
Bệnh nhân đột quỵ đang được các bác sĩ kiểm tra tại TP.HCM - Ảnh: THU HIẾN
Ngày 10-5, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn tổ chức Hội thảo cập nhật điều trị đột quỵ cấp năm 2025, lễ đón nhận chứng nhận vàng WSO trong điều trị đột quỵ.
PGS Nguyễn Huy Thắng - trưởng khoa bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115 TP.HCM, phó chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam - cho hay đột quỵ là gánh nặng rất lớn. Không chỉ toàn cầu, tại Việt Nam đây là bệnh lý gây tử vong hàng đầu.
Theo bác sĩ Thắng, đối với đột quỵ, tàn phế là điều xấu nhất, thậm chí còn hơn cả tử vong. Ông dẫn chứng: cứ 10 bác sĩ bị đột quỵ, có đến 7 bác sĩ không thể quay trở lại ngành y, đó mới là gánh nặng lớn.
Ngay cả tại Bệnh viện Nhân dân 115, có 5 nhân viên y tế bị đột quỵ ngay trong bệnh viện.
Tại Mỹ có đến 70% bệnh nhân đột quỵ không thể quay trở lại cuộc sống bình thường.
Hiện nay điều trị tái thông được xem là điều trị đột quỵ duy nhất giúp bệnh nhân có thể quay trở lại cuộc sống bình thường.
Nếu không điều trị tái thông, bệnh nhân gần như phải chấp nhận may rủi. Nếu tổn thương không quá lớn, bệnh nhân giảm bớt biến chứng, di chứng và ngược lại.

PGS Nguyễn Huy Thắng nhận chứng nhận vàng WSO trong điều trị đột quỵ - Ảnh: THU HIẾN
Bác sĩ Mai Thị Hương Lan - trưởng khoa nội thần kinh Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn - cho hay điều trị đột quỵ không chỉ là một cuộc chiến về thời gian mà còn là một thách thức lớn đối với cả bệnh nhân, gia đình và đội ngũ y tế.
Trong quá trình đưa ra quyết định điều trị cho bệnh nhân đột quỵ, bác sĩ đôi khi gặp phải những khó khăn không lường trước, chẳng hạn như việc người nhà không nắm rõ thời điểm khởi phát triệu chứng.
Bởi lẽ trong điều trị đột quỵ, thời gian là vàng, và một khi cơ hội can thiệp qua đi, rất khó có thể sửa chữa.
Tuy nhiên, dù có trang thiết bị hiện đại và đội ngũ y tế tận tâm, một yếu tố then chốt vẫn nằm ở việc bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt khi có dấu hiệu nghi ngờ đột quỵ. Nếu bệnh nhân đến muộn, dù bác sĩ có giỏi đến đâu cũng khó có thể mang lại kết quả điều trị tốt nhất.
Cũng theo bác sĩ Lan, tại TP.HCM vẫn còn không ít trường hợp bệnh nhân đến bệnh viện muộn do chủ quan hoặc tin vào các phương pháp điều trị dân gian không đúng.
Trong quý 3 và quý 4, bệnh viện đã tiếp nhận gần 180 ca đột quỵ, trong đó đột quỵ do nhồi máu não chiếm 80%. Thời gian bệnh nhận vào viện từ khi khởi phát đến khi vào viện trung bình là 16 giờ. Đây là thời gian khá dài, điều này chứng tỏ cộng đồng vẫn chưa hiểu nhiều về đột quỵ.
Nhiều người bệnh dù nghi ngờ mình bị đột quỵ nhưng vẫn chần chừ, chờ triệu chứng tự hết hoặc tìm đến các phương pháp điều trị không chính thống, dẫn đến việc bỏ lỡ thời gian vàng điều trị.
Thậm chí, vẫn còn người dân tự ý chích máu đầu ngón tay khi nghi ngờ đột quỵ. Điều này vô cùng nguy hiểm và làm mất đi thời gian vàng để can thiệp hiệu quả.
Các yếu tố nguy cơ thường gặp bao gồm tăng huyết áp, tăng mỡ máu, đái tháo đường, hút thuốc lá và tiền sử bệnh tim.
Bác sĩ Lan khuyến cáo khi nghi ngờ đột quỵ cần nhanh chóng gọi 115, đây chính là nơi điều phối đến bệnh viện có đủ chức năng để điều trị đột quỵ gần nhất, nếu đến sai cơ sở y tế sẽ bất lợi cho người bệnh.
Dấu hiệu nhận biết đột quỵ
Các bác sĩ khuyến cáo nhận biết sớm các dấu hiệu đột quỵ là vô cùng quan trọng để có thể cấp cứu kịp thời. Một số dấu hiệu cảnh báo đột quỵ thường gặp bao gồm:
* Tê hoặc yếu ở mặt, cánh tay hoặc chân, đặc biệt là ở một bên của cơ thể.
* Khó nói hoặc khó hiểu lời nói.
* Chóng mặt, mất thăng bằng.
* Đau đầu dữ dội đột ngột.
* Rối loạn thị giác, chẳng hạn như nhìn mờ, nhìn đôi hoặc mất thị lực một phần.
* Khó nuốt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận