21/07/2022 06:32 GMT+7

Một phần cơm phải chia đôi ở xóm trọ nghèo mùa bão giá

TÂM LÊ - MẠNH DŨNG
TÂM LÊ - MẠNH DŨNG

TTO - Phóng viên Tuổi Trẻ đã đến một xóm trọ lao động nghèo, nghèn nghẹn lòng khi chứng kiến cảnh chia đôi phần cơm và những đôi mắt trũng sâu vì thiếu ngủ trong nỗi lo toan bời bời...

Một phần cơm phải chia đôi ở xóm trọ nghèo mùa bão giá - Ảnh 1.

Bà Tập và bà Phương ở chung phòng trọ để tiết kiệm chi phí - Ảnh: TÂM LÊ

Thời giá cả leo thang, người có thu nhập khá còn phải tính toán chi tiêu thì những người chạy ăn từng bữa lại càng khó.

Xế chiều, dãy trọ lợp tấm ximăng nóng hầm hập ở phường Mai Động (quận Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn chưa có nhiều người đi làm về. Chỉ hai phòng cuối đang mở cửa.

Biết tôi có bầu gần 4 tháng rồi, nên ảnh bắt tôi ăn bồi bổ mì gói với trứng thế này cho em bé, chứ bình thường chỉ hay ăn mì không. Tính ra tô này cũng gần mười ngàn bạc rồi, cũng xót tiền lắm.

Chị Bùi Thị Hà

Dưới mái trọ nóng như thiêu đốt

"Mẹ cháu đi làm chưa về", cậu bé chừng 6 tuổi trả lời chúng tôi. Cậu cho biết mình vừa đi học về, bố không sống ở đây, chỉ có hai mẹ con.

Hai dãy trọ quay mặt vào nhau, lối đi giữa rộng chừng 2m, trời sắp tắt nắng mà nơi đây vẫn nóng hầm hập như lò nung. Ở phòng trọ khác, bà Nguyễn Thị Tập (54 tuổi, ở xã Yên Lập, huyện Cẩm Khê, Phú Thọ) đang ngồi xoa bóp chân tay. Phòng thiếu ánh sáng nhưng bà vẫn chưa bật đèn để tiết kiệm điện.

Căn bệnh đau khớp gối và thoái hóa đĩa đệm đang hành hạ bà. "Đau quá không chịu nổi, tôi phải đến phòng khám nhờ bác sĩ châm cứu, lần này bác sĩ lấy thêm 50.000 đồng nữa, trước chỉ có 100.000 đồng một buổi", bà Tập xoa gối thở dài. Bà cho biết cái gì cũng tăng giá, còn hàng mình bán thì không tăng giá được mà còn ế ẩm.

Bà Tập bán chè (trà) khô, đổ lẻ cho các quán tạp hóa và trà đá quanh khu phố bằng xe đạp. Cùng phòng trọ với bà còn một người nữa hơn tuổi bà, quê Thái Nguyên, cũng đang đi đổ mối chè chưa về. "Không đi kiếm được tiền, còn tiêu tiền, chán cô nhỉ. Kiếm được ít tiền mà không ốm đau thì cũng không lo quá, chứ phải đi viện là hết sạch", bà Tập trải lòng.

Con gái bà cũng đang sống cùng chồng ở phòng trọ cách đây hai dãy nhà, bà không muốn phiền con lúc ốm đau. Ở quê, chồng bà mới mất vì ung thư, ông bị tai nạn rồi lại bệnh hiểm nghèo, 28 năm bà phải thay ông làm trụ cột gia đình.

Hơn 7h tối, xóm trọ bắt đầu về đông người hơn. Đối diện phòng bà Tập là gia đình chồng làm thợ xây, vợ bán hoa quả. Cậu con trai đi học về đang giúp bố mẹ nấu ăn, bếp gas đơn kê ngoài hiên cho phòng bớt nóng.

"Giá xăng lên chúng tôi xin tăng giá được một chút tiền đi lại, nhưng không ăn thua gì vì các chi phí khác đều tăng", anh chồng góp chuyện. Chị vợ đi bán hoa quả từ sáng sớm đến tối mịt, chị than giá mua hàng vào tăng vì bù vào tiền cước phí vận chuyển, nhưng giá bán lẻ lại giảm vì người mua ít.

Lúc này, bà Phương, người ở cùng bà Lập, mới tất tả về phòng. Bà ngồi bệt xuống nền nhà, bật quạt số to, chân tay duỗi xoài, mệt mỏi. Bà Phương, đã 65 tuổi, ở Phú Lương, Thái Nguyên. 

"Giá cả tôi bán ra thì không thể lên, người mua hàng kén chọn, trời nắng, đau đầu. Nhưng giá phân tro tăng làm giá chè tăng, rồi cước phí vận chuyển tăng gấp đôi. Lãi lời được mấy đồng nhưng vẫn phải giữ mối hàng", bà Phương phân trần.

Bà Tập rủ bà Phương ăn cùng suất cơm hộp với mình, khoe có cá khô, đậu phụ, canh rau ngót. Bà Phương vui vẻ đồng ý, vì đã thấm mệt và muộn giờ nấu cơm.

Phòng kế bên có hai mẹ con chị Trần Thị Bích, chị là mẹ đơn thân. Cậu con trai lúc chiều ngồi ở sân nghịch xe đạp, bé báo với chúng tôi mẹ đã về. Chị Bích ban ngày làm ở xưởng may gia công. Tối về chị nhận may đo, sửa chữa thêm quần áo cho khách.

Phòng chị có một dãy máy khâu bên dưới, vải vóc chất đầy một góc. Trên gác là nơi ngủ của hai mẹ con, có lắp máy điều hòa vì sát mái tôn thấp nóng như thiêu đốt. "Khi nào đi ngủ mới bật máy điều hòa, nhưng tôi chỉ dám bật đến 1h-2h sáng thì tắt, tháng vừa qua hết 1 triệu đồng tiền điện. Thêm 2 triệu đồng tiền nhà, tiền học hành cho con đủ các khoản nữa", chị Bích thở dài lo toan.

Con trai chị năm nay học lớp 7 mà trông chỉ như cậu bé 5 tuổi. Cậu ôm về một gói mì đòi ăn bữa tối, còn phần mẹ là hộp xôi để vội ngồi vào bàn may.

Một phần cơm phải chia đôi ở xóm trọ nghèo mùa bão giá - Ảnh 3.

Ông Võ Em cố kiếm thêm thu nhập bằng việc đi mài dao dạo nhiều hơn - Ảnh: MẠNH DŨNG

Làm thêm sau giờ tan ca

Một chiều muộn giữa tháng 7, chúng tôi ghé các xóm trọ công nhân quanh những khu công nghiệp Tân Tạo, Linh Trung, Tân Thuận, Vĩnh Lộc... ở TP.HCM để cảm nhận rõ những cảnh đời lao động đang cố xoay xở vượt khó khăn.

18h, bóng tối dần chập choạng, nhiều phòng trọ vẫn đóng cửa im ỉm, chưa sáng đèn. Chủ nhà trọ nói một số người ở lại để tăng ca, một số tranh thủ làm thêm gì đó vào buổi tối như thanh niên thì chạy xe ôm, các cô phụ bán quán ăn, kể cả nhận chia lại

50-70 tờ vé số để bán kiếm chút tiền lời trang trải tiền điện, nước, xăng xe. Thời buổi khó khăn, có thêm nguồn thu nhập nào, dù ít ỏi, cũng quý lắm...

Trong con hẻm "4 xuyệt" ở đường Đoàn Văn Bơ, quận 4, chị Bùi Thị Hà (27 tuổi, quê huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) vừa lách cách mở cửa phòng trọ nhỏ tầm chưa nổi 10m2, đã hối hả bắc nồi nước nấu tô mì gói ăn vội. 

Ngồi đợi nước sôi, chị kể chuyện nhanh: "Tôi làm công ty may ở quận 7 nhưng trọ nhà ở quận 4, phần vì đã quen ở đây lâu rồi nhưng quan trọng là giá rẻ. Chỉ có 1,5 triệu đã mấy năm rồi không tăng giá".

Người phụ nữ quê Thanh Hóa này nói mình đã có chồng, anh cũng làm công ty và đang tranh thủ chạy thêm xe ôm sau giờ tan ca. Anh chạy từ khoảng 18h đến 23h-24h thì về ngủ để lấy sức mai còn vào làm ca. Trước đây may mắn anh có thể kiếm ngót nghét 150.000 - 200.000 đồng một tối chạy xe như vậy nhưng giờ không được nữa, vì giá xăng tăng mà hình như người ta cũng tiết kiệm, ít đi lại hơn...

Cho gói mì vào tô nước, chị Hà đập thêm một quả trứng gà, một trái cà chua. Chị cười khoe: "Biết tôi có bầu gần 4 tháng rồi, nên ảnh bắt tôi ăn bồi bổ thế này cho em bé, chứ bình thường chỉ hay ăn mì không. Tính ra tô này cũng gần mười ngàn bạc rồi, cũng xót tiền lắm. Có khi anh còn bắt tôi ăn cả hai quả trứng, tôi nói lại anh đi làm thêm đêm hôm cũng cần bồi dưỡng mà còn nuôi vợ con sau này".

Chưa dứt lời, chị Hà ăn vội tô mì rồi đi phụ rửa chén đũa cho một quán phở bên quận 7 đến gần 0h sáng và được trả công 100.000 đồng. Chị cũng mới nhận thêm việc này để dành dụm cho ngày sinh con, phải nghỉ làm...

Giữa thời khó, những người có đồng lương công nhân phải cố tiết kiệm và làm thêm như thế, những người không có việc làm ổn định, không còn nguồn thu nhập ổn định càng phải cố chắt bóp, xoay xở chật vật hơn. Khi tôi ghé phòng trọ chị Trần Thị Nết ở hẻm 575/9 tỉnh lộ 10 cũng là lúc chị đang cầm xấp vé số trên tay phải, còn tay trái cầm thêm cái bao để nhặt ve chai.

"Bây giờ kiếm thêm được bao nhiêu cũng đỡ lắm anh ơi. Giá cả thứ gì cũng tăng, mà người đi bán vé số, đi lượm rác hình như nhiều hơn. Mình không gắng thì lấy gì nuôi con. Cuối tháng tiền nhà trọ cũng tới rồi ", chưa dứt lời chị đã hối hả đi ngay lúc trời đen kịt đang chuyển mưa dông...

Một phần cơm phải chia đôi ở xóm trọ nghèo mùa bão giá - Ảnh 4.

Nhiều người giờ phải tranh thủ nhặt thêm ve chai

Một phần cơm phải chia đôi ở xóm trọ nghèo mùa bão giá - Ảnh 5.

Chị Trần Thị Nết chuẩn bị vội bữa cơm qua quýt để đi bán vé số

Dậy sớm, thức khuya và dè sẻn hơn

"Người ta trẻ trung, có học, có việc làm thì còn có cách này nọ để tăng thu nhập thời khó khăn, chứ như chúng tôi thì cố dậy sớm, thức khuya và ráng bóp miệng hơn để vượt khó thôi. Bây giờ thứ gì cũng tăng giá nhưng tôi đi mài dao dạo vẫn giá 10.000 đồng một con dao, phải tính kỹ lắm nếu không xăng xe ngốn hết tiền lời, lấy gì nuôi con..." - ông Võ Em, người quê Quảng Ngãi vào TP.HCM đi mài dao dạo, nói.

Xóm trọ nghèo ở TP.HCM và nghĩa tình sẻ chia Xóm trọ nghèo ở TP.HCM và nghĩa tình sẻ chia

TTO - Qua bao chốt kiểm dịch, chúng tôi về những xóm trọ cạnh các khu công nghiệp tại TP.HCM - nơi ở của hàng ngàn người lao động từ mọi miền đất nước đang gặp khó khăn...

TÂM LÊ - MẠNH DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên