Hồng Tâm (ngồi, thứ hai từ trái sang) cùng bạn bè tại Nga dịp Tết 2018 - Ảnh: H.TÂM
Nhớ lại năm đầu tiên đón tết Tây xa nhà, Tâm nói đó cũng là khoảng thời gian bạn sống xa gia đình lâu nhất. Sau khi cùng các bạn tổ chức đón năm mới, Tâm về đến nhà, cô đơn và trống rỗng. Do sợ nỗi buồn của mình ảnh hưởng đến những người khác, Tâm chọn giải pháp chạy vào nhà tắm, mở nhạc thật to, vuốt ve tấm ảnh gia đình và ngồi khóc 1 mình.
Cô cho biết, khi học tập, sinh sống ở phương trời khác, nỗi buồn, nhớ nhà sẽ tăng lên gấp hai lần trong lòng những người con xa xứ.
Mâm cỗ Việt tại Nga dịp tết - Ảnh: H.TÂM
Năm thứ hai, Tâm quyết định qua nhà bạn chơi dịp tết Tây. Cô giải thích: "Những người bạn Nga ở cùng của tôi đều về nhà chung vui với gia đình, nên nếu về phòng, tôi sẽ phải đối mặt với nỗi cô đơn ngập tràn. Thế nên tôi chọn cách qua nhà bạn chơi, cùng dự tiệc và ăn uống, hát hò đến sáng... suốt cả dịp nghỉ Tết".
Mong góp phần lan tỏa hương vị Tết quê nhà
Tâm vẫn thường gọi về nhà chúc tết cả hai dịp tết Tây lẫn tết Ta. "Đi xa, ai cũng nhớ quê hương. Không cứ phải dịp Tết, lúc nào rảnh thì tôi đều tranh thủ gọi điện về nhà ngay", Tâm bộc bạch.
Dịp Tết, du học sinh Việt tại Nga sẽ làm gì? "Chúng tôi thường chuẩn bị những tờ tiền mới là tiền Việt Nam để tặng các bạn Nga làm kỉ niệm. Còn các bạn Nga hay tặng chúng tôi socola hoặc những đồ lưu niệm, khá thú vị", Tâm tiết lộ.
Tâm cho biết đã là năm thứ 3 bạn đón tết xa nhà nên cảm giác buồn vơi nhiều hơn so với lần đầu. Có lẽ do từ năm ngoái, bạn tìm được giải pháp cân bằng tâm trạng, tự tìm được niềm vui như đi chơi cùng bạn bè, đi dạo phố ngắm và tận hưởng nét độc đáo của xứ sở bạch dương. "Tết Tây ở Nga trang trí rất đẹp, lung linh sắc màu. Năm nay tôi cũng tham gia tổ chức liên hoan đón tết, cùng xắn tay áo làm những món truyền thống của Việt và Nga, tham gia các hoạt động cộng đồng", Tâm chia sẻ.
Năm nay, Đại sứ quán Việt Nam tại Nga kết hợp với Hội người Việt tổ chức chương trình hội thi văn nghệ cộng đồng người Việt Nam tại Liên bang Nga. Tâm tham gia vào ban tổ chức chương trình trên. Một phần để vơi bớt nỗi nhớ nhà, một phần Tâm cho rằng điều đó sẽ giúp cái tết của mình thêm ý nghĩa, trọn vẹn.
Các du học sinh Việt tại Nga đi chơi đêm giao thừa - Ảnh: H.TÂM
Vào dịp tết Dương lịch, các du học sinh Việt vẫn thường đến chợ mua bánh chưng về cho có không khí tết. Ngoài những món đặc trưng ở Việt Nam như xôi, nem rán, sườn xào chua ngọt... thì các bạn sẽ làm thêm các món đặc trưng của Nga như sườn cừu nướng, súp củ cải đỏ, salad Nga. Đến đúng 12h đêm, mọi người sẽ cùng nhau xem bắn pháo hoa hoặc có thể tự mua pháo hoa về bắn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận