18/08/2012 09:30 GMT+7

"Chữa bệnh" đấu thầu thuốc

LÊ THANH HÀ
LÊ THANH HÀ

TT - Khi các bệnh viện công lập chưa đấu thầu cung ứng thuốc thì giá thuốc ở bệnh viện là những con số bí ẩn và khó kiểm soát. Năm 2006 các bệnh viện đấu thầu thuốc, người bệnh mừng và hi vọng được sử dụng thuốc với giá hợp lý. Thế nhưng tất cả đã thất vọng bởi thực tế sáu năm qua, giá thuốc trúng thầu ở một số bệnh viện vẫn trên trời.

Các bệnh viện có giá thuốc trúng thầu cao hơn bệnh viện khác luôn có nhiều lý do để giải thích. Các công ty dược tham gia đấu thầu cũng thanh minh vì sao họ bỏ thầu nơi này cao, chỗ kia thấp. Có hãng dược than thở dù quy định về đấu thầu thuốc khá chặt, có tiêu chí cụ thể về chất lượng, giá cả... nhưng bệnh viện vẫn có cách khéo léo để “loại“ nhà thầu này cho nhà thầu khác trúng. Chưa kể, khi chấm thầu hoặc bác sĩ kê toa vẫn chọn thuốc có giá cao, trong khi thuốc khác cùng hoạt chất có giá rẻ hơn được sản xuất bởi những công ty đạt chuẩn thực hành sản xuất thuốc tốt... theo tiêu chuẩn VN hoặc khu vực lại bị bỏ xó, dù thuốc này có trong danh mục thuốc trúng thầu. Bởi vậy, mỗi khi vào “mùa“ đấu thầu thuốc, người của các công ty dược phải “chạy thầu như bướm lượn“ bằng cách tới nhà các thành viên hội đồng thầu để vận động. Và sau mỗi “mùa” đấu thầu thuốc, một số lãnh đạo, trưởng khoa, bác sĩ của bệnh viện được công ty dược mời đi nước ngoài, đi du lịch tăng vọt...

Không thể chấp nhận cùng loại thuốc, cùng hàm lượng, cùng dạng bào chế như nhau, do cùng nhà sản xuất... nhưng khi cung ứng vào hai bệnh viện không cách nhau bao xa lại có giá khác nhau, có nơi vọt lên trời. Sự bất cập về giá thuốc đã đẩy bất lợi về phía người bệnh, dẫn đến sự bất bình đẳng trong chi trả tiền thuốc khi cùng bệnh giống nhau, phác đồ điều trị như nhau nhưng phải trả tiền thuốc khác nhau.

Làm sao chấm dứt tình trạng giá thuốc trúng thầu mỗi nơi một kiểu? Bao giờ có thuốc chất lượng, giá hợp lý để bớt gánh nặng cho bệnh nhân nghèo? Câu hỏi này đã được nhiều người đặt ra và Bộ Y tế cũng như sở y tế nhiều địa phương đưa ra nhiều biện pháp khắc phục như: bỏ đấu thầu đơn lẻ, đấu thầu tập trung; đấu thầu cung ứng thuốc theo từng nhóm chuyên khoa, từng cụm bệnh viện; thành lập các trung tâm phân phối thuốc vào bệnh viện không lợi nhuận; quy định và quản lý thặng số bán buôn tối đa toàn chặng từ đầu vào đến đầu ra... Thế nhưng những bất cập, tồn tại trong đấu thầu thuốc bệnh viện vẫn như căn bệnh mãn tính khó chữa.

Người bệnh phải gánh bao nhiêu tỉ đồng tiền thuốc bất hợp lý trong tổng trị giá tiền thuốc sử dụng thuốc tại VN? Con số này là không nhỏ khi chỉ riêng năm 2011 chi cho tiền thuốc lên đến 2,433 tỉ USD? Nếu cứ tồn tại chuyện cùng viên thuốc nhưng hai giá khác nhau có nghĩa là gánh nặng giá thuốc chưa thôi đè lên người bệnh khi họ phải chi trả cả cho khoản giá thuốc không hợp lý do hoạt động đấu thầu đã không đạt được mục tiêu. Chưa chấm dứt được nạn các công ty dược tác động tới người quản lý bệnh viện, tới thầy thuốc nhằm thúc đẩy việc kê đơn, sử dụng thuốc theo ý đồ của họ thì có đấu thầu thuốc theo kiểu gì cũng không mang lại hiệu quả như mong muốn. Để kéo dài tình trạng đấu thầu nhưng giá thuốc vẫn cao là có lỗi lớn với người bệnh, vì giá thuốc cao cũng hạn chế cơ hội được điều trị bệnh, nhất là với những bệnh nhân nghèo.

LÊ THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên