30/07/2021 14:12 GMT+7

'Chúng tôi chỉ sợ thiếu người chăm sóc bệnh nhân của mình'

CÔNG NHẬT
CÔNG NHẬT

TTO - Từ bệnh viện dã chiến thu dung, bác sĩ trẻ Quốc Tài kể về những ngày làm việc như chong chóng, nửa đêm phải đổi chỗ ngủ để đảm bảo phòng chống dịch.

Chúng tôi chỉ sợ thiếu người chăm sóc bệnh nhân của mình - Ảnh 1.

Các y bác sĩ tại Bệnh viện dã chiến thu dung COVID-19 số 2 trong một buổi tập huấn - Ảnh: QUỐC TÀI

Những ngày này, việc liên lạc và trò chuyện với các y bác sĩ đang công tác tại những khu cách ly vô cùng khó khăn. Ai cũng tất bật sáng đêm với công việc trong bộ đồ bảo hộ y tế, tập trung dồn hết sức lực cho bệnh nhân...

Đêm đi trực về, sáng đi tình nguyện ngay!

Không phải là lần đầu tiên tham gia hoạt động phòng chống COVID-19, bác sĩ trẻ Trần Quốc Tài (khoa thăm dò chức năng hô hấp) cho biết anh hiện đóng quân ở Bệnh viện dã chiến thu dung COVID-19 số 2 hơn hai tuần. Quốc Tài được giao làm trưởng đoàn 46 thành viên y bác sĩ, quản lý gần hết các hoạt động từ chuyên môn đến ngoài chuyên môn tại đây nên lịch làm việc "xoay như chong chóng".

"Nơi chúng tôi phụ trách là một chung cư có hai tòa nhà, mỗi tòa nhà 12 tầng. Tầng một đến tầng ba làm khu vực hành chính, tầng bốn đến tầng 12 là nơi bệnh nhân ở và điều trị. Mỗi tầng phân bố khoảng 3 bác sĩ, 5 điều dưỡng trên 150 bệnh nhân, nên việc chăm sóc được đảm bảo", Quốc Tài chia sẻ. 

Quốc Tài kể, đêm 8-7, anh đi trực đêm ở bệnh viện, sáng sớm hôm sau thì nhận được thông tin điều động đến bệnh viện dã chiến. Sáng 9-7, anh về nhà lúc 4h, nhét vội vài bộ quần áo vào balô rồi quay lại bệnh viện, leo lên xe đến bệnh viện thu dung ngay. "Tôi đến nơi rồi điện thoại về nhà báo thì gia đình mới biết tôi tham gia chiến dịch", Quốc Tài bật cười, nhớ lại. 

Và không chỉ Quốc Tài, rất nhiều y bác sĩ trẻ của ĐH Y dược TP.HCM đã nhanh chóng, hăng hái lên đường như vậy.

Những tháng ngày khó quên

Khi được hỏi về một ngày áp lực nhất, giọng Quốc Tài thoáng chút trầm ngâm: "Có lẽ đó là thời điểm chúng tôi phát hiện một nhân viên trong đoàn là F0. Mỗi ngày chúng tôi đều xét nghiệm sàng lọc nhân viên liên tục, và một tối khi kết quả trả về một người bị F0, ai cũng rất căng thẳng".

Quốc Tài cho biết việc đầu tiên phải làm là cách ly ngay nhân viên đó và các cá nhân liên quan (chẳng hạn bạn cùng phòng được xác định là F1). Công việc của họ sẽ được chuyển giao cho người khác làm sao để hạn chế tối đa những xáo trộn, tồn đọng. Và mọi người phải thực hiện nhiều thay đổi đáng kể khác để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho những đồng nghiệp còn lại.

Cách đây một tuần, đoàn của Quốc Tài phải di dời toàn bộ người lẫn đồ đạc qua một trường học gần kề vào lúc nửa đêm vì lý do trên, dù ai nấy đều mệt nhoài. Dẫu vậy, sáng hôm sau mọi người đều thức dậy đúng giờ để lại vào guồng quay công việc.

Chúng tôi không sợ mình trở thành F0, nhưng chúng tôi sợ khi nghĩ đến việc sẽ thiếu người chăm sóc các bệnh nhân của mình.

Bác sĩ QUỐC TÀI

Bác sĩ 9X kể, có lần anh và đồng nghiệp quyết định thành lập ngay một kíp mổ cho thai phụ 38 tuần tuổi trong khu cách ly, khi cố liên lạc một số nơi mà không được vì quá gấp gáp. Trong đoàn của Tài có bác sĩ chuyên khoa sản, bác sĩ nhi, hộ sinh, đồng thời được sự hỗ trợ về thiết bị, thuốc men cần thiết từ Bệnh viện ĐH Y dược. Nhưng rất may, một bệnh viện gần đó phút chót thông báo có thể hỗ trợ, thai phụ được chuyển đi kịp thời.

"Đứa bé ra đời khỏe mạnh, chúng tôi vừa mừng vừa thương bé. Tôi cũng không thể quên được sự đồng lòng, hết mình của các đồng nghiệp", Quốc Tài không giấu được sự xúc động khi kể lại.

Bác sĩ trẻ trong khu cách ly tập trung: Bác sĩ trẻ trong khu cách ly tập trung: 'Nếu còn sức, còn đùm bọc nhau'

TTO - Có những ngày cả đội liên tục tiếp nhận người cách ly từ 18h đến 1h sáng hôm sau, làm việc không ngơi nghỉ trong bộ đồ bảo hộ y tế ướt đẫm mồ hôi, thậm chí không kịp ăn cơm chiều.

CÔNG NHẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên