28/10/2021 09:55 GMT+7

Chúng tôi đã chiến đấu - Kỳ 2: Cuộc gặp gỡ kỳ lạ trong căn phòng sinh - tử

DIỆU QUÍ
DIỆU QUÍ

TTO - Thời gian này, nhiều đoàn y tế chi viện đã rời TP.HCM khi dịch COVID-19 dần được kiểm soát. Tuy nhiên, một số đoàn vẫn tiếp tục ở lại điều trị F0 từ nhẹ đến nặng.

Chúng tôi đã chiến đấu - Kỳ 2: Cuộc gặp gỡ kỳ lạ trong căn phòng sinh - tử - Ảnh 1.

Sự căng thẳng luôn hiện hữu tại khu điều trị bệnh nặng và nguy kịch ở BV dã chiến số 14 thời gian qua - Ảnh: BVCC

Thậm chí, có người còn xin ở lại "đến khi dịch bệnh ở TP ổn định hơn" dù đã hết thời hạn công tác.

Nhận ra người thân quen sau khi giúp cứu sống

Anh Lê Văn Hoan cùng 29 người của đoàn 1 (Bệnh viện 71 trung ương) vào chi viện cho TP.HCM từ ngày 14-7 khi BV Hồi sức COVID-19 (TP Thủ Đức) mới thành lập.

Sau 2 tháng hoàn thành nhiệm vụ, những người trong đoàn đã trở về địa phương. Điều dưỡng Hoan là người duy nhất ở lại, đến nay đã gần 100 ngày anh công tác tại nơi điều trị bệnh nhân nặng và nguy kịch - khoa ICU 2A, trước đó là ICU 2B.

Làm việc tại BV tuyến cuối cùng trong tháp 3 tầng điều trị COVID-19 đầy áp lực và căng thẳng, song anh Hoan cho biết đến giờ vẫn chưa có kế hoạch về dù rất nhớ nhà.

"Có 2 lý do để tôi xin ở lại. Thứ nhất về sức khỏe, tôi thấy mình vẫn còn đảm bảo tốt để cống hiến tiếp. Thứ hai, ngay từ ngày đầu tiên bước chân vào BV Hồi sức COVID-19, chứng kiến cảnh tượng người bệnh chết quá nhiều khiến tôi không bao giờ quên và muốn góp sức mình..." - điều dưỡng, 42 tuổi, giọng run lên vì xúc động.

Cùng các bác sĩ giành giật sự sống cho bệnh nhân ở "cửa cuối", anh Hoan trải qua nhiều điều khó quên nhất trong nhiều năm khoác áo nghề y. "Đa số bệnh nhân vào đây đều đã nặng và phải thở các loại máy, sự sống gần như rất thấp.

Ngoài chăm sóc, điều trị, tôi cũng giúp họ kết nối điện thoại với gia đình khi người nhà họ nhờ do bị mất liên lạc. Dù bệnh nhân không thể nói chuyện được, nhưng người thân ở xa nhìn thấy cũng yên tâm phần nào" - anh Hoan chùng giọng cho biết đến giờ anh đã kết nối giúp cho một số người, nhưng chỉ một người còn sống trở về nhà.

Người may mắn vượt cửa tử một cách thần kỳ là anh T., 44 tuổi. Anh T. và anh Hoan còn có cơ duyên đặc biệt mà sau khi cấp cứu xong, anh Hoan mới nhận ra. Anh T. vào BV trong tình trạng gần như không qua khỏi khi suy hô hấp nặng, SPO2 chỉ còn 60%. Anh Hoan hỗ trợ êkip đặt ống nội khí quản cho anh T. thở máy tức khắc.

Người bệnh tạm qua cơn nguy kịch và được anh Hoan trực tiếp chăm sóc. Ngày thứ hai xem hồ sơ bệnh án, anh Hoan biết anh T. quê Thanh Hóa, đã sống và làm việc tại TP.HCM 30 năm nay.

"Cùng hôm đó, các bác sĩ ở khoa ICU 2A nhận được cuộc gọi của một người ngoài Bắc hỏi có biết bệnh nhân tên L.Đ.T. không. Chúng tôi mới tường thuật lại tình trạng của anh T. trước và hiện giờ. Hỏi thăm dần dần thì hóa ra anh T. là người quen của bạn tôi ở Hà Nội và cũng quen với những người ở Thanh Hóa của tôi" - nam điều dưỡng chia sẻ.

Ngày 18-10, điều dưỡng Lê Văn Hoan là một trong số 138 người được Thủ tướng tặng bằng khen vì có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong công tác phòng chống dịch COVID-19 tại đợt dịch lần thứ tư.

Chúng tôi đã chiến đấu - Kỳ 2: Cuộc gặp gỡ kỳ lạ trong căn phòng sinh - tử - Ảnh 2.

Êkip BS Võ Đại Quyền thiết lập hỗ trợ ECMO cho bệnh nhân - Ảnh: NVCC

Vừa trị bệnh, vừa hỗ trợ tâm lý

BV Hồi sức COVID-19 đã có tín hiệu lạc quan sau bao nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ y tế đến từ nhiều nơi. 1,5 tháng làm nhiệm vụ tại khoa ICU 4A (khu bệnh nặng chỉ sau khoa 2A), ThS.BS Vũ Hoài Nam (trưởng đoàn BV Hữu Nghị) chứng kiến nhiều bệnh nhân trải qua giai đoạn tưởng như khó cứu sống, nhưng sau đó đã "lội ngược dòng" về mức nhẹ hơn và xuất viện.

Một buổi trưa khi đang trực, bác sĩ Nam được yêu cầu trợ giúp đặt nội khí quản cho một bệnh nhân nữ béo phì. Các bác sĩ hết sức khẩn trương luồn ống nội khí quản và cho thở máy để cứu nữ bệnh nhân trên 60 tuổi.

Anh Nam giải thích: "Bệnh nhân COVID-19 tổn thương phổi đến lúc này đã rất nặng, dự trữ oxy để duy trì sự sống rất ít. Nếu không làm nhanh thì nguy cơ bệnh nhân ngừng tuần hoàn và tử vong rất cao, nó khác với những bệnh nhân suy hô hấp không do COVID-19. Với bệnh bình thường, thời gian làm thủ thuật cho phép mình kéo dài hơn. Còn với người mắc COVID-19 thì phải được tính bằng giây bởi diễn biến rất nhanh".

Không chỉ chữa bệnh, lực lượng y tế còn phải hỗ trợ tâm lý cho người bệnh, điều này rất quan trọng trong điều trị COVID-19. Bác sĩ Nam cho biết anh và các đồng nghiệp không chỉ điều trị bằng thuốc, phương tiện máy móc, oxy mà còn phải chú ý cả các liệu pháp tâm lý, nhờ đó mà đã giúp nhiều bệnh nhân nặng chuyển nhẹ. Anh nhớ lại một trường hợp mới hồi phục tuần trước:

"Ông ấy có bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bệnh đó thì cơ bản đã khó thở và dễ suy hô hấp rồi, cộng thêm mắc COVID-19 làm cho tình trạng phổi xấu hơn. Do vậy ông thường xuyên khó thở nhiều nên phải cho thở oxy dòng cao (HFNC) để cung cấp đủ oxy.

Những ngày đầu, chúng tôi rất lo khi ông luôn tỏ ra chán nản, không muốn điều trị nữa. Chúng tôi động viên ông rất nhiều, cố gắng tập thở, hít sâu để không phải can thiệp máy thở xâm nhập, vì nếu phải thở máy xâm nhập thì nguy cơ dẫn đến các biến chứng khác rất cao - bác sĩ Nam nhớ lại. Mỗi ngày anh và đồng nghiệp vừa điều trị vừa thăm hỏi, nhưng ông cụ càng lúc càng bi quan hơn vì tình trạng phổi sau 2 - 3 tuần vẫn tổn thương rất nặng.

Sau đó, các bác sĩ đã dùng thêm thuốc giãn phế quản để kết hợp điều trị COVID-19 và bệnh nền của ông. "May mắn là cuối tuần thứ ba trong thời gian nằm viện, tình trạng của ông đỡ dần, chuyển sang thở oxy thông thường (cannula). Buổi sáng hôm sau mình đến gặp thì ông rất vui vẻ, giờ ông đã trở lại cuộc sống bình thường rồi" - bác sĩ Nam chia sẻ.

Theo anh, bệnh nhân thoát nguy kịch ngoài sự cố gắng của y bác sĩ, còn phải dựa vào nỗ lực của người bệnh. "Trong điều trị COVID-19, chính bác sĩ đôi khi cũng khó tiên lượng, không biết trước bệnh nhân có thể qua được hay không. Nên khi họ khỏi bệnh mình sẽ thấy vui hơn so với các bệnh khác mà mình biết trước diễn biến của nó" - vị bác sĩ 42 tuổi cho biết.

"Năm nay khốc liệt quá!"

Từng tham gia điều trị COVID-19 ở Huế từ đợt dịch năm ngoái do các BV ở Đà Nẵng và Quảng Nam chuyển ra, BS CKII Võ Đại Quyền (đoàn BV Trung ương Huế) vẫn không khỏi căng thẳng khi năm nay công tác tại Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 do BV T.Ư Huế phụ trách (BV dã chiến số 14) từ ngày 8-9.

"Năm nay khốc liệt quá, biến chủng mới này làm tổn thương phổi và các cơ quan khác rất nhanh nên số ca bệnh nặng và tử vong nhiều, khó lường trước được - bác sĩ Quyền cho biết.

Ở khu bệnh nặng và nguy kịch, bác sĩ Quyền và mọi người đều cố gắng nỗ lực hơn 100% sức lực tìm đường hồi sinh cho bệnh nhân. Anh nhớ nhất là trường hợp một sản phụ chưa đến 30 tuổi mắc COVID-19 nặng được đưa vào BVDC số 14, sau đó qua BV Từ Dũ mổ bắt con xong, lại đưa cô vào khoa anh.

"Người này bị suy hô hấp nặng, phổi trắng xóa. Chúng tôi đã tích cực điều trị, theo dõi, can thiệp thở máy. Sau một tháng rưỡi thì sức khỏe chị ấy có chuyển biến tốt, đưa xuống tầng nhẹ và xuất viện về nhà" - anh kể vui vẻ như chính người thân của mình.

Sẻ chia và đoàn kết

Gần 20 năm làm nghề, bác sĩ Vũ Hoài Nam cho biết chuyến công tác này đã đem đến cho anh rất nhiều điều. Từ nâng cao chuyên môn điều trị, cách tổ chức trong bệnh viện đến trải nghiệm sự đoàn kết của đồng nghiệp thuộc các đoàn chi viện khắp mọi miền cùng y bác sĩ của TP.HCM.

"Đợt dịch này càng thấy rõ sự đoàn kết của nhân viên y tế rất cao, đó là trải nghiệm mà nếu không vào đây thực tế, chỉ nghe kể hay nghe qua mạng xã hội thì sẽ không hiểu được. Các anh em từ phía Bắc vào, phải xa nhà được anh em đồng nghiệp trong Nam rất chia sẻ, và quan trọng nhất là sự tương trợ, phối hợp làm việc ăn ý" - bác sĩ Nam cho hay.

***********

>> Kỳ tới: Người thầy dẫn học trò vào cuộc chiến

Lần thứ hai, thầy giáo Hải khoác balô lên vai dẫn học trò vào tâm dịch lớn nhất của cả nước, nhưng khác là TP.HCM khốc liệt hơn ở Bắc Giang.

Chúng tôi đã chiến đấu - Kỳ 1: Quả ngọt, tiếc nuối và hy vọng Chúng tôi đã chiến đấu - Kỳ 1: Quả ngọt, tiếc nuối và hy vọng

TTO - Một thai phụ nhiễm bệnh cứ nắm chặt tay bác sĩ nói "em chết cũng được nhưng ráng cứu con em nhé", một lá thư của bệnh nhân được bác sĩ cứu mạng "xin được nhận bác sĩ làm con nuôi"...

DIỆU QUÍ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên