất thường: ga bị kẹt không nhả. Tôi thất sắc, hai cháu ngoại cũng nhận biết được, la khóc.
Tôi cố đạp thắng nhưng chiếc xe bất trị vẫn ào ào lao về phía trước. Tôi đã từng đọc về cách xử lý khi ôtô bị kẹt ga, nhưng đường đông, trước mắt là đèn xanh đèn đỏ, hàng loạt xe cộ đang dừng lại. Không đủ thời gian, tôi nghĩ chỉ còn cách duy nhất là cố đưa xe lên lề để tránh bớt tai nạn.
Xe đang chạy trên làn giữa, tôi cố ép vào làn bên phải thì đụng ngay chiếc xe máy do một thanh niên đang chở một phụ nữ và hai bé gái. Khi phóng được lên lề đường, tôi nghe rất rõ tiếng ôtô va mạnh và hất tung một chiếc xe máy khác và người lên lề.
Chiếc xe tiếp tục lao tới, bươn qua những chậu kiểng trong vườn hoa trước cổng một đơn vị quân đội và tông vào một trụ điện. Xe dừng lại, hai túi khí bung ra. Tôi hoàn hồn mở cửa bước xuống và mở cửa sau cho hai cháu ngoại. Chúng đều an toàn.
Tôi tức tốc phóng tới chỗ chiếc xe máy nằm bẹp gí trên lề. Bị nạn là một người đàn ông khoảng 40 tuổi (sau này tôi biết tên Đa) ngồi dựa vào tường ôm cái chân rướm máu. "Cháu ơi, trong người có sao không cháu?", tôi hỏi.
Anh ta bình tĩnh trả lời: "Chắc không sao chú. Cháu chỉ nghe đau cái chân bên phải thôi, không đứng lên được". Vừa nói anh ta vừa vịn tường đứng lên và thử bước tới. "Bước được, chắc không việc gì chú ạ". Tôi không nghe một tiếng trách móc, một câu nặng lời.
Quay ra lòng đường, hai cháu bé máu me đầy mặt, tay chân, la khóc hoảng loạn. Người mẹ và em trai chỉ bị trầy trụa tay chân đang hốt hoảng ôm con.
Anh thanh niên cho tôi biết anh tên Leo và chị gái tên Lét mới đưa con từ ngoài Huế vào. Leo đang chở chị và các cháu sang quận Bình Tân, phòng trọ của vợ chồng Leo vừa thuê bên đó.
Cảnh sát giao thông đến, bộ đội trong đơn vị quân đội ra. Nhiều người đi đường dừng lại. Mọi người nhanh chóng giúp tôi đưa chị em Lét và hai cháu bé cùng Đa vào bệnh viện quận gần đó.
Gần một tiếng sau Đa trở lại chỗ tai nạn và báo tin: "Họ chỉ bôi thuốc đỏ rồi cho về chú ạ". Còn hai cháu bé được bệnh viện quận chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng.
Chiếc ôtô và hai chiếc xe máy được cẩu đi. Tôi cũng được chở về đội cảnh sát giao thông. Đến 7h tối, xong mọi thủ tục, tôi mệt mỏi về nhà, chưa hết bàng hoàng và chưa dự đoán được những gì sẽ xảy đến tiếp theo. Vậy mà điện thoại đến, giọng Huế của Xí, em gái Lét êm ru: "Chú ơi, may chi lạ...".
2. Hôm sau, giọng Huế nhẹ nhàng của Xí lại gọi cho tôi: "Chú ơi, mẹ con Lét còn ở chỗ cháu, nếu chú muốn đến thăm thì ngày ni chú đến chú à. Cho gần chú tề. Chớ mai mẹ con hắn về Bình Tân rồi, xa lắm, chú đi nhọc lắm, tìm nhà không được mô".
Buổi chiều tôi đến chỗ trọ của gia đình Xí. Khu nhà trọ của Xí nằm sâu trong một con hẻm đường Điện Biên Phủ, Bình Thạnh. Căn phòng trọ của Xí rộng chưa được 6m2, là chỗ ở của vợ chồng Xí và hai con nhỏ: không giường, không tủ, không bàn ghế. Ngày ngày Xí nấu nồi bún gánh đi bán rong. Chồng Xí chạy Grab giao hàng.
Mẹ con Lét bị tai nạn thì Xí đưa về đây. Bước vào, tôi thấy ngay hai cháu bé nằm dưới đất, mặt mày tay chân còn sưng, bôi thuốc đỏ lòm.
Lét ngồi bệt dưới đất xoa bóp, vỗ về con. Hai con nhỏ của Xí thì một cháu khép nép ngồi cạnh mẹ dựa vào tường trong góc, một cháu ra đứng xớ rớ ngoài hẻm. "Đêm hai đứa khóc quá, không ngủ - Lét nói - chắc hắn còn đau chú nờ, giờ cũng đơ đỡ rồi".
Thấy tôi có vẻ bứt rứt về việc hai cháu bị thương mà phải nằm dưới đất, quá đỗi chật chội, Lét trấn an tôi: "Mai cháu nhờ người chở cháu với hai đứa về Bình Tân chú à. Chồng cháu nói phòng dưới nớ thoáng rộng hơn".
Nhân đó, tôi nói với Lét là hai bé chưa ổn mà cháu bế ngồi xe máy đi xa không tiện, "nên book Grab đi cháu à" và dúi vào tay cháu một ít tiền. Bất ngờ, cả Xí và Lét đều từ chối, phản đối. Xí nói: "Đi gắn máy được mà chú. Tiền bạc chú cứ để sau. Cháu gom tiền bệnh viện, tiền thuốc bao nhiêu chú gửi lại là được rồi mà chú".
Leo, người em trai của Xí và Lét, ở căn phòng kế bên, bắc chiếc ghế nhỏ ngồi trước cửa. Chân Leo còn sưng to, đi lại còn khó khăn. "Chắc cháu phải nghỉ cả tuần", Leo nói. Leo 22 tuổi, làm công nhân cho một cơ sở làm vỏ lốp xe hơi.
Tôi gợi ý: "Cháu cứ nghỉ, tiền công mỗi ngày bao nhiêu, chú sẽ gửi lại cho cháu". Lại bất ngờ: Leo cười to: "Công cán chi mô chú, cháu làm ăn lương tháng mà. Bị tai nạn nghỉ mấy ngày họ có trừ tiền lương mô mà chú lo".
3. Mấy ngày sau tôi lại thêm một bất ngờ nữa. Nguyên chiếc xe bị tai nạn là chiếc xe Leo mới mua, chưa có biển số, Leo có nói với tôi là mượn tiền chỗ làm mua, mới có mấy ngày mà bị tai nạn sợ xui, không dám đi nữa.
"Chắc cháu phải mua chiếc khác chú à". Tôi nói là cứ lấy xe ra, mang tới hãng sửa rồi nói họ mua lại, được bao nhiêu tôi sẽ thêm tiền lấy chiếc xe mới.
Leo tỏ ra rất vui mừng. Nhưng sau đó Leo xin bên công an cho một người anh là thợ sửa xe vào xem chiếc xe để định giá sửa chữa hết bao nhiêu.
Rồi Leo gọi cho tôi: "Ông anh xem xe nói sửa hoàn chỉnh cũng khoảng 10 triệu thôi chú à, cháu cũng mừng. Nên thôi, lấy xe ra cứ để ảnh sửa, cháu đi cũng được, chắc không xui rủi chi mô. Chớ lấy xe mới chú phải bù vô nhiều lắm".
Tôi không chỉ bất ngờ với ba chị em Xí, Lét, Leo mà cả Đa, người bị xe tôi tông văng lên lề đường, cũng vậy. Mấy ngày sau tai nạn, Đa nghe đau ở đầu, tôi thúc hối Đa đi chụp ảnh, kiểm tra.
Và khi có kết quả kiểm tra, Đa gọi liền cho tôi: "Ổn rồi chú, đầu không bị gì hết". Cái cổ Đa bị đau, ngó qua một bên không được. Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình phát hiện chiếc xương đòn ở cổ đã bị nứt, phải bó cho cố định, đi lại, sinh hoạt rất khó khăn.
Vợ chồng Đa từ Thái Bình vào Sài Gòn kiếm sống, vợ mở cửa hàng bán quần áo, Đa cũng thuê nhà bán phụ kiện điện thoại. Tôi đến thăm, Đa bày tỏ sự lo lắng: "Cái cổ cháu vầy chắc phải nghỉ vài tháng, không ra cửa hàng được, tiền thuê mặt bằng cũng kẹt ghê".
Xuyến, vợ Đa, góp chuyện: "Giờ lo cái cổ đã anh. Người còn là của còn. Mình xui rủi, chú cũng xui rủi, có ai muốn vậy đâu. Chú lo tiền thuốc men, xe cộ chắc cũng nhiều rồi...".
Trong suốt những ngày sau tai nạn, tôi luôn bị ám ảnh, lo sợ. May thay tôi lại luôn nghe được những lời nhẹ nhàng, cảm thông, chia sẻ. Và lòng nghe ấm lại.
Và những bất ngờ nữa: các anh ở đội cảnh sát giao thông luôn ôn tồn hướng dẫn cách giải quyết ổn nhất, nhanh nhất.
Với đơn vị quân đội, tôi băn khoăn không biết sẽ thế nào thì mấy ngày sau tôi nhận được điện thoại của tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn bảo vệ: "Chú cứ lo cho mấy người bị thương đi chú. Còn phía đơn vị, không đáng lo đâu. Cháu đã nói tổ hậu cần họ xem hư hao thế nào rồi gửi bản chiết tính cho chú".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận