Chị Thương chủ động phòng tránh sốt xuất huyết bằng cách dọn dẹp thường xuyên trong và ngoài nhà, không để nước ứ đọng - Ảnh: DIỆU QUÍ
Dãy trọ của chị Mai Thị Thương (40 tuổi, ở xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh, TP.HCM) đã có nhiều ca sốt xuất huyết. Giờ chị rất cẩn thận và làm nhiều cách phòng tránh muỗi cho gia đình lẫn xóm trọ của mình.
Bị bệnh nên sợ
Với những người ở trọ, đặc biệt các khu trọ chật chội, ẩm thấp, gần ao tù... càng khiến họ cảnh giác hơn. Xã An Phú Tây là một trong những nơi có số ca sốt xuất huyết tăng cao dù y tế địa phương thường xuyên phun thuốc xịt muỗi, diệt lăng quăng và tuyên truyền bà con phòng tránh.
Xóm trọ chị Thương có chừng 10 phòng sâu trong hẻm, người thuê chủ yếu là lao động tự do, công nhân, tiểu thương chợ Bình Điền. Khoảnh sân trước xóm trọ nhiều phế liệu chất đống lâu ngày, đồ đạc của người dân không dọn dẹp, cộng thêm mưa xuống đọng thành vũng. Những thứ này rất dễ tạo điều kiện cho muỗi sinh sôi.
Chị Thương không biết mình mắc sốt xuất huyết từ đâu. "Tôi bị sốt cao nhưng cứ nghĩ sốt thường như cảm thôi. Sốt hai ngày, uống thuốc hoài không giảm, người yếu dần. Vào bệnh viện xét nghiệm máu mới biết mắc sốt xuất huyết nên bác sĩ cho nhập viện luôn", chị Thương cho biết mình nhập viện một tuần với các triệu chứng sốt, buồn nôn, tiêu chảy. Con trai chị cũng bị sốt...
"Tôi dọn dẹp nhà cửa thường xuyên, cả chỗ nước để rửa đồ phía trước cũng vậy, nên khi mắc bệnh do muỗi này thì bất ngờ lắm. Vào viện vẫn nghĩ là cảm thường, nhưng bác sĩ bảo không được chủ quan, rồi nghe nói có mấy người chết nên sợ lắm", người phụ nữ quê Tuyên Quang kể.
Chung xóm trọ với chị Thương, bà Võ Thị Kiều Hạnh (tiểu thương chợ đầu mối Bình Điền) cho biết cậu con trai 20 tuổi của bà cũng vừa xuất viện về. Anh làm việc tại một công ty điện máy, không chắc có phải mình bị muỗi chích từ chỗ làm hay không. Chỉ biết sau một buổi chiều anh đi làm về thì sốt, rồi được chẩn đoán sốt xuất huyết, sốt xong lại đến nổi ban đỏ mấy ngày.
Bà Hạnh cho biết người dân khu trọ có phòng tránh song không triệt để. "Ở đây có bụi cây rậm rạp, rác thải lâu ngày không bỏ nên có phòng muỗi thì cũng khó tránh. Xung quanh đây hầu như bị hết rồi, mấy xóm kế bên cũng nhiều lắm", bà Hạnh cho hay.
Cách đó vài trăm mét, anh Phát Đạt đang dọn dẹp nhà trọ sau trận mưa. Anh Đạt có đứa em trai 13 tuổi nằm viện đã 6 ngày do mắc sốt xuất huyết. Anh cho biết trước đó do bị bể ống nước nên nhà trọ có chứa mấy thau nước để dùng, song anh cho rằng em mình mắc bệnh khi vừa đi chơi xa về nên "chắc không phải do ở trọ". Kế nơi trọ của anh Đạt cũng có một nữ công nhân vừa xuất viện về, người này mắc bệnh cùng đồng nghiệp trong nhà xưởng.
Ở phường Linh Trung, thành phố Thủ Đức, cô sinh viên đại học Bùi Thị Trang Thư cũng vừa trải qua trận sốt xuất huyết nặng. Sau khi đi cắm trại ở hồ Trị An (Đồng Nai), Thư sốt liên tiếp 5 ngày không khỏi dù đã uống thuốc hạ sốt.
Cô đi bệnh viện khám, được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết và nhập viện khi bệnh đã trở nặng. "Tôi bị tụt huyết áp, tụt tiểu cầu, tràn dịch ổ bụng, tràn dịch màng phổi, cộng thêm nôn ói, tiêu chảy, đầu đau đến mức không thể chải tóc nổi", Thư kể. Sau gần một tuần nhập viện, sức khỏe cô gái 22 tuổi chuyển biến tốt và được cho về.
"Tôi không nghĩ mình bị nặng vậy, chỗ trọ tôi cũng có người bị mà nhẹ hơn. Đứa bạn cùng phòng hay bị muỗi chích, tôi thì ít bị chích mà lại bệnh nặng vậy", Thư chia sẻ.
Anh Thiện Khang xịt thuốc muỗi ở nhà trọ chật chội - Ảnh: DIỆU QUÍ
Người trẻ cũng lo phòng chống
Sau khi khỏi bệnh, Thư đã nhắc nhở những người xung quanh mình và cả người thân ở quê nên chủ động phòng tránh, có triệu chứng thì đi khám chứ đừng chủ quan về bệnh này giống cô.
Tương tự, là người tuổi trẻ đôi mươi, anh Phát Đạt cũng chia sẻ rằng nhiều người trẻ như anh thường "không sợ sốt xuất huyết do năm nào cũng thấy", nhưng năm nay nghe tin nhiều người nhiễm, trong đó có người thân của anh và số ca tử vong tăng lên, anh Đạt bắt đầu biết... sợ và tìm cách phòng bệnh. Theo khuyến cáo của trạm y tế, anh thường xuyên xịt muỗi, dọn dẹp sạch sẽ nhà cửa, rác sinh hoạt bỏ vào thùng được trang bị trước nhà chứ không đợi đầy mới đem bỏ.
Trong khi đó, chị Thương và bà Hạnh cũng dọn phòng trọ thường xuyên, đồng thời dùng thêm chai xịt muỗi, nhang muỗi, vợt điện, giăng mùng khi ngủ. Bình bông cúng được họ để khô chứ không chứa nước, không để nước đọng quanh nhà. Cậu con trai được chị Thương dặn mặc đồ dài. "Tôi phòng kỹ để chồng con không bị sốt xuất huyết như mình", chị Thương nói.
Ở xóm trọ quận 7, vợ chồng anh Thiện Khang dù không mắc sốt xuất huyết song cũng cẩn thận thực hiện nhiều biện pháp phòng muỗi. "Tôi không chủ quan, vợ tôi đang bầu bì gần đến ngày sinh, lỡ bệnh thì khổ lắm", anh Khang nói. Căn phòng vợ chồng trẻ này chưa đến 15m2 nhưng chứa đầy đồ đạc. Khu trọ dù không gần bụi cây, ao hồ nhưng ẩm thấp, lối vào lại tối.
Là người quen trữ nhiều đồ đạc, từ ngày nghe tin dịch sốt xuất huyết tăng cao, anh Khang hoảng hồn, vội "tiễn" những thứ ít dùng cho thoáng nhà. Rồi anh mua ngay hai chai xịt côn trùng trong phòng, chai xịt lên da. "Phòng bệnh hơn chữa bệnh, mà thấy vậy chứ cũng lo vì vẫn có muỗi bay vào ban đêm nhiều", anh Khang cho hay.
Còn Yến Vi, cô gái 20 tuổi, trọ ở quận Bình Thạnh, cũng đang thường xuyên xông tinh dầu, đốt vỏ cam để đuổi muỗi trong phòng. Ra đường buổi tối, Vi cũng bôi thuốc chống muỗi. "Không phải đợi tới có dịch sốt xuất huyết mới kỹ lưỡng, mà lúc nào tôi cũng phòng tránh", Vi vui vẻ cho biết.
Theo Sở Y tế TP.HCM, nắng nóng liên tục kéo dài xen lẫn các đợt mưa bất chợt tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát sinh lăng quăng, muỗi, tăng nguy cơ lây lan bệnh sốt xuất huyết. "Phòng sốt xuất huyết bắt đầu từ những hành động nhỏ nhưng rất hiệu quả ngay từ trong gia đình", đại diện Sở Y tế nhấn mạnh.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết số ca mắc sốt xuất huyết tại TP.HCM không ngừng tăng. Số liệu cập nhật từ đầu năm đến ngày 10-7, toàn thành phố ghi nhận 24.941 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 216% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó 12 ca tử vong.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận