28/07/2022 10:32 GMT+7

Sàn giao dịch... cỏ

TIẾN TRÌNH
TIẾN TRÌNH

TTO - Ở huyện biên giới Tri Tôn (An Giang), đất hoang dần được thu hẹp thì cỏ trở thành chuyện thời sự và có hẳn cả... sàn giao dịch cỏ được "khớp lệnh" liên tục mỗi ngày.

Sàn giao dịch... cỏ - Ảnh 1.

Bà Neáng Kiên vui mừng mua được cỏ cho bò cưng

Vất vả mình không ngại, nhưng nguy hiểm rình rập thì rất nhiều. Nỗi ám ảnh lớn nhất là rắn, khi mình phải luồn vào những vùng đất hoang cỏ dại để cắt cỏ.

Ông Rene

Trưa nắng. Bà Neáng Kiên (62 tuổi, ở ấp Phước Lộc, xã Ô Lâm, Tri Tôn) cùng hàng chục nam phụ lão ấu vẫn kiên trì chực chờ ở bến sông chảy qua chợ xã. Dưới sông, những chiếc vỏ lãi bị bao vây bởi rừng lục bình đang phong tỏa mặt nước khắp vùng.

Sàn cỏ "số 1 thế giới"

Người ta đang nói sự khổ sở trước "vấn nạn lục bình" làm kìm hãm những chuyến đi lại của ghe tàu. "Phải chi cỏ mà nhiều như lục bình thì dân ở đây bớt khổ" - một phụ nữ trong lúc chờ đợi đã sốt ruột nói. Đàn bò 4 con của chị hôm qua thiếu cỏ, hôm nay mà không có cỏ thì chỉ có nước chị bán chúng đi.

Nhiều mặt hàng chở bằng đường sông bị ách tắc vì lục bình. Nhưng có một mặt hàng phải được lưu thông, đó là cỏ. Nỗi quan tâm của nhiều cư dân Ô Lâm không chỉ là cơm gạo nữa, mà là cỏ.

Mỗi ngày, khi mặt trời lên tới ngọn cây thốt nốt cũng là lúc nhiều người dân ở Ô Lâm phải có mặt nơi bến sông này. Hàng chục năm nay, bến sông là sàn giao dịch cỏ nuôi bò duy nhất trong vùng vẫn hoạt động mỗi ngày, bất chấp nắng hay mưa, bão lụt hay hạn hán. 

Cỏ từ khắp nơi cứ chạy về đây đều đều. "Phiên giao dịch cỏ" diễn ra chóng vánh. Khi mỗi chuyến xuồng chất đầy cỏ cặp bến cầu chợ xã, lệnh mua được ra dấu tay hoặc bằng giọng Khmer Nam Bộ "Khnhum pram", "Khnhum pram pi", "Khnhum pram pay"...

"Khớp lệnh" là những bó cỏ được ném lên bờ, người mua hứng nhận và cột ngọn chất lên xe. Có lẽ đây là sàn giao dịch có độ thanh khoản cao nhất thế giới. Giá cỏ cũng dao động từ 10.000 đồng/2 bó đến 10.000 đồng/3 bó. 

Sàn giao dịch... cỏ - Ảnh 3.

Thuận mua vừa bán, "khớp lệnh" là liệng giao bó cỏ ngay - Ảnh: TIẾN TRÌNH

Cỏ voi, cỏ ống, cỏ sả... đều được dân ở đây gọi chung là "smaca" và đều đồng giá như nhau. Miễn sao là cỏ sạch, không phân thuốc, bò ăn mau lớn là người mua ưng chịu.

Hàng chục chuyến xuồng chất đầy cỏ lần lượt cặp bến sông gần chợ xã Ô Lâm. Cỏ thì cũng được tứ tán đi khắp nơi. Chỉ trong nháy mắt, cỏ được mua sạch. 

"Cỏ ở đây đắt hơn tôm tươi" - anh Chau Rươl nói, cho biết đàn bò trong xã vốn đã nhiều; mấy năm gần đây, chính quyền có thêm chương trình hỗ trợ bò cho bà con đồng bào Khmer, số bò từ đó càng nhiều hơn. "Giờ ở đây nhà nghèo cũng có bò. Có khi nhà hết gạo nhưng bò thì không được hết cỏ", anh Rươl chia sẻ.

Quá 13h, nhiều người vẫn núp dưới bóng cây me keo để chờ chuyến cỏ cuối của nhà Chau Mơn về. Hàng xóm nói vợ chồng Chau Mơn đã xuất bến đi tìm cỏ từ khuya, có lẽ đi xa nên về muộn.

Mặt trời đứng bóng, tiếng máy nổ nặng nhọc từ ngã tư sông đánh tín hiệu phấn khởi cho mọi người. Nhiều người đã tức tốc chạy đến chiếc cầu ximăng bắc xuống sông như thể tiêu tan lo lắng cho đàn bò đang đói cỏ.

Xuồng đầy cỏ voi, cỏ ống... của nhà Chau Mơn cập bến. Rất nhanh chóng, 80 bó cỏ bay vèo lên yên xe của người mua. Vợ Chau Mơn chỉ việc đứng đếm cỏ để thu tiền. Mọi chuyện khuân vác, cột bó... là chuyện của người mua. 

"Lúc này lục bình trên sông nhiều qua, xuồng ghe đi lại khó khăn. Với lại ở gần đây không còn nhiều cỏ. Vợ chồng em phải chạy gần giáp với Kiên Giang mới thấy cỏ để cắt...", Chau Mơn giải thích lý do để mọi người phải chờ lâu.

Sàn giao dịch... cỏ - Ảnh 4.

“Khớp lệnh” khi người bán ném bó cỏ về cho người mua

"Chạy cỏ" từng ngày

"Bò nhà tui nó ăn hết xề bánh chuối của tui" - chị Neáng Kiên ví von rằng nghề làm bánh chuối chở đi bán khắp phum, sóc của chị mỗi ngày kiếm được vài chục ngàn nhưng con bò nhà chị cũng ăn chừng ấy tiền mua cỏ. 

"Tui mà đói thì tui biết. Nhưng bò mà ốm thì tui bệnh à!" - chị nói nuôi con bò thì thương như con chó, con mèo. Chị kiếm tiền mỗi ngày bao nhiêu đều mua cỏ cho bò ăn phần nhiều. Đã vậy, cái xứ đất rộng người thưa thuở nào, cái xứ cỏ không thấy đất thuở nào... giờ người ta lại "chạy cỏ" mỗi ngày.

Từ hơn mười năm trước, cỏ bắt đầu trở thành vấn đề của dân xứ Ô Lâm. Chị Neáng Hon (46 tuổi, nhà ở Ô Tà Tung, xã Ô Lâm), cho biết khi lúa gạo dư ăn thì cỏ cũng vơi đi mà nhu cầu cỏ nuôi bò ngày càng nhiều. Đồng đất để trồng lúa, ít ai trồng cỏ nuôi bò.

Neáng Hon nói ngày trước đất rộng, người ta trồng lúa cũng ít, nên người nuôi bò cứ thả hoang cho bò ăn cỏ. Hồi đó, nhà chị nuôi bò đến bán đi cũng không tốn 1.000 đồng để mua cỏ. Hình ảnh đàn bò trên đồng cỏ xanh, dưới tán cây thốt nốt trở nên quen thuộc ở vùng Bảy Núi.

Nhưng rồi, cớ sự đã khác khi dân xứ này bắt đầu trồng lúa vụ hai vụ ba, không còn đất trống cho bò ăn cỏ. "Nếu có cỏ thì cũng không dám cắt cho bò ăn vì người ta làm ruộng, phun nhiều phân, thuốc lên đó. Cỏ ở đây vì vậy cũng không tốt cho bò.

Và rồi mỗi mùa nước lênh láng đồng, mỗi mùa hạn khô cỏ cháy... dân vùng Bảy Núi lại đi rất xa, miệt Giang Thành, Tám Ngàn, Hòn Đất..., thậm chí đến những cánh đồng vùng biên giáp với Campuchia, để tìm cỏ cho bò. Ban đầu họ chỉ cắt cỏ đủ cho bò nhà mình ăn vài hôm, rồi lại tiếp tục đi kiếm cỏ.

Chị Neáng Sơn (42 tuổi) nói người ta bỏ công đi thiệt xa, hết ngày này qua tháng nọ mà chỉ cắt đủ cỏ cho bò nhà ăn thì hơi phí công, trong khi nhiều người bận rộn không thể đi xa tìm cỏ cho bò. Vậy là họ nhờ nhau. Người đi cắt cỏ mang về chia chác lại cho xóm giềng. 

Neáng Sơn nói đàn bò ở Ô Lâm vượt qua những mùa ngập sâu hay những mùa hạn cháy một phần cũng nhờ những chuyến "chạy cỏ" của những người dân có xuồng, có xe trong xã. Họ cắt cỏ về bán lại cho dân nuôi bò trong các phum, sóc và nhận một khoản chi phí tượng trưng, coi như giúp nhau vượt qua lúc thắt ngặt.

Nhưng rồi, những chuyến đi tìm cỏ ngày càng xa hơn, tốn nhiều thời gian và công sức hơn, chi phí cao hơn, và cỏ bắt đầu có giá. Mỗi bó cỏ 2.000 đồng, mỗi con bò ăn 5 - 10 bó cỏ mỗi ngày. 

Người nuôi bò ở Ô Lâm thấy rằng thay vì bỏ công đi tìm cỏ thì đã có người làm chuyện đó. Thời gian của họ bỏ ra kiếm tiền. Khẩu phần của bò cũng tiêu tốn số tiền bằng tiền gạo mắm của một người quê ăn. Như vậy cũng chấp nhận được.

Dần dần, cỏ trở thành mặt hàng cần thiết của người nuôi bò ở xã Ô Lâm. Nhà Út Đal, nhà Ron Hên, nhà Tà Hên, Mon Thia, Cà Ron... chuyển sang nghề cắt cỏ, bán cỏ chuyên nghiệp. 

Ông Chau Rene (52 tuổi) nói để có xuồng cỏ mỗi ngày cung ứng cho bà con, ông phải thức thật sớm, nổ máy ghe khi gà chưa gáy sáng và trở về khi mặt trời lên cao. Địa bàn họ đi rộng khắp từ biên giới Tây Nam đến vùng Tứ giác Long Xuyên. Những đồng cỏ hoang ngày càng ít, những người tìm cỏ ngày càng đi xa hơn...

Sàn giao dịch... cỏ - Ảnh 5.

Các xuồng cỏ sớm đã bán hết, nhiều người vẫn ngóng mua xuồng cỏ của anh Chau Mơn - Ảnh: T.TRÌNH

Chị Neáng Kiên kể vì thiếu cỏ mà nhiều gia đình đã bán bò để lên miền Đông Nam Bộ làm công nhân. Còn anh Chau Son nói: "Ở đây, một gia đình đầy đủ thì phải có ít nhất một con bò. Nó vừa là khoản tích góp, vừa tạo sự yên tâm cho cuộc sống".

Dân nuôi bò ở đây cũng chuộng cỏ hoang hơn, nên vẫn còn những người chịu khó đi xa tìm nguồn cỏ. Sàn cỏ Ô Lâm vì vậy vẫn tấp nập kẻ bán, người mua.

"2.000 đồng một bó cỏ, một con bò ăn 5 - 10 bó cỏ mỗi ngày.

Nhà Cỏ của Yến Nhà Cỏ của Yến

TTO - Cô gái trẻ 9X, học đại học kinh tế, làm việc công ty xây dựng, đột ngột bỏ tất cả về làm vườn. Bước rẽ xanh của Yến bắt đầu từ một cú sốc...

TIẾN TRÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên