30/06/2017 06:41 GMT+7

​Chủ tịch Tập Cận Bình nói gì về tương lai Hong Kong?

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Tương lai của nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ” là điểm thu hút sự chú ý rất lớn khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Hong Kong.

Chủ tịch Tập Cận Bình và Phu nhân Bành Lệ Viện đáp chuyến bay xuống Hong Kong ngày 29-6 - Ảnh: Reuters
Chủ tịch Tập Cận Bình và Phu nhân Bành Lệ Viện đáp chuyến bay xuống Hong Kong ngày 29-6 - Ảnh: Reuters

Ngày 29-6, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đáp chuyến bay xuống Hong Kong, nơi ông sẽ có ba ngày ghé thăm đặc khu hành chính này lần đầu tiên trên tư thế người đứng đầu nhà nước Trung Quốc.

Đây là chuyến đi diễn ra vào thời điểm kỷ niệm 20 năm ngày Trung Quốc tiếp quản Hong Kong từ tay người Anh (ngày 1-7-1997).

“Hong Kong đã luôn nằm sâu lắng trong tim tôi. Chúng ta sẵn sàng, sát cánh với những khía cạnh khác của xã hội Hong Kong, nhìn lại quãng đường đặc biệt của 20 năm qua ở nơi đây, rút ra kết luận từ kinh nghiệm, nhìn về ngày mai và đảm bảo ‘một quốc gia, hai chế độ’ là tương tai ổn định và có ảnh hưởng sâu rộng”, hãng tin Reuters dẫn lời ông Tập Cận Bình.

“Một quốc gia, hai chế độ” là nguyên tắc Trung Quốc áp dụng cho Hong Kong, theo thỏa thuận tiếp quản lãnh thổ này từ người Anh.

Theo đó Trung Quốc vẫn là một quốc gia thống nhất, toàn vẹn bao gồm Hong Kong, nhưng Hong Kong được duy trì hệ thống chính trị hoạt động theo kiểu tư bản, được tự do về điều hành, tiền tệ, giáo dục... cho đến năm 2047, tức “ít nhất 50 năm” từ ngày giao trả 1997.

Tuy nhiên trong vài năm nay, xuất hiện nhiều dấu hiệu cho thấy sự bất mãn của Hong Kong dâng cao, đặc biệt ở lớp trẻ.

Luồng ý kiến phản đối cho rằng chính quyền Bắc Kinh can thiệp quá nhiều vào Hong Kong, trong đó có vấn đề nhân quyền và nhân sự cũng như cách thức bầu cử.

Năm 2014, cuộc biểu tình của thủ lĩnh sinh viên Hoàng Chi Phong ở Hong Kong tập trung giới trẻ đòi dân chủ thực sự đã thu hút sự chú ý cao độ của dư luận quốc tế.

Các ý kiến chống đối Trung Quốc ở Hong Kong có quan điểm rằng Bắc Kinh không tôn trọng cam kết duy trì hiện trạng của Hong Kong trong 50 năm như đã hứa.

Suốt thời gian vừa qua, cũng như trong phát biểu khi đặt chân xuống Hong Kong, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng không nhắc tới tương lai Hong Kong sau năm 2047.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên