08/02/2018 10:13 GMT+7

Chứng khoán xanh sau 'rực lửa', nhà đầu tư ngoại thắng lớn

P.TRÍ - L.THANH - 
A.HỒNG - A.ĐỨC
P.TRÍ - L.THANH - 
A.HỒNG - A.ĐỨC

TTO - VN Index hồi phục khi tăng 28,95 điểm (2,86%) ngày 7-2. Vui nhất là các nhà đầu tư ngoại đã tung tiền bắt đáy trong ngày “rực lửa” và bán mạnh ngày phục hồi.

Chứng khoán xanh sau rực lửa, nhà đầu tư ngoại thắng lớn - Ảnh 1.

Nhiều nhà đầu tư đã yên tâm hơn khi chứng khoán VN phục hồi phiên giao dịch ngày 7-2 - Ảnh: PHƯỚC TRÍ

HNX Index cũng tăng 3,99 điểm (3,45%). Upcom-Index tăng 1,81 điểm (3,30%). Không ít nhà đầu tư trong nước vui mừng vì thấy thị trường hồi phục. Nhưng đa số đánh giá khối ngoại và một số "nhà đầu tư nội" kịp mua vào hai ngày giảm kỷ lục đã có lãi.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 7-2, sắc xanh biểu tượng của cổ phiếu tăng giá khá mạnh nhưng thanh khoản thị trường lại giảm, chỉ đạt ở mức 7.678 tỉ đồng - bằng khoảng một nửa so với ngày trước đó. 

Tính trên ba sàn, số mã cổ phiếu tăng lên đến 534 mã. Nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 256,49 tỉ đồng riêng ở sàn HoSE.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, anh Nguyễn Thanh H., một nhà đầu tư ở Hà Nội và cũng là cán bộ cơ quan chức năng ngành tài chính, đánh giá các nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài đã "thắng" khi kịp mua vào khi thị trường "rực lửa" và bán ra khi hồi phục. 

Nhà đầu tư sợ hãi có thể đã chịu thiệt hại, nhưng anh H. cho rằng các nhà đầu tư nhỏ lẻ khó có khả năng phân tích sâu như các nhà đầu tư tổ chức. 

Vì vậy, họ phải khoanh vùng rủi ro có thể chịu được, ví dụ giá giảm 15% là bán. Điều này có thể sẽ khiến họ thiệt hoặc không thu lợi lớn được như các công ty chứng khoán hay nhà đầu tư nước ngoài.

Ông Đỗ Bảo Ngọc, chuyên gia nghiên cứu cao cấp Công ty chứng khoán MBS, cho hay hôm 6-2 các công ty chứng khoán đã mua ròng khoảng 400 tỉ đồng. 

"Những cổ phiếu lớn, cổ phiếu tốt giảm giá 15-20% thì nên tính toán mua vào. Trong năm nay, rất khó có thể dự đoán có thêm đợt giảm giá mạnh như vừa rồi để mua vào" - ông Ngọc nói.

Ông Johan Nyvene, tổng giám đốc Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), cũng cho rằng bên cạnh những người sợ hãi bán ra khi giá giảm thì cũng có những người mua vào và thắng lớn. 

"Tôi thấy rằng thị trường chứng khoán Việt Nam còn nhiều cơ hội. Nhưng cơ hội không đến với tất cả mọi người mà chỉ đến với ai nhìn ra nó" - ông Johan Nyvene nói.

Một số chuyên gia chứng khoán cũng nhận định thị trường chứng khoán VN còn nhiều nhà đầu tư "lướt" theo kiểu "đám đông", nên thường mua khi giá lên, bán khi giá xuống. 

Ông Đỗ Bảo Ngọc đánh giá điều này khiến khi thị trường tốt có những dòng tiền nóng vào, đẩy giá cổ phiếu "nóng". Thực tế có những cổ phiếu tăng 60% chỉ trong vòng 1 tháng. Khi dòng tiền nóng thấy rủi ro rút vội ra sẽ tạo hiệu ứng ngược lại.

Theo ông Khổng Phan Đức - Tổng giám đốc VietinBankSc, với tỉ lệ nhà đầu tư cá nhân quá lớn thì trong tương lai sẽ khó tránh khỏi những cú sụt giảm như vừa qua.

Để tránh tâm lý chạy theo đám đông trên thị trường, ông Vũ Bằng - nguyên chủ tịch Ủy ban Chứng khoán, cho rằng biến động của thị trường lần này, nhà đầu tư sẽ có trải nghiệm và tự rút ra bài học. Cách tốt nhất là các nhà đầu tư tư nhân rót vốn vào thị trường qua các quỹ.

Ông Khổng Phan Đức cho rằng nguyên nhân đẩy chỉ số Dow Jones của Mỹ ngày 5-2 giảm sâu là do nhà đầu tư lo ngại về việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng mạnh lãi suất đồng USD trong năm 2018, hút dòng tiền ra khỏi thị trường chứng khoán. Họ đã bán trước để đề phòng rủi ro.

"Nhưng ở Việt Nam không hề có chuyện này. Ngân hàng Nhà nước luôn khẳng định sẽ kiên định mục tiêu giảm lãi suất. Lãi suất thấp có nghĩa là dòng vốn ra thị trường sẽ tăng lên và chứng khoán sẽ được hưởng lợi. Nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư nước ngoài đã nhìn thấy điều này nên đã đẩy mạnh mua vào và khi thị trường chứng khoán xanh lại, họ đã được hưởng lợi" - ông Đức phân tích.

"Nhà đầu tư cần tránh đầu tư theo phong trào. Nền kinh tế của chúng ta đang tăng trưởng mạnh và bền vững thì chắc chắn không thể xảy ra khủng hoảng nội tại vào thời điểm này" - ông Nguyễn Duy Hưng, chủ tịch Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn, nói.

Chứng khoán thế giới phục hồi

Hết ngày 6-2 (giờ địa phương), sàn chứng khoán New York tăng nhẹ sau một ngày biến động.

Chỉ số Dow Jones tăng lại 2,33%. Trong suốt ngày 6-2, chỉ số hàng đầu này của kinh tế Mỹ liên tục trồi lên sụt xuống.

Chỉ số S&P 500 - thể hiện "sức khỏe" của 500 doanh nghiệp lớn nhất của Mỹ đã lên sàn - cũng dao động khá nhiều nhưng kết thúc ở mức tăng 1,74%.

Chỉ số Nasdaq của khối doanh nghiệp công nghệ số cũng tăng 2,13%.

Đón nhận "dư âm" hồi phục nhẹ từ Mỹ, sàn chứng khoán Tokyo ở Nhật đã tăng mạnh khi mở cửa vào sáng 7-2.

Tiếp đó, các sàn chứng khoán châu Âu mở cửa trong ngày 7-2 cũng hồi phục tốt.

Tuy nhiên, Công ty quản lý quỹ Kiplink cho rằng "sự hồi phục này cũng còn chưa chắc chắn trong những ngày tới".

TÚ ANH

P.TRÍ - L.THANH - 
A.HỒNG - A.ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên