13/12/2014 00:10 GMT+7

​Giải pháp nào gắn bảo tồn với phát triển cầu Long Biên

Nguồn: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Nguồn: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Buổi tọa đàm “Cầu Long Biên – giải pháp nào gắn bảo tồn với phát triển” do Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam tổ chức đã diễn ra vào ngày 10/12 tại Hà Nội.

Buổi tọa đàm đã thu hút sự tham gia của đông đảo các chuyên gia ngành kiến trúc, di sản, lịch sử và sự quan tâm của công luận.

Không còn nhiều bàn cãi về việc có nên hay không bỏ cầu Long Biên, hầu hết các chuyên gia đều nhất trí cho rằng bảo tồn cầu Long Biên là tất yếu. Tuy nhiên, bảo tồn ra sao, bảo tồn như thế nào lại là là vấn đề cần tính toán kỹ.

Cầu Long Biên được đưa vào sử dụng từ năm 1903, gồm 19 nhịp, tổng chiều dài gần 2.400m, với các dầm thép chịu lực.

Đã từ rất lâu, cầu Long Biên đã trở thành biểu tượng cho sự kiên cường, bất khuất của nhân dân Việt Nam, là hình ảnh không thể thiếu khi nói về Hà Nội.

Vì thế việc cải tạo cầu Long Biên sẽ theo hướng phát huy giá trị mang tính lịch sử và biểu tượng của cây cầu.

Nhiều ý kiến đóng góp nên bảo tồn cầu Long Biên theo hướng cầu Long Biên sẽ là bảo tàng và giao thông xanh; đường tàu hỏa trên phố Gầm Cầu - Phùng Hưng trở thành phố nghề nghệ thuật, vườn treo; bãi giữa sông Hồng biến thành công viên nghệ thuật; tháp nước Hàng Đậu là bảo tàng cổ vật; phía đầu cầu Gia Lâm sẽ có Tháp Sen - bảo tàng nghệ thuật…

Tuy nhiên, có chuyên gia cho rằng, ý tưởng cần thực tế, tính toán cụ thể và cân bằng giữa cái được và cái mất.

e3AhxMXx.jpg

Cầu Long Biên đến thời điểm này và trong các quy hoạch vẫn đang là một công trình giao thông mang những giá trị văn hóa, nghệ thuật, lịch sử. Nếu thực hiện những ý tưởng trên, chức năng giao thông khó có thể bảo đảm.

Bên cạnh đó, phần cầu sắt vượt sông và phần cầu dẫn trên cạn có giá trị sử dụng khác nhau. Đường sắt có thể không qua cầu Long Biên, nhưng phần cầu dẫn vẫn cần sử dụng.

Hàng ngày có hàng chục chuyến tàu đi qua, có thể làm phố nghề nghệ thuật và vườn treo dưới vòm cầu hay không? Đó là chưa kể Hà Nội có nhiều bảo tàng xây dựng quy mô, nhưng giá trị phục vụ cộng đồng, tác động với xã hội hạn chế. Do vậy, cần cân nhắc ý tưởng xây dựng bảo tàng trên cầu Long Biên cũng như những địa điểm xung quanh.

Về bãi giữa sông Hồng, nên hạn chế các công trình để giữ phần xanh, cái mà Hà Nội đang thiếu.

Đồng quan điểm cho rằng việc biến cầu Long Biên thành bảo tàng và phố đi bộ quá viễn vông, nhiều chuyên gia băn khoăn nếu chỉ sử dụng cầu Long Biên cho người đi bộ và phương tiện thô sơ sẽ gây lãng phí, trong khi nhu cầu kết nối giao thông đô thị hai bên sông rất lớn và theo quy hoạch vẫn cần cây cầu này.

Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm - Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội nhấn mạnh “Bảo tồn cầu Long Biên nguyên trạng hiện nay, đồng thời gia cố bền vững để giữ chức năng cầu. Đừng mang gánh nặng lớn khoác lên cầu Long Biên, bởi đây chỉ là một phần của quỹ di sản, không nhất thiết phải đem tất cả giá trị văn hóa, nghệ thuật của Hà Nội lên cầu: làng nghề, vườn treo, nghệ thuật... Việc bảo tồn và phát huy giá trị cầu Long Biên cần căn cứ vào quy hoạch của Hà Nội để có hướng phù hợp. Nếu không, mọi ý tưởng, dự án sẽ chỉ nằm trên giấy.”

Tại buổi tọa đàm còn nhiều ý kiến về cách bảo tồn cầu Long Biên được nêu ra, tuy nhiên ý tưởng chỉ là một phần, còn phương án thực hiện và ý tưởng nào khả thi để có thể biến thành hiện thực lại là việc khác.

Mặc dù chưa có kết luận cuối cùng nhưng buổi tọa đàm đã thống nhất được đa số ý kiến đó là bảo tồn cần chú trọng đến khả năng hiện thực chứ không nên lan man trong những ý tưởng xa vời để đặt thêm gánh nặng lên cây cầu vốn đã 100 tuổi.

Nguồn: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên