09/12/2019 10:35 GMT+7

Chuẩn mực phát ngôn

TS HỒ BẤT KHUẤT
TS HỒ BẤT KHUẤT

TTO - 'Lời nói chẳng mất tiền mua', 'Lời nói, đọi máu'... Càng học cao, càng giữ chức vụ quan trọng thì việc phát ngôn càng phải lịch lãm, chuẩn mực. Bởi lúc này, dù chỉ một lời cũng là đại diện cho bao con người, cho tổ chức và cho cả đất nước mình.

Chuẩn mực phát ngôn - Ảnh 1.

Trong những ngày gần đây, ở Hà Nội có một số người giữ trọng trách ở thành phố lại phát ngôn thiếu chính xác, thiếu chuẩn mực làm dư luận băn khoăn, lo lắng.

Cụ thể trong buổi gặp gỡ cử tri ngày 6-12-2019, ông Nguyễn Đức Chung cho rằng JEBO thử nghiệm làm sạch nước sông Tô Lịch mà không xin phép thành phố. Hơn thế, ông còn nói: "Thành phố này không phải để cho một ông, một công ty vào đây làm trò đùa cho cả thiên hạ, làm bức xúc xã hội...".

Cách nói như vậy của ông chủ tịch UBND TP Hà Nội là rất nặng nề vì vừa không đúng thực tế, vừa không phù hợp với vai trò của người nói và những vấn đề đang nói.

Không đúng thực tế vì người dân chờ đợi và hi vọng vào việc chuyên gia và công nghệ Nhật có thể làm sạch nước sông Tô Lịch, chứ không ai bức xúc. Còn ý tưởng dùng công nghệ để làm sạch nước sông Tô Lịch là một việc làm hoàn toàn nghiêm túc, chứ không hề có sự đùa cợt ở đây.

Ông cha ta rất coi trọng chuyện ăn, chuyện nói vì đây là biểu hiện của văn hóa và nhận thức. Chính vì thế, từ xa xưa, chuyện "học ăn, học nói" đã được xem là những chuyện quan trọng trong giáo dục nhân cách.

Các thầy đồ, quan lại ngày xưa luôn tìm cách uốn nắn học trò, thuộc hạ của mình nói năng cẩn thận, phù hợp với vai trò và hoàn cảnh.

Rồi ca dao, tục ngữ cũng đã nhắc nhở, răn dạy về chuyện này. Ca dao thì khuyên nhủ nhẹ nhàng: "Lời nói chẳng mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau". Nói hay, nói đúng, nói thuyết phục khi nào cũng là cầu nối để hiểu nhau, hợp tác với nhau.

Còn tục ngữ thì thâm trầm, dữ dội: "Lời nói, đọi máu". Việc nói sai, nói quá, nói để gây thù hằn thì có khi gây xung đột và phải trả giá đắt.

Với quan niệm như vậy, dân tộc ta đã xây dựng nên phong cách ứng xử, giao tiếp thân ái, lịch lãm, văn hóa. Phong cách này tạo nên bản sắc giúp dân tộc ta không bị đồng hóa trong hàng ngàn năm Bắc thuộc, hàng trăm năm Pháp thuộc.

Đến thời đại của chúng ta, chuyện phát ngôn cũng được các cấp, ngành, địa phương coi trọng. Ở quy mô quốc gia cũng như cấp tỉnh, thành đều muốn có bộ quy tắc ứng xử, trong đó có chuẩn mực về phát ngôn.

Tuy nhiên, đây là việc không hề dễ chuẩn hóa bằng những văn bản mang tính hành chính và pháp quy.

Suy cho cùng, cách phát ngôn của từng người phụ thuộc vào ý thức văn hóa và trình độ nhận thức của người đó. Với xã hội, người ta đòi hỏi người có học vấn cao, giữ chức vụ quan trọng thì việc phát ngôn càng phải lịch lãm, chuẩn mực.

Ai có biểu hiện nói năng tùy tiện đều bị lên án; nhẹ thì nhắc nhở, nặng thì bị kỷ luật. Mới đây, bà Đàm Thị Hệ, trưởng Phòng tài nguyên - môi trường thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông), bị kỷ luật vì có những phát ngôn thiếu chuẩn mực đạo đức, văn hóa công vụ khi thực thi nhiệm vụ là một ví dụ.

Trong vụ việc liên quan đến đoàn chuyên gia Nhật Bản làm thử nghiệm sạch nước sông Tô Lịch, ngoài chuyện nhận định đúng - sai thông thường về sự việc, còn có quan hệ mang tính ngoại giao giữa hai đất nước.

Vì vậy, khi cán bộ của một cơ quan nhà nước phát ngôn thì phải hết sức thận trọng. Lúc này, người phát ngôn không chỉ đại diện cho cá nhân mình mà còn đại diện cho tổ chức, cho đất nước.

Việc phát ngôn cho đúng chuẩn mực không khó nếu người ta nhận thức đúng vai trò, trách nhiệm của mình và có ý thức tôn trọng sự thật, tôn trọng người khác.

JEBO: JEBO: 'Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội thông tin sai sự thật'

TTO - 'Tổ chức JEBO Nhật Bản thấy buồn vì ngài chủ tịch UBND thành phố Hà Nội thông tin sai sự thật về việc JEBO tiến hành thử nghiệm công nghệ Nano-Bioreactor làm sạch sông Tô Lịch mà chưa xin phép thành phố', JEBO nêu.

TS HỒ BẤT KHUẤT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên