Người dân đi chợ Bình Điền phải đeo khẩu trang, khai báo y tế và được đo thân nhiệt - Ảnh: NHẬT THỊNH
Đó là chỉ đạo mới của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đối với sở ngành, quận huyện tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM chiều 25-6.
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, một điểm mới là số ca nhiễm tại chợ đầu mối, truyền thống tăng do có sự tiếp xúc lớn.
Trước tình hình này, trên cơ sở ý kiến của Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình và Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, trên tinh thần siết chặt các biện pháp cấp bách, ông Phong yêu cầu các sở ngành, quận huyện phải đánh giá lại việc triển khai thực hiện các giải pháp đã nêu, đề ra những giải pháp quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn trong 5 ngày tới.
Riêng chợ truyền thống, nên tính toán, nghiên cứu mô hình quận 8 đang áp dụng. Có thể luân phiên có những hộ bán 1 ngày.
Chợ đầu mối phải có phương án hoạt động cụ thể; giao giám đốc Sở Công thương TP.HCM làm việc với UBND quận 8, huyện Hóc Môn, TP Thủ Đức, yêu cầu các hộ kinh doanh phải ký bộ tiêu chí an toàn, nếu vi phạm dừng kinh doanh.
Trước đó, tại cuộc họp, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cho rằng cần tính toán cấm các chợ truyền thống để phòng chống dịch COVID-19.
Theo phó thủ tướng, công tác phòng chống dịch COVID-19 của TP.HCM thời gian qua đạt kết quả nhất định nhưng tình hình còn diễn biến phức tạp. Các giải pháp trong chỉ thị 10 của UBND TP.HCM so với chỉ thị 16 của Thủ tướng tương tự, chỉ có điều chợ chưa cấm.
"Bây giờ các chợ có cấm hay không? Tôi thấy cần kiên quyết hơn nữa, cấm luôn. Phải cắn răng mà chịu, cần triệt để các biện pháp", ông Bình nói.
Phó thủ tướng cho rằng TP.HCM tuyệt đối không chủ quan, mặc dù chỉ thị số 10 của UBND TP có tác dụng nhất định nhưng dịch bệnh rất phức tạp.
Chỉ thị 10 của UBND TP có mức độ cơ bản giống với chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, chỉ chưa cấm chợ truyền thống. Cần có giải pháp kiên quyết hơn nữa.
Lấy bài học kinh nghiệm rút ra từ Trung Quốc từ chợ hải sản lây lan dịch bệnh lớn, phó thủ tướng Chính phủ tán thành việc cấm chợ truyền thống. Bởi nếu kiểm soát không khéo sẽ mất kiểm soát, do hiện nay xuất hiện nhiều ca nhiễm từ các khu chợ có mật độ giao thương lớn.
Tuy nhiên, ông đề nghị thực hiện các biện pháp quyết liệt nhưng phải đảm bảo các chuỗi cung ứng hàng hóa.
Trung tâm Y tế quận 8 lấy mẫu xét nghiệm tầm soát COVID-19 cho tiểu thương buôn bán tại chợ Bình Đông - Ảnh: Trung tâm Y tế quận 8
Trước đó, Bộ Y tế sáng 25-6 thông báo ghi nhận thêm 57 ca COVID-19 tại TP.HCM, trong đó 19 ca liên quan chợ đầu mối Bình Điền và 6 ca liên quan chợ Sơn Kỳ.
Như vậy, tính đến sáng nay 25-6, quận Tân Phú đã ghi nhận 64 trường hợp nhiễm liên quan đến chợ Sơn Kỳ. Chuỗi lây nhiễm này được phát hiện từ ca chỉ điểm là BN13432 và BN13435, có liên quan đến chuỗi lây tại chợ đầu mối Hóc Môn.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), trước diễn biến của dịch COVID-19 tại chợ Sơn Kỳ, ngành y tế đã tổ chức lấy mẫu xét nghiệm khẩn diện rộng gồm 4 địa điểm với số lượng 30.000 mẫu cho người dân xung quanh khu chợ Sơn Kỳ ngay trong ngày 23-6 nhằm giúp rà soát, phát hiện sớm những mầm bệnh còn tiềm ẩn trong cộng đồng, chặn đứng nguồn lây.
Lực lượng chức năng cũng tổ chức phong tỏa mở rộng khu vực chợ Sơn Kỳ gồm 250 hộ và gần 1.000 nhân khẩu, tổ chức phun khử khuẩn khu chợ Sơn Kỳ.
Ngành y tế cũng đã thông báo những người buôn bán hoặc từng đến chợ Sơn Kỳ từ ngày 1-6 nhanh chóng khai báo y tế tại địa phương nơi cư trú để được hướng dẫn các biện pháp phòng chống lây nhiễm.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận