Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh - Ảnh: PHẠM THẮNG
Sáng 12-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào báo cáo sơ kết ba năm thực hiện nghị quyết số 115 về cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với Hà Nội.
Nêu ý kiến thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao và ghi nhận Hà Nội chủ động có sơ kết việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội.
Ông khẳng định nghị quyết là cần thiết, quá trình thực hiện đã cho thấy tính đúng đắn, hỗ trợ thiết thực trong phát triển kinh tế - xã hội cho trung tâm lớn của đất nước.
Theo ông Huệ, bên cạnh một số chính sách đi vào cuộc sống khá nhanh, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, tác động của đại dịch ảnh hưởng đến việc thực hiện một số chính sách chưa thực sự đồng đều, hiệu quả chưa cao, tác động còn hạn chế.
Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ hạn chế trong thực hiện một số chính sách là tình hình chung không chỉ ở Hà Nội, TP.HCM, mà các địa phương khác cũng vậy.
Trong đó như thu phí dừng đỗ ô tô, Chủ tịch Quốc hội cho rằng nếu như Hà Nội quản lý tốt chi phí thu phí dừng, đỗ ô tô thì nguồn lực không ít.
Nhưng hiện nay lại chuyển sang cơ chế khoán thu phí sử dụng hè phố cho doanh nghiệp tư nhân quản lý, và vướng mắc sử dụng công nghệ thông tin trong việc thu phí dừng, đỗ ô tô.
Ông nêu khoản tiền thu phí dừng, đỗ ô tô không được tập trung vào như khoản thu của Nhà nước để quay lại đầu tư phục vụ cho hạ tầng. Trong khi thực tế người dân, doanh nghiệp sử dụng ô tô vẫn phải trả phí dừng, đỗ ô tô, và khi Nhà nước không quản lý vẫn phải trả cho tư nhân cao hơn. Thậm chí vào dịp lễ, Tết người ta còn tăng giá trông giữ xe lên rất cao.
Do đó theo Chủ tịch Quốc hội, nếu thành phố tăng cường quản lý tốt sẽ giữ được mức phí, giá, thậm chí còn giảm thấp hơn để giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, chi phí cho người dân và việc dừng đỗ, thoải mái hơn.
"Hơn thế động viên được nguồn thu đó vào ngân sách thành phố và quay trở lại đầu tư vào kết cấu hạ tầng", ông Huệ nêu.
Báo cáo sau đó về vấn đề phí, ông Thanh nói thành phố từng làm một thời gian, nhưng trục trặc về kỹ thuật và dịch COVID-19 nên bị lơ đãng.
Từ thực tế việc làm rất quyết liệt vấn đề mã định danh cá nhân trong thời gian qua, ông Thanh đề nghị có thể xem xét ở cấp độ nào đó, quy định trong luật hay nghị định rằng mỗi ô tô nên có định danh riêng. Như vậy nên quy định bắt buộc mỗi xe phải có một thẻ và có số dư trong tài khoản.
"Tôi nghe một số nơi nói, bây giờ dân nghèo lắm, làm gì có tiền số dư trong tài khoản để quẹt phí. Tôi bảo nghèo thì nghèo, tiền đi vay được nhưng anh phải nhận thức đủ về pháp luật. Sao có chuyện lấy nghèo ra để không thực hiện nghĩa vụ", ông Thanh nói.
Chủ tịch Hà Nội cũng chỉ rõ nếu có thẻ, có tài khoản sẽ làm được rất nhiều việc, kể cả việc thu phí vào thời gian cao điểm vào nội đô.
"Luật pháp cần yêu cầu mỗi xe ô tô, bỏ qua xe máy phải có thẻ và có số dư. Việc này sẽ làm được rất nhiều việc, chứ không chỉ việc thu phí", ông Thanh nêu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận