18/10/2017 07:00 GMT+7

‘Chúng ta cùng là gió thổi nhau lên’

HÀ THANH
HÀ THANH

TTO - Ban đầu là cảm thông, sau đó là cảm phục, rồi thương yêu lúc nào không hay - 30 cặp đôi người khuyết tật kể chuyện về quyền được "gõ cửa trái tim".

‘Chúng ta cùng là gió thổi nhau lên’ - Ảnh 1.

Những ca khúc về tình yêu được chính các cặp đôi thể hiện trong chương trình - Ảnh: HÀ THANH

Không ai là diều, không ai là gió

Chị Đỗ Thúy Hà (36 tuổi), người phụ nữ khiếm thị ở Q. Đống Đa, Hà Nội, là một tấm gương về nghị lực và tinh thần dấn thân vì cộng đồng. Chị tham gia Hội người mù Đống Đa và thi đỗ khoa tiếng Anh Viện ĐH mở Hà Nội năm 2004.

Chị cũng vượt qua 350 thí sinh để giành suất học bổng du học Nhật Bản. Trở về, chị giúp nhiều người khuyết tật khác học tiếng Nhật, tham gia xây dựng nhiều dự án hỗ trợ học sinh khiếm thị. Năm 2016, chị được vinh danh là Công dân thủ đô ưu tú.

Đằng sau nghị lực đó là câu chuyện tình rất đẹp của chị và chồng - anh Đỗ Ngọc Anh (43 tuổi). "Anh lành, chị khuyết" chính là rào cản bước đầu mà hai anh chị đã cùng nắm tay nhau vượt qua.

Chuyện của hai anh chị được chia sẻ tại chương trình giao lưu "Hạnh phúc vợ chồng người khuyết tật" do Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi phối hợp với Bộ Văn hóa, thể thao và du dịch, Bộ Lao động, thương binh và xã hội, tổ chức sáng 17-10 tại Hà Nội.

Nắm chặt tay chị trên sân khấu, anh kể: "Ngay từ lần đầu gặp mặt Hà, mình chưa hiểu gì về người khuyết tật nên ban đầu là sự cảm thông, sau đó là cảm phục, vì Hà nghị lực lắm. Dần dần tình thương trào lên, mình thương yêu lúc nào không hay".

Anh chị kết hôn năm 2011. Anh nhận ra thế giới người khuyết tật phong phú hơn so với suy nghĩ ban đầu của anh, chỉ khi anh ghép mình vào cuộc sống của họ mới hiểu được. "Không ai là diều, không ai là gió, chúng ta cùng là gió thổi nhau lên", đôi mắt người chồng lấp lánh khi nói về nửa kia của mình.

‘Chúng ta cùng là gió thổi nhau lên’ - Ảnh 2.

Vợ chồng chị Đỗ Thúy Hà và anh Đỗ Ngọc Anh tay trong tay trong phần giao lưu - Ảnh: HÀ THANH

Thương rồi yêu

Anh Phạm Ngọc Tá (44 tuổi, Tây Ninh) thì không quên giây phút gặp người bạn đời là chị Phan Thị Gái. "Ban đầu thấy em đáng thương hơn những người khác, tôi đồng cảm, rồi thương em, và yêu lúc nào không hay. Tôi ngỏ lời cầu hôn", anh Tá kể.

Năm lên 7, chị Gái bị bệnh, thị lực suy yếu dần. Chị được đưa vào Trung tâm nuôi dạy trẻ khiếm thị Tây Ninh. Tại đây chị được tham gia văn nghệ, học nghề mátxa, luyện tập thể thao... Những năm 2005-2012, chị tham gia các giải đấu toàn quốc cho người khuyết tật và dự Paralympics ở Indonesia, giành nhiều huy chương bạc, đồng.

Nhìn thấy chị nỗ lực tập luyện, anh Tá đem lòng thương mến. Sau quá trình tìm hiểu, anh chị quyết định đến với nhau. Mới đầu ai cũng can ngăn vì không tin anh Tá thương chị thật lòng, đến cả chị Gái còn ngỡ đó là một giấc mơ.

Thế nhưng giấc mơ đã thành sự thật. Từ hai bàn tay trắng, anh chị chăm làm lụng đã mua được đất làm nhà khang trang ở Tây Ninh và nuôi dạy một bé gái 3 tuổi.

‘Chúng ta cùng là gió thổi nhau lên’ - Ảnh 3.

Chuyện tình của anh Phạm Ngọc Tá và chị Phan Thị Gái khiến khán phòng rưng rưng - Ảnh: HÀ THANH

Tìm được nửa còn lại

"Việt đẹp trai lắm, tôi nghĩ ảnh có nhiều bạn gái theo đuổi lắm", chị Nguyễn Thị Ngọc Anh (25 tuổi, Hà Nội) tậm sự về những ngày đầu người đàn ông của cuộc đời quyết tâm "cưa đổ" chị.

Anh là Phan Ngọc Việt (29 tuổi), trợ lý truyền thông tại Trung tâm hành động vì sự phát triển cộng đồng và là phó chủ tịch Chi hội người khiếm thính Hà Nội, nơi chị là ủy viên.

Hoàn cảnh hai người khá giống nhau. Chị bị điếc và mất giọng nói khi mới 18 tháng tuổi, còn anh lên 3 tuổi thì không nghe thấy gì nữa. 

Gặp và yêu nhau trong thời gian tham gia chi hội người khiếm thính, họ vấp phải nhiều rào cản từ phía gia đình. Bố mẹ can ngăn vì lo sợ họ tự chăm sóc bản thân đã khó, sao có thể đến với nhau và chăm lo cho con cái.

Thế nhưng, khi hai trái tim đồng điệu, khi họ nhận ra người kia chính là nửa cuộc đời còn lại, anh Việt và chị Ngọc Anh đã quyết tâm gắn bó sau hơn 2 năm tìm hiểu.

Những câu chuyện đời và bí quyết giữ lửa hạnh phúc đầy xúc động được truyền tải trong tâm sự của các cặp vợ chồng người khuyết tật đã góp thêm thông điệp đầy nhân văn về quyền được "gõ cửa trái tim", tôn vinh sức mạnh của tình yêu và tinh thần vượt khó của người khuyết tật.

Hôn lễ ấm áp của những đôi uyên ương nghèo Hôn lễ ấm áp của những đôi uyên ương nghèo

TTO - 100 cặp đôi trong trang phục áo dài cưới, khăn đóng rạng ngời niềm hạnh phúc bắt đầu những bước chân đầu tiên trong hành trình mới.

HÀ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên