10/10/2017 12:19 GMT+7

Chưa công bằng với kiến trúc Pháp

V.V.TUÂN
V.V.TUÂN

TTO - Với giấc mơ về thủ đô hành chính kiểu Pháp ở Đông Dương, người Pháp đã xây dựng tại Hà Nội nhiều công trình mang phong cách phương Tây kết hợp kiến trúc bản địa.

Chưa công bằng với kiến trúc Pháp - Ảnh 1.

Nha Tài chính Đông Dương (hiện là trụ sở Bộ Ngoại giao) - Ảnh: Trung tâm lưu trữ quốc gia

Tài sản đô thị người Pháp để lại góp phần tạo ra diện mạo đặc trưng, tạo nên Hà Nội như hôm nay. Thời đó, người Pháp đã đưa vào VN kỹ thuật xây dựng mới, loại hình kiến trúc mới mà chúng ta chưa có như bảo tàng, nhà hát, thư viện... đưa kiến trúc VN hội nhập với thế giới. Vì thế, những kiến trúc Pháp để lại không chỉ là tài sản mà còn là di sản.

Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính

Qua hơn 100 năm, phần lớn các công trình này vẫn đang được sử dụng, là điểm nhấn kiến trúc tiêu biểu của Hà Nội, tạo nên diện mạo đô thị vừa cổ kính vừa hiện đại.

Một phần diện mạo ấy vừa được "trình diễn" tại triển lãm tài liệu lưu trữ quốc gia Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội vào sáng 9-10 tại Nhà hát lớn Hà Nội, do Trung tâm lưu trữ quốc gia 1, Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước cùng phối hợp tổ chức.

Tại triển lãm, ban tổ chức giới thiệu 70 tài liệu hành chính, hình ảnh, bản vẽ kỹ thuật của sáu công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu tại Hà Nội: Nhà hát TP (nay là Nhà hát lớn Hà Nội), Bảo tàng Louis Finot (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia), Sở Bưu điện Hà Nội (nay là tòa nhà VNPT Hà Nội), Trường đại học Đông Dương (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội), Nha Tài chính Đông Dương (hiện là trụ sở Bộ Ngoại giao) và cầu Doumer (cầu Long Biên).

Trò chuyện với Tuổi Trẻ, GS.KTS Hoàng Đạo Kính đánh giá triển lãm này tuy muộn nhưng là hoạt động văn hóa chứng tỏ nhận thức về giá trị của tài sản kiến trúc đô thị người Pháp ở Hà Nội đã thay đổi. 

Tuy nhiên, ông chỉ ra thực trạng: "Các công trình kiến trúc Pháp khác tại Hà Nội có giá trị không kém Nhà hát lớn đều có tình trạng xuống cấp do thời gian, cách sử dụng, không được trùng tu... 

Nếu có sửa chữa cũng chỉ để phục vụ nhu cầu của con người đang sử dụng ngày hôm nay thay vì trùng tu theo cách ứng xử với các công trình có giá trị về văn hóa, nghệ thuật. Đặc biệt là cầu Long Biên đang được sử dụng theo cách vắt kiệt công suất".


Chưa công bằng với kiến trúc Pháp - Ảnh 3.

Cầu Long Biên - Ảnh: Trung tâm lưu trữ quốc gia

Một lý do nữa GS Kính đưa ra là trong thời gian dài, các cơ quan chức năng chưa đánh giá đủ, chưa có cách ứng xử thực sự công bằng với các tài sản kiến trúc đô thị của người Pháp để lại. Việc duy trì và tiếp nối những tài sản này rất khó khăn, bởi phần lớn công trình này đã được "nhà nước hóa" để sử dụng.

"TP Hà Nội phải lập quỹ các công trình kiến trúc Pháp có giá trị tiêu biểu đối với lịch sử TP. Đi kèm danh sách này là quy chế ứng xử phù hợp để duy trì các giá trị về kiến trúc, thẩm mỹ, cảnh quan tiêu biểu và có cải tạo để thích ứng với nhu cầu sử dụng mới" - GS Kính đề xuất.

Ông Bùi Chí Luyện - giảng viên ĐH Kiến trúc Hà Nội - đề xuất ba giải pháp để bảo tồn các di sản kiến trúc Pháp: TP phải có định hướng phát triển rõ ràng, tránh xâm phạm các di sản kiến trúc Pháp tiêu biểu.

Công tác bảo tồn phải được chú trọng và có sự tham gia của các chuyên gia có chuyên môn sâu; giáo dục người dân nhận thức được các giá trị kiến trúc này và cùng tham gia giữ gìn các công trình tiêu biểu.

"TP nên lựa chọn các công trình đặc thù về vật liệu, phong cách... để bảo tồn thay vì đẩy hết các công trình kiến trúc Pháp thành di sản được công nhận để bảo hộ theo Luật di sản" - ông Luyện góp ý.

Triển lãm diễn ra đến ngày 27-10.

V.V.TUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên