Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh - Ảnh: NHƯ Ý
Hà Nội bước giá phải 20, 40, 50 triệu, đấu giá mới nhanh
Sáng 26-10, Quốc hội thảo luận tại tổ liên quan dự thảo nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn biển số ô tô thông qua đấu giá.
Nêu ý kiến, Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh bày tỏ băn khoăn khi dự thảo nghị quyết đưa ra 2 mức giá 40 triệu đối với vùng 1 (Hà Nội, TP.HCM) và 20 triệu đồng đối với vùng 2 là các địa phương khác.
"Dự thảo để mức giá 40 triệu với 20 triệu đồng sẽ loạn cào cào lên", ông Thanh nói và đề nghị dự thảo nghị quyết chỉ nên đưa ra mức sàn của giá tối thiểu, còn giao lại cho HĐND tỉnh, thành phố quyết mức giá khởi điểm, bước giá.
"Nên giao cho HĐND tỉnh quyết chứ đừng chê tỉnh nghèo không có tiền. Nhà nước có thể nghèo chứ một số người dân không nghèo đâu. Như ở Đắk Lắk, số lượng xe xịn còn nhiều hơn ở Đà Nẵng", ông Thanh nói thêm.
Với tiền thu được từ đấu giá biển số, ông Thanh đề xuất nên đưa về ngân sách địa phương thay vì ngân sách trung ương như dự thảo nghị quyết.
Về bước giá, ông Thanh cho hay ở Hà Nội mà bước giá đấu giá biển số quy định 5 triệu "thì phải mấy ngày mới ra được giá thật".
"Hà Nội bước giá phải 20, 40, 50 triệu thì đấu giá mới nhanh, có khi 10 phút xong", ông Thanh đề nghị.
Không được phá vỡ nguyên tắc quản lý xe theo địa giới hành chính
Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy thấy còn một số vấn đề chưa thực sự phù hợp, rõ ràng, có thể gây vướng khi triển khai việc này.
Theo bà Thủy, dự thảo nghị quyết quy định đấu giá trực tuyến trên phạm vi toàn quốc. Nhưng hiện tại chúng ta đang thực hiện cấp đăng ký, cấp biển số xe theo địa bàn các tỉnh, thành phố và quản lý phương tiện theo địa bàn các địa phương.
Đồng thời có những trường hợp khi chủ xe và xe chuyển sang địa bàn khác phải đăng ký lại.
"Dự thảo đấu giá biển số theo kiểu đồng loạt cả nước. Nếu một người ở Cà Mau lên đấu giá và gắn biển số Hà Nội nhưng lại chạy ở Cà Mau rõ ràng sẽ tạo rất nhiều phức tạp trong quản lý.
Chúng tôi chưa thấy lý giải cụ thể về cách thức mà Bộ Công an sẽ quản lý và phải thay đổi thế nào để phù hợp", bà Thủy nêu.
Bà nói thêm nếu ô tô có biển số, giờ muốn chuyển biển đó cho một xe khác vẫn thuộc sở hữu chứ không phải chuyển nhượng, thừa kế cho người khác, có được chuyển không?
"Tôi thực sự rất băn khoăn vì mục tiêu của biển số xe để quản lý phương tiện mà giờ lại tách rời với phương tiện để như một tài sản có thể chuyển nhượng được, có thể chuyển từ xe nọ sang xe kia. Việc này sẽ rất phức tạp trong quản lý", bà Thủy nêu.
Từ đó bà Thủy đề nghị biển số xe trúng đấu giá vẫn gắn với phương tiện khi mua bán, chuyển nhượng, thừa kế xe đó. Khi nào hết vòng đời xe thì biển số được thu hồi để đưa vào kho số đấu giá tiếp.
“Biển số xe gắn với người có thể dẫn đến một số trường hợp chúng ta chưa lý giải được và dẫn đến khả năng đầu cơ rất lớn. Người ta có thể đấu giá rất nhiều biển số để gắn cho xe giá rẻ, khi ai đó có nhu cầu mua biển cho xe sang, xe xịn thì sẽ bán lại”, bà Thủy nêu thêm.
Phát biểu sau đó, chủ tịch Hà Nội nhấn mạnh việc đấu giá biển số không được phép phá vỡ nguyên tắc quản lý xe theo địa giới hành chính.
Ông dẫn chứng nếu cho người dân có thể đấu giá biển số trên cả nước thì toàn bộ người dân phía Bắc có thể sẽ đấu giá biển số xe Hà Nội và lúc đó sẽ rất khó để quản lý.
Đại biểu Trình Lam Sinh (An Giang) cũng băn khoăn biển số được đấu giá toàn quốc thì việc đăng ký sẽ mang biển số địa phương nào?
“Tôi trúng đấu giá ở Hà Nội nhưng chuyển đăng ký về tỉnh nào đó thì xe tôi mang đầu biển số nào? Hà Nội hay của tỉnh đó?”, ông Sinh nói.
Đại biểu Nguyễn Trúc Anh (Hà Nội) cho rằng việc đấu giá biển số xe gắn với việc quản lý phương tiện cá nhân và đây là bài toán cực kỳ nan giải của đại đô thị như Hà Nội.
"Tôi nghĩ vẫn giữ theo truyền thống gắn xe và biển số xe. Ở đây nâng cao một mức theo nhu cầu của xã hội thích biển số đẹp thì đấu giá nhưng phải quản lý được, phục vụ mục đích quản lý trước”, ông Anh nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận