Lo khách trút giận lên… đầu shipper
Sau khi shipper Lâm Anh Đạt (24 tuổi, ngụ huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) bị đánh gãy hai tay, rất nhiều bạn bè và đồng nghiệp đã đến bệnh viện thăm hỏi.
Sự việc khiến không chỉ giới shipper Quảng Ngãi rúng động mà nhiều người cùng nghề đã chia sẻ về trường hợp của Đạt trong các hội nhóm. Các shipper cho biết đã gặp rất nhiều tình huống oái oăm trong quá trình giao nhận hàng, tuy nhiên hầu hết chỉ là lời qua tiếng lại cho xong chuyện.
Chị Nữ, một đồng nghiệp của anh Đạt, cho biết hôm qua đến giờ người nhà và bạn bè chị gọi điện hàng chục cuộc chia sẻ về trường hợp của Đạt.
"Ai cũng lo lắng vì quá trình đi trên đường lẫn giao tiếp với khách gặp nhiều thành phần khách phức tạp, lo sẽ có tình trạng động chân động tay" - chị Nữ cho biết.
Theo các shipper, việc khách hàng từ chối nhận hàng và trả lại xảy ra mỗi ngày. Ngoài tốn thời gian, shipper cũng không bị ảnh hưởng nếu khách trả lại hàng.
Riêng việc trả phí vận chuyển đối với hàng hóa trả lại thì tùy thuộc vào thỏa thuận giữa người bán với người mua. Nếu là người mua chi trả thì shipper sẽ thu.
Anh Triệu Quốc Đạt, một shipper ở Đà Nẵng, cho biết hầu như ngày nào anh cũng có đơn hàng trả lại do người mua không hài lòng với sản phẩm mua qua mạng.
Cũng có trường hợp từ chối trả tiền do trước đó chưa thỏa thuận rõ với người bán về tình huống gởi lại hàng.
Gặp những lúc như thế này, shipper sẽ để người mua liên hệ trực tiếp với người bán để thống nhất.
"Chúng tôi chỉ là người vận chuyển, thu tiền giúp nhưng cũng có nhiều người khi không hài lòng với sản phẩm lại phát cáu với shipper. Ừ thì đôi khi nóng giận lời qua tiếng lại nhưng đánh gãy cả hai tay người khác thì quá độc ác" - anh Đạt nói.
Nhiều tình huống shipper bị quỵt
Không thu tiền trực tiếp hoặc chờ lời hứa "gởi hàng đó rồi anh chuyển khoản", nhiều shipper bị quỵt tiền. Shipper Nguyễn Văn Dũng, nhân viên khu vực Cẩm Lệ (Đà Nẵng) của Công ty Best Express, kể vừa qua mới bị khách quỵt 300.000 đồng mà không đòi lại được.
Đó là trường hợp một người ở trọ sau lưng Bến xe Đà Nẵng. Khi anh Dũng đến giao hàng, qua điện thoại khách báo không có ở phòng và nhờ gởi hàng ở quán cà phê rồi sau đó chuyển khoản.
Tuy nhiên sau hơn một ngày nhận hàng, khách không chuyển khoản mà còn khóa máy. Anh Dũng báo lại công ty rồi nhận lại hỗ trợ 50% đơn hàng cùng bài học đầu đời nghề vận chuyển.
"Tôi rút kinh nghiệm nên những lần sau chỉ cho nhận chuyển khoản đối với trường hợp khách quen hoặc nhà cửa rõ ràng, cố định. Nhiều khi đơn hàng chừng trăm ngàn mình đòi đi đòi lại có khi tiền điện thoại tốn hơn" - anh Dũng nói.
Anh Bình đồng nghiệp của anh Dũng cho biết trung bình mỗi ngày shipper chạy từ 50 - 100 đơn hàng. Trừ thời gian trên đường, thời gian tiếp, xử lý đơn hàng với khách rất ít.
Nhiều trường hợp khách không hài lòng, cần trao đổi với người bán kéo dài hàng chục phút anh vẫn phải đứng chờ.
"Nhiều trường hợp khách không có nhà nên yêu cầu chúng tôi gởi hàng đâu đó. Sau đó lại báo mất hàng và từ chối trả hàng thì shipper cũng phải bỏ tiền túi để đền" - anh Bình nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận