14/04/2019 19:37 GMT+7

Giấc mơ cỏ

Truyện ngắn 1.200 chữ của NGUYỄN THỊ KIM HÒA
Truyện ngắn 1.200 chữ của NGUYỄN THỊ KIM HÒA

TTO - Sáng nay, khi ông Tam về, ba mẹ tôi lại cãi nhau. Bầy cừu đói la inh ỏi, giẫm guốc muốn gãy sàn chuồng. Gió bấc giật xô cám trộn khỏi cái cột treo, ném lăn lông lốc. Ba mẹ tôi bỏ mặc.

Giấc mơ cỏ - Ảnh 1.

Minh họa: Đặng Hồng Quân

Giả dụ trời sập xuống, ba mẹ tôi cũng bỏ mặc.

Không ai cản nổi những trận cãi nhau triền miên của họ. Đặc biệt khi chúng liên quan đến chủ đề nhạy cảm duy nhất: Ông Tam.

Ông Tam là hàng xóm kế nhà tôi. Một hàng xóm cỡ bự.

So với cái rẫy chỉ bằng rẻo tay của ba mẹ tôi, đất nhà ông như cả dải trời, kéo từ đầu làng tới tận mí núi, ngóc cổ nhìn thôi đã thấy mỏi.

Nhà ông Tam bán cám và nuôi cừu. Cừu ông thả bầy bầy. Không biết bao lứa nhảy bờ ranh sang tình tự, giao lưu mến thương với đám cừu nhà tôi. Lắm đợt, tôi thấy đám cừu cái nhà mình đẻ toàn bọn lông trắng bóc, múp míp, rặt ri giống nhà hàng xóm.

Mẹ không lấy cớ sợ trùng huyết bán bớt, chắc giờ tôi không phân biệt nổi đâu cừu ông Tam, đâu cừu mình.

Ba hay nhắc: Với nhà tôi, ông Tam là người ơn.

Hồi hai tuổi, tôi sốt thương hàn. Nửa đêm, ông chạy xe chở ba ôm tôi xuống trạm xá huyện.

Mấy ngày tôi nằm viện, thấy ba mẹ đi về vất vả, ông không nề hà cho mượn chiếc Cup 50 mới mua bằng ba cây vàng.

Ông Tam quả thực là hàng xóm tốt.

- Ờ. Tốt lắm! Tốt nên tranh thủ lúc tao với ổng ở bịnh viện, thằng chả dời bờ ranh, lấn qua rẫy mình cả khúc đất!

Mẹ đi ngang, phang luôn vào biết ơn ba đang dạy tôi không chút nể mặt.

Có dạo, mỗi lần gây với ba xong, như chưa hả giận, mẹ toàn vác dao ra sát bờ ranh giữa hai nhà ngồi chặt cỏ cây bùm bụp. Tiếng dao mẹ chặt không hù dọa được ai, còn khiến đám cừu nhà ông Tam bắt mùi cỏ rủ nhau thò đầu qua, be be điếc tai.

Quyết liệt đụng trúng trớt quớt. Nên sau này, tôi chỉ còn thấy mẹ vác ghế ra trước sân, mắt dõi ra chỗ bờ ranh xéo xẹo giữa hai nhà, ấm ức.

- Mẹ mày đúng đàn bà đái không qua ngọn cỏ. Mất chút xíu đất, nhưng người ta cứu con mình. Hàng xóm tối lửa tắt đèn. Mình còn nhờ người ta bao nhiêu chuyện...

Gặp ánh mắt mẹ, ba lại bực bội bỏ ra chỗ bầy cừu.

Ba nói tụi nó hiểu ba. Nhất là mấy con múp míp, lông trắng bóc.

Tôi không chắc mình có thể hiểu được ba, cũng như hiểu mẹ. Nhưng tôi thích một người làm ơn không đòi đền đáp hoặc không lấy tiền công lén lút.

Đó là lý do tôi không thích ông Tam. Dù ngày xưa, như ba kể, ông có từng cứu tôi thật.

Ấy vậy mà sáng nay, ông còn qua hỏi mua nhà tôi một miếng đất.

Miếng đất thiệt tình không lớn, cũng không nằm ở vị trí gì quan trọng. Chỉ là một trong những đám cỏ dự phòng ba tôi trồng cho đám cừu mùa hạn.

- Cừu mình có một nhúm. Thôi trữ cỏ chi cho cố. Trong lúc người ta đang cần...

Như mọi khi được ông Tam nhờ cậy, ba tặc lưỡi, tự thuyết phục mình.

Tôi biết ba đâu còn cách nào khác. Tiền mượn ông Tam cất chuồng, mượn mua cừu giống, nghe đâu còn cả tiền mua chịu cám. Nợ nần thành cái cùm kẹp ba cứng ngắc vào ông Tam, khó bẻ hơn mọi ràng buộc tình cảm.

Cũng như mọi khi, mẹ tôi kiên quyết đứng ngoài vòng kẹp.

- Ổng tự làm tự chịu, tự trả. Mắc mớ chi tao!

Sáng nay, ông Tam qua nhà nói chuyện mua đất, kệ ba ngồi tiếp, mẹ quầy quẩy bỏ xuống bếp.

- Thằng cha giả nhân giả nghĩa. Tao ưa không vô!

- Để cho ba mày bán. Nay một khúc. Mai một khúc. Trước sau gì cũng dâng hết cái nhà này cho hàng xóm tốt của ổng.

Từ cửa bếp, mẹ chống nạnh, nói oang oang.

Câu nói tổng hợp đủ gia vị chì chiết, căm ghét, phản kháng cùng khói bếp sặc sụa bay lên nhà trước.

Bên bàn nước, nghe hơi khói, ba tôi nhăn mặt, ly trà lạnh tanh hết bưng lên lại hạ xuống.

Ông Tam vẫn nhẩn nha uống. Cuối buổi, ông còn xuống tận cửa bếp tìm mẹ tôi, gật đầu cười "tui về nhen chị".

Ông về, đương nhiên nhà tôi thành đồng cỏ khô vàng được ném cho mồi lửa.

Ba nạt lớn mẹ làm ba mất mặt. Mẹ la rầm ba bị hàng xóm bỏ bùa, ức hiếp người nhà. Ba liệng bình trà vô vách, chớ hồi xưa ai mê ráp sòng tứ sắc, bỏ con ăn bậy ăn bạ tới sốt thương hàn, phải nhờ người ta. Mẹ lu loa khóc lên, chớ ai đánh tui mấy bạt tai giữa bàn dân thiên hạ.

Ông Tam thật đáng sợ. Chỉ một chuyến thăm đã châm lửa từ hiện tại sang quá khứ. Đống tro thời gian làm nguội phút chốc bị ông khơi, bùng cháy lại dữ dội. Lửa liếm cả vào tôi.

Giờ, tôi ghét ông Tam.

Rút cây hèo tre mỏng lét, quất đau điếng nhất, tôi ra gò đất sau nhà tìm bầy cừu.

Vài con trắng múp, mắt ti hí thấy tôi hống hách lăn xả tới, miệng không ngớt om sòm đến khó chịu. Định quất cho tụi lai căng ấy vài roi bay lông, tét thịt, may tôi kịp tỉnh trí lại.

Chúng tội tình gì đâu. Tiền bán chúng mẹ còn dùng đóng học phí, mua quần áo mới cho tôi. Mẹ không ưa nổi những thứ thuộc về ông Tam, nhưng ngày ngày vẫn khuấy cám mua từ nhà ông đổ cho bầy cừu vì giá rẻ, còn được bán chịu.

Kinh hoàng, tôi nhận ra không phải mình ba tôi bị ông Tam kẹp cứng.

Phát hiện làm tôi xây xẩm, thở mà lồng ngực đau nhói. Nằm vật luôn xuống giữa bầy cừu, tôi chong mắt nhìn.

Đất nhà ông Tam vẫn trải dài nuốt chửng chân trời. Cỏ nhà ông không biết tự lúc nào đã tràn qua, xô lệch cả dải ranh bao rẫy nhà tôi.

Mắt càng lúc càng mỏi nhừ, chảy nước, tôi thấy mình cần ngủ.

Biết đâu, trong mơ màng, tôi sẽ nghe dưới lưng tiếng rục rịch cựa mình. Rồi xung quanh tôi, thình lình cả thảm xanh sẽ vút cao. Toàn những thân cỏ chắc nụi, lá đan dày rợp, tràn xuống, đẩy thẳng lại những đoạn ranh xéo.

Biết đâu, bầy cừu cạnh tôi sẽ mừng rỡ nhảy tưng. Toàn những bộ lông lấm đất đen sì nhưng vẫn đẹp, không cần cám thúc hay lai giống.

Và giữa giấc mơ cỏ, biết đâu, không có tiếng ba mẹ tôi cãi nhau.

Truyện ngắn: Hẹn Truyện ngắn: Hẹn

TTO - Em hẹn khoảng bảy giờ, nghĩa là từ bảy giờ một phút đến bảy giờ năm chín, em chưa từng đúng giờ. Nếu có ai hờn dỗi, em sẽ cười nước đôi, đã bảo khoảng thôi mà. Hẹn chốn nào đây?

Truyện ngắn 1.200 chữ của NGUYỄN THỊ KIM HÒA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên