Theo Văn phòng Quốc hội, nhận lời mời của Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc Triệu Lạc Tế, sáng 7-4, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Hà Nội, lên đường thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 7 đến 12-4.
Trung Quốc rất coi trọng chuyến thăm
Tham gia đoàn có Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà.
Cùng với đó là Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Phạm Hoài Nam, Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn Nguyễn Quốc Đoàn, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ.
Cùng tham gia đoàn có Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai; lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương.
Trước đó, trả lời báo chí, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai khẳng định chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có ý nghĩa quan trọng trong việc duy trì giao lưu, tiếp xúc cấp cao, định hướng chiến lược cho quan hệ song phương cũng như cụ thể hóa nhận thức chung giữa lãnh đạo cao nhất hai Đảng, hai nước.
Ông Mai cho hay chuyến thăm cũng nhằm cụ thể hóa sáu phương hướng hợp tác lớn giữa hai nước, đặc biệt là thúc đẩy "tin cậy chính trị cao hơn" và củng cố "nền tảng xã hội vững chắc hơn".
Đây chính là "6 hơn" được nêu trong tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc sau chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình.
Ông hy vọng chuyến thăm sẽ góp phần làm sâu sắc, nâng cao hiệu quả hợp tác giữa cơ quan lập pháp hai nước. Đồng thời khẳng định vai trò rất quan trọng của đối ngoại Quốc hội Việt Nam đối với sự nghiệp phát triển đất nước.
Còn trong cuộc phỏng vấn với báo chí Việt Nam tại Hà Nội hôm 5-4, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba chia sẻ nước này rất mong chờ và coi trọng chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Ông chia sẻ đây là chuyến thăm đầu tiên của một lãnh đạo chủ chốt Việt Nam đến Trung Quốc sau khi hai nước tuyên bố xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược (đạt được trong chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tháng 12-2023).
Đây cũng là cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên giữa Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc Triệu Lạc Tế.
Dự kiến, hai nhà lãnh đạo sẽ đi sâu trao đổi kinh nghiệm trong lập pháp, chứng kiến một thỏa thuận hợp tác mới giữa Quốc hội hai nước và xây dựng cơ chế đối thoại cấp cao mới giữa cơ quan lập pháp Việt Nam - Trung Quốc.
Cơ hội vượt xa thách thức
Đại sứ Hùng Ba chia sẻ giống như bất kỳ mối quan hệ song phương nào, quan hệ Trung Quốc - Việt Nam cùng tồn tại cơ hội và thách thức, không thể chỉ có cơ hội mà không có thách thức.
"Tôi nghĩ đặc điểm nổi bật nhất của quan hệ Trung Quốc - Việt Nam là cơ hội vượt xa thách thức và thông qua nỗ lực của cả hai bên, một số thách thức có thể được quản lý một cách hiệu quả và chuyển hóa thành cơ hội hợp tác trong những điều kiện nhất định", ông nói.
Cơ hội lớn nhất, theo ông Hùng Ba, chính là việc cả hai bên đều kiên trì thực hiện chỉ đạo chiến lược của lãnh đạo cao nhất của hai Đảng và sự dẫn dắt chính trị trong quan hệ giữa hai Đảng đối với quan hệ hai nước.
Tình hữu nghị truyền thống giữa Trung Quốc và Việt Nam được các thế hệ lãnh đạo tiền bối của hai Đảng, trong đó có Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông đích thân xây dựng và dày công vun đắp là tài sản quý báu của hai bên, góp phần giúp hai nước không ngừng tăng cường hợp tác, thúc đẩy phát triển.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, trong khi năm vừa qua Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Trung Quốc.
Ông khẳng định Trung Quốc kiên định ủng hộ Việt Nam đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng như sẵn sàng tham gia tích cực vào quá trình chuyển đổi và nâng cấp nền kinh tế của Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận