13/09/2017 15:12 GMT+7

Không dạy thêm, thầy cô làm gì để sống?

MINH ANH
MINH ANH

TTO - Người nuôi heo, bán nước mía, người cạo mủ cao su, thu mua ve chai... Nhiều thầy giáo, cô giáo đã nhờ "nghề tay trái" để bám trụ với nghề.

Không dạy thêm, thầy cô làm gì để sống? - Ảnh 1.

Thầy Nguyễn Duy Khánh (Phú Quốc) trong giờ lên lớp - Ảnh: NGUYỄN LÝ

Sau tự sự '14 năm đi dạy nhưng 3 năm nay tôi đi bán cá thêm' của thầy giáo Duy Khánh (Phú Quốc, Kiên Giang), nhiều bạn đọc là thầy cô giáo chia sẻ trên Tuổi Trẻ Online họ cũng phải làm đủ nghề tay trái để "nuôi" nghề tay phải với lý do giản dị: "Cái nghiệp nó đã thấm vào thân rồi, khó bỏ lắm".

"Tôi đi bỏ mối bánh mì, 5h sáng dậy đạp xe tới lò lãnh bánh, mang tới các xe bánh mì, phải mang nhiều lần, mỗi lần 10, 20 ổ để họ có bánh mới ra lò bán. Tiền công cao hơn lương giáo viên nên mới sống nổi mà đi dạy" - bạn đọc, thầy giáo tên Thuận chia sẻ.

"Tôi dạy ngữ văn. Đến lớp tôi dạy: Nay ở trong thơ nên có thép/ Nhà thơ cũng phải biết xung phong, về nhà tôi phải nuôi heo kiếm thêm thu nhập nên thường nói với con tôi: Nay ở trong thơ nên có cám/Nhà thơ cũng phải biết nuôi heo

Bạn dạy chung tôi về nhà bán cháo, bạn nói: Nay ở trong thơ nên có cháo/Nhà thơ cũng phải biết kinh doanh. Thời buổi khó khăn đành xin lỗi Bác Hồ vậy. Không làm vậy không thể bám nghề 30 năm", bạn đọc Phan Văn Quê kể.

Bạn đọc Năm An Nhứt thì tâm sự: "Tôi và một số đồng nghiệp bám trụ bằng mọi thứ nghề tay trái: người sạc ăcquy, sửa quạt ở nhà, người thì thu mua tắc kè, rắn... chở bằng xe máy lên Sài Gòn bán. 

Vợ chồng tôi thì xoay xở đủ thứ nghề: bán bánh mì, xá xị, nước cam trước nhà, in lụa, sửa điện nhà, quạt máy... Cứ thế mà giữ nghề đến khi mức sống khá hơn".

"Ở trường tôi, giáo viên đi làm phụ hồ, làm ruộng, chạy điện cho các gia đình, nuôi heo giống, bán hoa quả, mấy cô giáo trẻ thì bán hàng online. Giờ đây trường tôi mà có thầy cô nào xây nhà, đảm bảo đồng nghiệp trong trường bao thầu từ A tới Z!", bạn đọc Ngô Thế Hoàng hài hước.

Nhưng không phải ai cũng thuận lợi với nghề tay trái, như trường hợp bạn đọc An Hòa: "Lúc Bảo hiểm Prudential mới hoạt động, tôi cũng hăm hở làm đại lý, hi vọng sẽ thêm thu nhập. Thế nhưng sau khi phát khoảng 1.000 tờ rơi quảng cáo cho học sinh, tôi chỉ được một hợp đồng mệnh giá thấp. 

Huy động hết người trong nhà mua bảo hiểm, coi như hết sạch khách hàng tiềm năng. Sau đó, công ty cho nghỉ vì không có hợp đồng".

Buồn vui "nghề phụ" thầy cô

"Ngày tôi đi dạy, tối về đi đánh đàn, tháng kiếm vài show, tối nào không có show thì đi giăng lưới, giăng câu kiếm thêm cá ăn". (Khánh Duy)

"Trường tôi có thầy bán bánh mì chiều tối, có cô đi thu mua ve chai buổi chiều, có cô nhận lau chùi nhà cửa cuối tuần, mọi người đều cố gắng và giảng dạy tốt, thi đua tốt, năm nào cũng đạt giáo viên tiên tiến, rất vui". (Nguyen Thi Bach)

"Quê tôi Bình Thuận. Tờ mờ sáng giáo viên phải thức dậy đi cạo mủ cao su, đến 6h thì về nhà tắm rửa đi dạy. Thiệt tình, không nghề nào như nghề của mình". (Lam Nguyen)

"Tôi dạy gần 6 năm, cũng đang làm thêm buôn bán quán nước và văn phòng phẩm. Cực lắm, nhưng khi bước vào lớp, thấy các em trong sáng mình lại có nghị lực hơn". (Trần Phạm Duy Anh)

"Tôi dạy 14 năm, làm thêm rất nhiều nghề: hớt tóc, bán bảo hiểm, đặt dớn kiếm thêm cá để cải thiện bữa ăn". (Trần Văn Điệp)

"Tôi là giáo viên cao đẳng và tôi bán nước mía. Tiền làm ra bằng mồ hôi nước mắt của mình, mình tự hào chứ!". (naoduong@...)

"Tôi vừa đi dạy vừa chăn bò. Giờ nghề tay trái của tôi là nghề dạy học. Nghề chính là cắt cỏ cho bò ăn". (Trần Hạnh)

MINH ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên