Giáo viên thảo luận trong đợt tập huấn về chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại Lâm Đồng vào năm 2019 - Ảnh: VĨNH HÀ
Đây là một trong những điểm yếu khiến việc dạy học lớp 1 rơi vào tình trạng lúng túng, giáo viên và học sinh bị áp lực, quá tải.
Mới thực hiện 1 trong 4 modul
Khi nói về yêu cầu tập huấn giáo viên để triển khai chương trình giáo dục 2018 ở lớp 1 năm học 2020-2021, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết việc bồi dưỡng cán bộ, giáo viên sẽ tập trung vào 4 modul, gồm hướng dẫn thực hiện chương trình GDPT 2018 (modul 1); phương pháp dạy học và giáo dục (modul 2); kiểm tra đánh giá học sinh (modul 3); xây dựng kế hoạch dạy học giáo dục (modul 4).
Tính tới thời điểm này, Bộ GD-ĐT mới chỉ thực hiện được modul đầu tiên trong số 4 modul tập huấn được cho là cần thiết để triển khai chương trình mới. Theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT, các modul tập huấn tiếp theo sẽ phải thực hiện trong học kỳ 1 năm học 2020-2021. Nhưng tới thời điểm hiện tại vẫn chưa tổ chức tiếp được.
Theo đúng "kịch bản", việc tập huấn chương trình GDPT mới trước hết sẽ thực hiện đối với các cán bộ, giảng viên do các trường sư phạm điều động. Những người này sẽ là thành phần cốt cán tham gia tổ chức các đợt tập huấn tại các địa phương, bao gồm tập huấn cho cán bộ quản lý (hiệu trưởng, trưởng phòng giáo dục), tập huấn cho các tổ trưởng chuyên môn và tập huấn cho giáo viên, trong đó ưu tiên tập huấn cho 100% giáo viên sẽ phụ trách dạy học lớp 1 năm học này.
Thông tin trong hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học ở bậc tiểu học vào tháng 9-2020, các sở GD-ĐT cho biết đã triển khai tập huấn cho 100% giáo viên dạy lớp 1 về chương trình giáo dục 2018. Tuy nhiên, trao đổi với Tuổi Trẻ ngay tại Hà Nội, một số hiệu trưởng vẫn nhầm lẫn giữa chương trình và sách giáo khoa, lẫn lộn giữa tập huấn chương trình và tập huấn sách giáo khoa.
"Chúng tôi chỉ biết có đợt tập huấn sách giáo khoa do đại diện đơn vị có sách được chọn tổ chức và hiện nay giáo viên đang dạy học dựa vào sách giáo khoa, chứ không có chương trình trong tay" - một hiệu trưởng cho biết.
"Chương trình" là yếu tố quan trọng và khác biệt hẳn so với chương trình trước. Nhưng nhiều giáo viên tiểu học dạy lớp 1 năm nay lại không nắm được chương trình, không hiểu "dạy học phát triển năng lực, phẩm chất người học" là gì. Cái họ bám vào để dạy vẫn chỉ là sách giáo khoa.
Chúng tôi có ba buổi tập huấn nhưng tập trung ở hội trường rất đông, chủ yếu nghe tác giả trình bày về đặc điểm của sách mà trường đã chọn. Không có cơ hội để tương tác, cho giáo viên hỏi và nghe giải đáp thắc mắc.
Một giáo viên ở quận Thanh Xuân (Hà Nội)
Nguyên nhân khách quan
Trở ngại lớn mang tính khách quan khiến việc tập huấn bị chậm lại là dịch COVID-19. Sau khi các trường chọn sách giáo khoa lớp 1 xong thì dịch COVID-19 bùng phát mạnh suốt từ tháng 3 đến tháng 5-2020. Giáo viên các trường tiểu học mới chỉ tiếp cận sách do NXB gửi đến (bản cứng hoặc bản điện tử). Thời gian để các NXB tổ chức tập huấn cho các nhà trường có quá ít và vẫn trong tình huống phải phòng ngừa dịch bệnh.
Theo ông Thái Văn Tài - vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT), tháng 10-2020 bộ mới triển khai tập huấn modul thứ 2 là phương pháp dạy học. Khi nhiều giáo viên, phụ huynh đồng loạt kêu khó, kêu khổ vì các trường phải thực hiện chương trình lớp 1 theo các sách giáo khoa biên soạn các bài dài, khó, tiến độ quá nhanh, Bộ GD-ĐT cho rằng các trường phải chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục, tùy theo điều kiện thực tế, đối tượng học sinh để thực hiện linh hoạt chương trình.
Tại điều lệ trường tiểu học và trong nhiệm vụ năm học 2020-2021 ở bậc tiểu học đều đặt ra quy định các trường phải chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục. Nhưng modul tập huấn về "xây dựng kế hoạch giáo dục" (modul thứ 4) lại chưa được thực hiện.
Trách nhiệm chưa tròn của các nhà xuất bản
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Thái Văn Tài - vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT - cho biết trách nhiệm bồi dưỡng cách sử dụng sách giáo khoa mà nhà trường và địa phương lựa chọn sử dụng là do các sở GD-ĐT phối hợp với các NXB có sách được lựa chọn lên kế hoạch bồi dưỡng cho giáo viên.
Đội ngũ tham gia bồi dưỡng sách giáo khoa là các nhà khoa học, các tác giả viết sách thực hiện, giúp giáo viên hiểu được ý tưởng của tác giả khi khai thác các ngữ liệu trong sách và các học liệu kèm theo để xây dựng kế hoạch dạy học của mình đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình đối với mỗi môn học.
Nhưng trên thực tế sự đồng hành cùng với các trường và giáo viên vẫn chỉ là lời hứa chưa được các NXB làm trọn vẹn. Trước những khó khăn, lúng túng của giáo viên dạy lớp 1 năm nay, một số phòng GD-ĐT phải chủ động xây dựng các chuyên đề tập huấn. Các cơ sở giáo dục phải đứng ra mời tác giả đến trao đổi, chứ không phải tác giả được bố trí tập huấn theo cam kết của các NXB.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận