06/09/2021 20:07 GMT+7

Chủ tịch UBND TP.HCM trả lời trực tuyến: 'Vùng xanh được đi chợ 1 tuần/lần, mở dần một số dịch vụ'

TIẾN LONG - TUYẾT MAI - THẢO LÊ - ĐAN THUẦN
TIẾN LONG - TUYẾT MAI - THẢO LÊ - ĐAN THUẦN

TTO - Tối 6-9, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi tham dự chương trình livestream 'Dân hỏi - Thành phố trả lời' và trực tiếp chia sẻ với người dân về những định hướng, kế hoạch của thành phố trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 sau ngày 15-9.

Chủ tịch UBND TP.HCM trả lời trực tuyến: Vùng xanh được đi chợ 1 tuần/lần, mở dần một số dịch vụ - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP.HCM đang trả lời trực tuyến về định hướng của TP sau 15-9 - Ảnh chụp màn hình

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi tham dự chương trình "Dân hỏi - Thành phố trả lời" ngay sau hội nghị mở rộng đánh giá 14 ngày thực hiện (từ ngày 23-8 đến ngày 5-9) và định hướng hoạt động trong thời gian tới của Ban thường vụ Thành ủy

Trong chương trình, ông trực tiếp chia sẻ thông tin với người dân về những định hướng, kế hoạch của thành phố trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 sau ngày 15-9-2021. 

Tiếp tục giãn cách tới 15-9

Mở đầu, ông Mãi chia sẻ suy nghĩ khi nhận nhiệm vụ làm chủ tịch UBND TP.HCM trong bối cảnh TP rất khó khăn do dịch COVID-19. Theo ông, trước Hội đồng nhân dân, trước cử tri TP, ông hứa đem hết sức cùng tập thể UBND TP, trước hết là phòng chống dịch cho hiệu quả, cải thiện được tình hình, ngăn chặn được dịch bệnh, thực hiện được mục tiêu giảm ca tử vong, chăm lo an sinh cho bà con.

"Tôi cùng các ngành chức năng, các nhà khoa học xây dựng kế hoạch bài bản hơn, hiệu quả hơn để TP thích ứng trong điều kiện có dịch và phục hồi kinh tế - xã hội khi tình hình dịch cải thiện hơn", ông khẳng định.

Chủ tịch UBND TP.HCM trả lời trực tuyến: Vùng xanh được đi chợ 1 tuần/lần, mở dần một số dịch vụ - Ảnh 2.

"Nới lỏng giãn cách nếu không đảm bảo an toàn, không đảm bảo tính mạng của người dân thì không có ý nghĩa" - Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi - Ảnh chụp màn hình

Đối với câu hỏi được đông đảo người dân quan tâm: "Bao giờ TP nới lỏng giãn cách, tại sao TP giãn cách hoài mà vẫn không hết dịch?", Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho biết dịch kéo dài có những nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan: chủng virus Delta diễn biến rất phức tạp mà chúng ta chưa hiểu hết, lây lan nhanh, đôi lúc sự ứng phó của chúng ta chưa kịp thời. 

Sau này khi chúng ta hiểu được phần nào quy luật của nó thì chúng ta tiến hành biện pháp giãn cách, ở một số nơi chúng ta làm kịp thời, triệt để thì tình hình có cải thiện nhưng một số địa bàn chúng ta làm chưa được nghiêm lắm, dẫn đến dịch lây lan.

Thời gian gần đây chúng ta thực hiện giãn cách nghiêm, khẩn trương xét nghiệm để tìm F0, tách F0 ra khỏi phần còn lại để ngăn nguồn lây thì có diễn biến tốt. "Tôi tin nếu chúng ta thực hiện tốt các biện pháp này, tập trung quyết liệt, đồng bộ hơn thì sẽ cải thiện được tình hình", ông nói.

Vậy khi nào hết giãn cách? Ông cho biết: Chúng ta sẽ phải còn giãn cách khi tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Khi nào nới lỏng thì phụ thuộc vào diễn biến của dịch bệnh, không thể nói đến 15-9, hết tháng 9 hay tháng 10 - một mốc thời gian cụ thể được. 

Ông nhấn mạnh: Nới lỏng giãn cách nếu không đảm bảo an toàn, không đảm bảo tính mạng của người dân thì không có ý nghĩa. Giãn cách để tập trung xét nghiệm, khi phát hiện F0 rồi phải kịp thời tập trung, điều trị và phải tập trung tiêm vắc xin. Sau khi tiêm 14 ngày, người được tiêm sẽ có kháng thể. Đó là những nội dung TP đang tập trung thực hiện.

Nới lỏng giãn cách phải dựa trên an toàn, an toàn tới đâu, nới lỏng tới đó. Thời gian sắp tới TP phải chuẩn bị tinh thần sống chung với dịch bệnh, đảm bảo mục tiêu bảo vệ sức khỏe của người dân.

Trao đổi về vấn đề mở cửa thế nào cho an toàn, ông Mãi cho biết việc mở cửa sẽ dựa trên nguyên tắc mở cửa dần dần và an toàn đến đâu mở đến đó. Thời gian sắp tới, TP xác định người dân phải sống trong điều kiện có dịch bệnh. 

Tùy điều kiện, tình hình thực tế, TP sẽ quyết định nới lỏng hay thắt chặt. Muốn như vậy kế hoạch mở cửa phải chuẩn bị, chứ không phải mở không có nguyên tắc. Mở cửa theo từng bước, có nguyên tắc thì sẽ đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân và đảm bảo tốt cho phục hồi hoạt động sản xuất.

Theo ông Mãi, từ đây đến ngày 15-9, TP vẫn tiếp tục áp dụng các biện pháp như từ ngày 23-8 đến nay. Tuy nhiên, có hai điều khác là các chuỗi cung ứng hàng hóa (siêu thị) sẽ mở đến xã phường, thị trấn. Mặt khác trong những khu vực vùng đỏ, shipper sẽ đi chợ thay người dân, còn vùng xanh người dân được đi chợ 1 tuần/lần, khuyến khích những người đi chợ là người đã tiêm 2 mũi vắc xin.

Ngoài ra từ nay đến 15-9, ở những vùng xanh sẽ thí điểm dịch vụ bán thức ăn mang về. Sau ngày 15-9, TP sẽ mở lại những hoạt động an toàn. Thời điểm nào, địa bàn nào, ngành nghề nào được mở tùy thuộc vào tình hình dịch trên từng địa bàn, đó là tình hình lây nhiễm, số ca chuyển nặng và tử vong, khả năng điều trị của y tế.

Nhóm chuyên gia về dịch tễ đang hoàn thiện bộ tiêu chí, có người đề xuất đánh giá theo số ca nhiễm, có người đề xuất đánh giá theo số ca tử vong và sức chịu đựng của ngành y tế, nếu chạm ngưỡng khả năng điều trị tối đa thì cảnh báo để TP quyết định có mở cửa hay không. Bên cạnh đó, còn một điều kiện nữa là tình hình tiêm vắc xin.

Chủ tịch UBND TP.HCM trả lời trực tuyến: Vùng xanh được đi chợ 1 tuần/lần, mở dần một số dịch vụ - Ảnh 3.

Theo chủ tịch UBND TP, sắp tới đây, ở vùng đỏ, shipper sẽ đi chợ thay người dân, còn vùng xanh người dân được đi chợ 1 tuần/lần - Ảnh: TỰ TRUNG

Về định hướng mở ngành nghề, chủ tịch UBND TP cho biết địa bàn nào an toàn sẽ mở nhiều hoạt động và những hoạt động an toàn cho người tham gia sẽ được mở lại.

Theo ông Mãi, sau 15-9, nếu tình hình dịch được kiểm soát, TP dự kiến sẽ mở cửa một số ngành kinh doanh như hoạt động thương mại điện tử thông qua shipper, trang thiết bị phục vụ y tế, lương thực thực phẩm, cửa hàng xăng dầu, gas, công trường xây dựng, cung cấp vật liệu xây dựng…

Về định hướng các giai đoạn phòng, chống dịch, ông Phan Văn Mãi cho biết Chính phủ có nghị quyết đến 15-9, TP.HCM kiểm soát dịch bệnh, TP đang tập trung để đạt được mục tiêu này. Cụ thể TP sẽ tiếp tục giãn cách, xét nghiệm tách F0, điều trị chăm sóc F0, giảm tử vong, tiêm vắc xin và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.

Theo ông Mãi, nếu đến 15-9 tình hình dịch giảm thì sau 15-9 TP sẽ có lộ trình để nới lỏng giãn cách. TP đang đánh giá lại mức độ dịch và chuẩn bị các phương án để đạt được các mục tiêu.

Về lâu dài, TP.HCM có vị trí rất quan trọng, làm sao có chiến lược phát triển TP xứng tầm, khi dịch được cải thiện chúng ta sẽ thảo luận với nhau để có chiến lược bài bản, huy động tất cả nguồn lực của TP.HCM, của cả nước vì sự phát triển của TP. "Đến giờ chũng tôi vẫn đang tập trung thực hiện lời hứa của mình", ông nói.

Trả lời câu hỏi nếu tiêm đủ 2 mũi vắc xin có được tự do đi lại, ông Mãi cho rằng chúng ta đang sống thời kỳ có dịch, mọi sinh hoạt và sản xuất diễn ra phải có điều kiện và vắc xin là một trong những điều kiện đó.

Bên cạnh việc tiêm 2 mũi vắc xin thì phải đáp ứng các điều kiện khác như 5K, không tụ tập đông người, vẫn phải đeo khẩu trang… Bởi theo ông Mãi, tiêm đủ 2 mũi vắc xin sẽ sinh kháng thể nhưng không có nghĩa là không bị nhiễm và nhiễm thì cũng có tỉ lệ ít sẽ chuyển nặng. Do đó 2 mũi vắc xin không phải là điều kiện duy nhất, mà phải đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Cố gắng đưa gói an sinh tới người dân 

Chủ tịch UBND TP.HCM trả lời trực tuyến: Vùng xanh được đi chợ 1 tuần/lần, mở dần một số dịch vụ - Ảnh 4.

Cán bộ phường Tân Sơn Nhì (quận Tân Phú) hỗ trợ thực phẩm cho người dân ở trọ - Ảnh: VŨ THỦY

Về an sinh cho người dân, ông cho biết đến giờ này ngân sách TP đã chi gần 4.800 tỉ, nguồn vận động 1.200 tỉ để hỗ trợ người dân...

MC Quyền Linh chia sẻ thời gian qua trang cá nhân của anh nhận được rất nhiều câu hỏi và có đến khoảng 15.000 câu hỏi của người dân, liên quan đến các gói hỗ trợ, túi an sinh, nhiều người đặt câu hỏi "biết phải sống như thế nào sau 15-9?".

Ông Mãi chia sẻ: mỗi người dân đến với TP này lao động đều có đóng góp cho TP, khi bình thường đây là lực lượng đóng góp vào sự phát triển của TP, đóng góp cho ngân sách của TP. Nhưng khi dịch bệnh diễn biến phức tạp thì họ mất thu nhập, ban đầu họ còn tiền tiết kiệm, lúc sau thì hết khoản tiết kiệm và khó khăn.

Ban đầu TP có nghị quyết 09 để hỗ trợ cho một nhóm đối tượng, ban đầu thấy nhóm đối tượng này khó khăn thì mình hỗ trợ, nhưng TP nhận thấy chưa đủ. Sau đó TP tiếp tục ra một gói thứ 2 nhưng vẫn chưa đủ, số lượng thống kê cũng chưa chính xác, chưa đủ về đối tượng và chưa đủ về số lượng.

Quan điểm của lãnh đạo TP, tất cả những người bị kẹt lại không về quê được, ai mất việc, không có thu nhập, khó khăn đều thuộc đối tượng được hỗ trợ. Lúc ban đầu xác định hỗ trợ theo người, sau đó đợt 2 hỗ trợ theo hộ. Gói 1,5 triệu/người trước đây và gói 1,5 triệu/hộ cũng chỉ giúp được một phần cho người dân. Bên cạnh đó, TP cũng có những túi an sinh, hỗ trợ gạo cho người dân vượt qua khó khăn. 

"Nhân chương trình này, tôi xin cảm ơn tấm lòng bà con cả nước đã chia sẻ với người dân TP", ông Mãi chia sẻ.

Ông Mãi cho biết thêm, TP đang tính toán, nếu dịch vẫn kéo dài thì TP sẽ tiếp tục hỗ trợ cho người dân. Sau 15-9, TP sẽ tiếp tục xây dựng chính sách cho các gói tiếp theo để hỗ trợ người dân, dự kiến sẽ phát mỗi người 15kg gạo một tháng, hỗ trợ tiền mặt, hỗ trợ tiền điện, tiền nước, vận động giảm tiền trọ...

Liên quan gói hỗ trợ, người dân thắc mắc đến thời điểm này nhiều người chưa nhận được hỗ trợ, chủ tịch UBND TP cho biết theo kế hoạch đến ngày 6-9 này phải phát xong, nhưng do nhiều lý do nên chưa thực hiện trọn vẹn, TP yêu cầu địa phương tăng tốc để hoàn thành gói đợt 2 này.

Về thắc mắc gói hỗ trợ phát chưa đúng đối tượng, ông cho biết: "Chúng tôi đã tiến hành kiểm tra và xử lý một số nơi phát sai, cũng có trường hợp thống kê sót, bà con liên hệ phường xã để được lập danh sách. Những trường hợp nào bà con khó khăn, mất việc thì phường xã phải lập danh sách hỗ trợ.

Không để một người nào không nhận được hỗ trợ, thiếu đói, đó là mục tiêu của chính quyền TP. Nhưng đối với TP hơn chục triệu dân thì vẫn còn thiếu sót. TP xin nhận khuyết điểm với bà con. Trước đây, tôi có đề nghị trường hợp bà con chưa được thống kê thì bà con liên lạc bằng điện thoại đến tổ trưởng, khu phố, đến phường. Nếu phát sinh TP sẽ cấp thêm", ông nói.

Về app An sinh, ông Mãi cho rằng đây là một giải pháp giải quyết nhược điểm bỏ sót người cần được hỗ trợ; giải ngân an sinh xã hội sắp tới thì địa phương sẽ thông qua app này, ai được cấp rồi, ai chưa đều thể hiện rõ, sẽ không còn bị trùng và không bị sót...

Sẽ có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất

Về vẫn đề hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, ông Mãi cho biết đây là vấn đề rất lớn, không chỉ có chủ doanh nghiệp mà trong các sản xuất kinh doanh cũng có việc làm của một bộ phận lao động.

Khó khăn thứ nhất là vốn, vay ngân hàng thì lãi suất như thế nào? TP đã có kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước, có chính sách giảm nợ, lãi vay. Bên cạnh đó, TP cũng có những cuộc đối thoại thường xuyên giữa ngân hàng, doanh nghiệp, người vay... kiến nghị hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ nguồn vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Khó khăn thứ hai là lao động, lao động về quê không thể trở lại trong lúc này, TP sẽ phối hợp với các địa phương giải quyết.

Thứ ba là tiêm vắc xin cho lao động để có nguồn lao động cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Vấn đề nữa là thuê mặt bằng, TP cũng có gói chính sách hỗ trợ chi phí mặt bằng, điện, nước...

"Trong kế hoạch phục hồi có chính sách nào của TP, chính sách nào của trung ương, chúng tôi trao đổi với các hiệp hội để có chính sách sát nhất", ông nói.

Chủ tịch UBND TP.HCM trả lời trực tuyến: Vùng xanh được đi chợ 1 tuần/lần, mở dần một số dịch vụ - Ảnh 5.

Người trên 65 tuổi nhận chứng nhận tiêm vắc xin mũi 2 tại quận 11 chiều 6-9 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Nhiều người dân hỏi sau 15-9, nếu đã chích đủ 2 mũi vắc xin họ có được về quê? Ông Mãi nói không phải TP không cho người dân về, mà do tình hình dịch phức tạp, quy định chung về phòng chống dịch là người dân không di chuyển từ vùng dịch qua địa phương khác.

Thời gian qua TP đã phối hợp các địa phương, hỗ trợ xe đưa bà con về quê. Nhưng nhiều địa phương khả năng đón nhận có hạn, bà con về phải đi cách ly tập trung... nên số lượng người được đón về hạn chế. 

Ông nhấn mạnh tùy khả năng tiếp nhận của địa phương, người dân có nhu cầu về có thể liên hệ địa phương, TP sẽ phối hợp địa phương đưa bà con về.

Về thông tin TP gặp khó khăn về vắc xin khi tiêm mũi 2, đặc biệt là Moderna, ông Mãi cho biết đến nay nguồn vắc xin TP có trong tay để tiêm mũi 1 đạt được trên 90%. Những bà con nào chưa tiêm thì liên hệ với địa phương nơi mình cư trú để được tiêm.

Hiện tại, hôm qua 5-9 TP tiêm được 80.000 mũi, ngày nay có thể trên 100.000. Mũi 2 thì TP đã bàn với Bộ Y tế, đảm bảo ai đến thời gian tiêm mũi 2 thì đảm bảo nguồn vắc xin tiêm cho người dân, do đó bà con không nên băn khoăn về việc này. 

TP nhất quán việc tiêm vắc xin là tự nguyện và minh bạch. TP trong truyền thông của mình đều nhấn mạnh tiêm vắc xin để có kháng thể, nếu có lỡ nhiễm virus thì cũng giảm nguy cơ chuyển nặng, giảm nguy cơ tử vong, người dân ý thức việc tiêm vắc xin để bảo vệ sức khỏe mình thì tự nguyện quyết định tiêm.

Về việc huy động F0 đã khỏi bệnh tham gia chống dịch, ông cho biết hiện nay nhiều F0 đã khỏi bệnh muốn đến các cơ sở y tế để giúp đỡ các F0 khác. Từ thực tiễn này, TP Thủ Đức đã phối hợp Hội Doanh nhân trẻ triển khai chương trình tuyển dụng các F0 đã khỏi bệnh hỗ trợ công tác phòng chống dịch. Các F0 đã khỏi bệnh này có thể làm việc tại các cơ sở như hộ lý, chăm sóc F0 hoặc có thể các công việc như điều dưỡng.

Mô hình này được đánh giá là có hiệu quả tốt, chia sẻ được khối lượng cũng như áp lực cho các lực lượng y tế. Do đó, UBND TP đã ký kế hoạch huy động các F0 đã khỏi bệnh tham gia các cơ sở y tế để chăm sóc các F0 khác. 

Nếu các F0 đã phục hồi và đủ điều kiện, có nguyện vọng có thể đăng ký để bố trí công việc phù hợp, vừa có việc làm vừa giúp được F0 khác. Sở Y tế thông qua phòng tổ chức cán bộ đang mở cổng để các F0 khỏi bệnh đăng ký.

Trước khi kết thúc chương trình, khi được hỏi về việc xuất hiện trên sóng trực tuyến, ông Mãi nói nhiều người sẽ cân nhắc có nên trả lời trực tuyến hay không, nhưng ông cho rằng TP có trách nhiệm báo cáo với người dân những công việc đã làm và sẽ làm. Người dân sẽ giám sát những hoạt động này của TP.

Qua sóng trực tuyến, có thể nhiều câu trả lời chưa thỏa mãn được mong muốn của người dân. Ông mong được người dân góp ý và mong muốn có cơ hội trao đổi trực tiếp với người dân ở những chủ đề mà mọi người quan tâm.

Chủ tịch UBND TP.HCM trả lời trực tuyến: Vùng xanh được đi chợ 1 tuần/lần, mở dần một số dịch vụ - Ảnh 7.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đến tham dự chương trình livestream 'Dân hỏi - Thành phố trả lời' tối 6-9 - Ảnh: ĐAN THUẦN

Chủ tịch UBND TP.HCM trả lời trực tuyến: Vùng xanh được đi chợ 1 tuần/lần, mở dần một số dịch vụ - Ảnh 8.

MC Quyền Linh trao đổi với Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trước khi chương trình phát sóng - Ảnh: ĐAN THUẦN

Chủ tịch UBND TP.HCM trả lời trực tuyến: Vùng xanh được đi chợ 1 tuần/lần, mở dần một số dịch vụ - Ảnh 9.

Đội ngũ kỹ thuật chuẩn bị cho chương trình - Ảnh: ĐAN THUẦN

Trước đó, thông tin về chương trình "Dân hỏi - Thành phố trả lời" tại buổi họp báo chiều nay, ông Từ Lương - phó giám đốc Sở Thông tin và truyền thông - cho biết chương trình đã đáp ứng được những nguyện vọng, mong muốn của người dân TP trong giai đoạn thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

Đó cũng là thông điệp thể hiện sự lắng nghe người dân, chia sẻ với người dân thông qua các hình thức truyền thông khác nhau.

"Đây là lần đầu tiên chủ tịch UBND TP tương tác trực tiếp với người dân. Sau 10 số chúng tôi triển khai thực hiện, đã có 4,1 triệu lượt xem; nhận hơn 120.000 lượt bình luận và hơn 1,6 triệu lượt đăng ký nhận hỗ trợ thuốc men, thực phẩm từ người dân.

Tối nay là chương trình đặc biệt để khép lại cao điểm từ 23-8 đến 6-9, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi trực tiếp dự, tương tác và chia sẻ với người dân về định hướng kế hoạch của TP về công tác phòng, chống dịch giai đoạn sau ngày 15-9", ông Từ Lương thông tin.

Chương trình livestream "Dân hỏi - Thành phố trả lời" do Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM phối hợp Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và truyền thông) tổ chức từ ngày 24-8 đến nay, mục đích để chính quyền thành phố lắng nghe, đối thoại, giải đáp những nhu cầu, bức xúc, nguyện vọng của người dân.

TP.HCM: Đến 15-9, người dân vùng đỏ, cam phải được xét nghiệm ít nhất 3 lần TP.HCM: Đến 15-9, người dân vùng đỏ, cam phải được xét nghiệm ít nhất 3 lần

TTO - Để phát hiện triệt để các ca nhiễm trong cộng đồng, phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15-9, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM yêu cầu các quận, huyện và TP Thủ Đức tiếp tục triển khai xét nghiệm liên tục.

TIẾN LONG - TUYẾT MAI - THẢO LÊ - ĐAN THUẦN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên