Một nhà đầu tư chứng khoán trước bảng điện tử hiển thị chỉ số chứng khoán Trung Quốc ngày 24-8 tại sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong - Ảnh: Reuters |
Khi Trung Quốc phá giá nhân dân tệ, chứng khoán toàn cầu lao dốc, hơn 5.000 tỉ USD bốc hơi.
Cụ thể chỉ số CSI300 mất hơn 8,8%, chỉ số Shanghai Composite cũng giảm 8,9%, mức sụt giảm lớn nhất trong ngày kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2007. Không riêng chứng khoán Trung Quốc, đà giảm sâu cũng bao trùm các thị trường chứng khoán châu Á.
Các chỉ số Hang Seng của Hong Kong và Taiex của Đài Loan lần lượt giảm 5,5% và 7,5%. Tương tự, chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 2,5%, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản mất 4,6% và chỉ số S&P/ASX 200 của Úc giảm 4,1%.
Các thị trường châu Âu mở cửa sau đó cũng giảm kỷ lục, làm bốc hơi hàng trăm tỉ USD trong nháy mắt. Trong đó chỉ số FTSE 100 của London mất đến 4,8% và các thị trường lớn tại Pháp, Đức giảm 7%.
“Các thị trường đang hoảng loạn. Mọi thứ bắt đầu trông giống cuộc khủng hoảng tài chính cuối những năm 1990” - Reuters dẫn lời nhà phân tích Takako Masai của Ngân hàng Shinsei ở Tokyo.
Không chỉ chứng khoán, giá dầu và hàng loạt mặt hàng cũng sụt giảm thê thảm. Giá dầu thô trên thị trường Mỹ giảm 3% còn 39,2 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent giảm 2,4% xuống 44,4 USD/thùng, thấp nhất trong hơn sáu năm qua. Giá đồng, được coi như thước đo nhu cầu công nghiệp toàn cầu, cũng giảm 2,5% tại thị trường London, chạm đáy trong vòng sáu năm.
“Tôi hối hận vì đã không tháo chạy tuần trước - nhà đầu tư họ Trương tại Trung Quốc nói - Với thị trường sụt giảm như vậy thì không còn hi vọng nào nữa và chính phủ phải chịu trách nhiệm”. Một nhà đầu tư khác viết trên mạng: “Mỗi khi nhìn vào những gì đang diễn ra trên thị trường chứng khoán, tôi muốn phát bệnh và không ăn nổi. Làm ơn hãy cứu tiền của tôi”.
Giới quan sát cho rằng nếu Trung Quốc không thể giúp hàng triệu người dân giữ được các khoản tiết kiệm rót vào chứng khoán, chính phủ sẽ đối mặt với nguy cơ bất ổn xã hội. Nhiều nhà phân tích lo ngại nếu thị trường chứng khoán Trung Quốc tiếp tục giảm sâu, trong thời gian ngắn tới chính phủ nước này sẽ khó ra tay cứu thị trường lần nữa. Thị trường Trung Quốc được dự báo vẫn giảm theo quán tính trong thời gian tới, dù có động thái mới nào từ phía chính phủ thì mức độ tăng trở lại cũng rất hạn chế.
Hôm 23-8, Bắc Kinh đã đưa ra động thái bất ngờ khi quyết định dùng quỹ lương hưu rót hơn 97 tỉ USD vào thị trường chứng khoán. Theo Tân Hoa xã, quỹ này có thể dùng tối đa 30% tổng tài sản ròng (khoảng 548 tỉ USD) đầu tư vào thị trường chứng khoán, bao gồm mua cổ phiếu của các công ty nhà nước, để kiềm chế đà lao dốc của chứng khoán.
Trước đây, quỹ lương hưu chỉ có thể ký gửi vào ngân hàng và trái phiếu kho bạc. Cùng ngày, Wall Street Journal đưa tin Bắc Kinh sẽ bơm thêm tiền mặt vào hệ thống ngân hàng từ nay đến cuối tháng.
Dù các hãng tin Trung Quốc ca ngợi việc dùng quỹ lương hưu sẽ “thổi làn gió mới” vào thị trường chứng khoán, nhưng không ít nhà phân tích vẫn tỏ ra hoài nghi.
“Thông tin về quỹ lương hưu không ích gì vì tiền bị giới hạn, không thể biết khi nào tiền sẽ rót vào và việc mua chứng khoán cũng không bền vững” - nhà phân tích Qi Yifeng của Công ty tư vấn CEBM nhận định.
Ngoài ra, quyết định dùng quỹ lương hưu được ví như một ván cược nhiều rủi ro khi nó chiếm đến 90% nguồn quỹ an sinh xã hội của Trung Quốc.
“Rất nhiều người có suy nghĩ tiêu cực, họ lo ngại đây là một dấu hiệu cho thấy mọi việc đã ngoài tầm kiểm soát và chẳng còn gì có thể cứu vãn được” - ông Tim Seymour thuộc Triogem Asset Management nói.
Tờ Business Insider cũng cảnh báo: “Chính phủ Trung Quốc nên cẩn trọng hơn với vốn tiết kiệm, vốn đặc biệt dành để nuôi dân số đang già đi nhanh chóng của nước này khi về hưu”.
Một buổi làm việc vất vả của nhân viên sàn giao dịch chứng khoán New York - Ảnh: Reuters |
400 người giàu nhất thế giới mất 182 tỉ USD Thị trường chứng khoán toàn cầu ước tính mất hơn 5.000 tỉ USD kể từ khi Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ ngày 11-8. Chỉ riêng trong tuần qua, theo khảo sát của Bloomberg, tài sản của 400 người giàu nhất thế giới đã bốc hơi 182 tỉ USD vì sự tuột dốc của chứng khoán. Thiệt hại nặng nhất là tỉ phú Warren Buffett mất hơn 3,6 tỉ USD khi cổ phiếu Berkshire Hathaway giảm hơn 5%. Ivan Glasenberg, lãnh đạo Công ty khai thác mỏ Glencore, mất 237 triệu USD. Dù vậy, các nhà phân tích cho rằng không nên chỉ nhìn vào các khoản thiệt hại ngắn hạn bởi các nhà đầu tư lớn như Buffett vốn nổi tiếng với các khoản đầu tư dài hạn. Sàn TP.HCM: 2 tuần mất 7,13 tỉ USD Chốt phiên ngày 24-8, VN-Index mất tới 29,37 điểm, tương đương 5,28%, chỉ còn 526,93 điểm. Tương tự, HNX-Index cũng mất 5,81%, còn 73,09 điểm. Ghi nhận diễn biến thị trường trong phiên giao dịch cho thấy nhiều nhà đầu tư đua nhau bán tháo để thoát khỏi thị trường thay vì ưu tiên giá bán, khi nhiều thị trường chứng khoán trong khu vực giảm điểm mạnh. “Rất khó để đưa ra bất cứ lời khuyên nào cho khách hàng của mình vào lúc này. Khuyên bán cũng dở vì bán trúng đáy thì quá đau. Mà nói họ giữ lại cũng không ổn vì ai biết chắc mai có giảm nữa hay không” - anh N.Đ.T., một người môi giới trên sàn chứng khoán ở quận 1, TP.HCM, chia sẻ. Ông Trịnh Hoài Giang, phó tổng giám đốc Công ty chứng khoán HSC, cho rằng chứng khoán VN đã chịu tác động mạnh bởi sự sụt giảm của chứng khoán toàn cầu, cũng như động thái bán ròng của khối ngoại thời gian qua. Một chuyên gia chứng khoán khẳng định việc Deutsche Asset & Wealth Management (DB) thông báo sẽ hủy niêm yết 43 quỹ hoán đổi danh mục (ETF) tại một số sàn giao dịch, trong đó có HoSE, nhằm tập trung giao dịch tại các sàn có thanh khoản tốt hơn đã gây tác động mạnh đến tâm lý nhà đầu tư trong nước. “Nhiều nhà đầu tư chứng khoán tại VN, kể cả những nhà đầu tư tổ chức, thường có xu hướng nhìn vào động thái của khối ngoại, đặc biệt là các quỹ ETF, để giao dịch. Một khi các quỹ này bán ra, nhiều nhà đầu tư khác cũng đua nhau tháo chạy, ngay cả khi thị trường không có nhiều tin xấu” - vị này nói. Ngoài ra, theo chuyên gia chứng khoán Hoàng Thạch Lân, chứng khoán VN giảm mạnh một phần do các công ty chứng khoán bán giải chấp cổ phiếu của các khách hàng đã chạm ngưỡng nguy hiểm (call margin). “Sau nhiều phiên giảm điểm, nhiều cổ phiếu VN xuống tới ngưỡng mà một số công ty chứng khoán buộc phải bán cổ phiếu của khách hàng để thu hồi vốn đã cho vay trước đó” - ông Lân nhận định. Theo số liệu thống kê của HoSE, tính từ ngày 11-8 đến nay VN-Index chỉ tăng điểm phiên duy nhất (ngày 18-8), chín phiên còn lại đều giảm và mất tổng cộng 86,12 điểm (tương đương 14,04%), tính ra khoảng 7,13 tỉ USD tại sàn HoSE đã “bốc hơi”. |
Sẽ can thiệp để ổn định tỉ giá Trong thông cáo báo chí phát đi tối 24-8, bà Nguyễn Thị Hồng, phó thống đốc Ngân hàng (NH) Nhà nước, cho rằng tỉ giá biến động chủ yếu do tâm lý và có thể là do tin đồn để đầu cơ, trục lợi. Do vậy, NH Nhà nước khẳng định sẽ không điều chỉnh tỉ giá nữa và áp dụng tất cả biện pháp để ổn định tỉ giá và thị trường ngoại hối từ nay đến cuối năm 2015 cũng như những tháng đầu năm 2016. Chưa đầy một tuần sau khi NH Nhà nước nới biên độ tỉ giá lên ±3% và tăng tỉ giá bình quân liên ngân hàng, ngày 24-8 giá bán USD tại các NH lại kịch trần: 22.547 đồng/USD, tăng 2 - 7 đồng/USD so với cuối tuần qua. Các NH lớn như Vietcombank, ACB, Eximbank đều niêm yết giá bán USD ở mức 22.547 đồng/USD. Giá mua vào dao động 22.435 - 22.460 đồng/USD. Tại thị trường tự do, giá bán USD vào cuối ngày tăng lên mức 22.830 đồng/USD, mua 22.700 đồng/USD, tăng 280 đồng/USD so với cuối tuần qua. Trong khi giá ngoại tệ liên tục biến động, giá vàng miếng SJC vẫn giữ nguyên so với cuối tuần trước, bán ra 35,3 triệu đồng/lượng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận