05/04/2025 15:30 GMT+7

Cách phòng tránh và xử lý khi bị đột quỵ

THÁI LŨY
và 1 tác giả khác

Ngày 5-4, tại buổi nói chuyện chuyên đề ở Bệnh viện đa khoa Số 10 (tỉnh Hậu Giang), PGS.TS-BS Nguyễn Huy Thắng, phó chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, cung cấp các kiến thức phổ thông cho người dân về cách phòng tránh và xử lý khi bị đột quỵ.

đột quỵ - Ảnh 1.

PGS TS Nguyễn Huy Thắng - Phó chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam nói chuyện chuyên đề đột quỵ tại Bệnh viện đa khoa Số 10 - Ảnh: T. LŨY

Theo thông tin của Bộ Y tế, Việt Nam nằm trong số các quốc gia có nguy cơ đột quỵ cao nhất, với mỗi năm có khoảng 200 ngàn trường hợp đột quỵ. Trong đó, tỉ lệ người bị đột quỵ do tăng huyết áp lên tới 78%, tỉ lệ tử vong cao. Vì vậy, việc để người dân hiểu về bệnh lý đột quỵ (não), làm sao để phòng tránh được là hết sức quan trọng, giúp giảm tỉ lệ người mắc và tử vong do đột quỵ.

Theo BS Thắng, bệnh lý tim mạch, đột quỵ có thể phòng ngừa được, khoảng 70%, nếu chúng ta kiểm soát và thăm khám định kỳ. Vấn đề là phần lớn người dân không nhận ra sự nguy hiểm của các căn bệnh liên quan đột quỵ như tiểu đường, cao huyết áp…, vì đa số bệnh lý này thường không có triệu chứng rõ ràng, không có triệu chứng cảnh báo sớm nên thường bị bỏ qua.

Đột quỵ có các yếu tố liên quan như: lối sống thiếu lành mạnh, béo phì, bệnh lý tim mạch, cao huyết áp, đái tháo đường, người lạm dụng chất gây nghiện (rượu, thuốc lá…), người có thói quen ít vận động, rối loạn lipid máu (mỡ máu)… Kiểm soát tốt các bệnh lý này, uống thuốc và thực hiện tốt yêu cầu của bác sĩ để kiểm soát huyết áp, mỡ máu, đường trong máu là cách tốt nhất hạn chế xảy ra đột quỵ.

Các biện pháp phòng ngừa đột quỵ gồm cân bằng chế độ dinh dưỡng (giảm muối, tăng cường rau xanh), tăng cường vận động, kiểm soát cân nặng, huyết áp…

Triệu chứng của đột quỵ não thường là yếu, liệt một bên người, miệng méo, giọng nói đớ….

Khi phát hiện người nhà có biểu hiện đột quỵ, việc cần làm là cho nằm ở vị trí thoải mái và gọi ngay cấp cứu để đưa đến bệnh viện gần nhất có cấp cứu về đột quỵ. Tránh xử lý sai lầm theo biện pháp dân gian như cạo gió, cắt máu, vắt chanh vô miệng… tránh đưa lòng vòng qua nhiều nơi mất thời gian vàng. Để làm được điều này, nên tìm hiểu trước bệnh viện nào có cấp cứu về đột quỵ gần nơi mình ở nhất để đưa đến.

Theo bác sĩ Nguyễn Huy Thắng, quan trọng trong phòng ngừa đột quỵ là tầm soát, kiểm soát các bệnh lý nguy cơ có thể dẫn đến đột quỵ. Việc thay đổi lối sống, chế độ ăn uống, khám sức khoẻ định kỳ là quan trọng nhất.

đột quỵ - Ảnh 2.

Máy cộng hưởng từ MRI 3.0 tích hợp AI tại Bệnh viện đa khoa Số 10, chụp mạch máu giúp phát hiện dị dạng và hẹp tắc mạch máu nguy cơ dẫn đến đột quỵ - Ảnh: T. LŨY

Một trong các biện pháp phòng ngừa đột quỵ là phát hiện sớm nguy cơ các bệnh lý liên quan. Hiện tại Bệnh viện đa khoa Số 10 có hệ thống máy MRI 3.0. Đây hệ thống cộng hưởng từ toàn diện, tích hợp công nghệ AI giúp chụp mạch máu, chẩn đoán nhanh chóng đột quỵ và dị dạng mạch máu và nhiều bệnh lý khác. 

Với việc đầu tư hệ thống MRI 3.0 Tesla - uMR 780 - một trong những thiết bị tiên tiến nhất có mặt tại miền Tây, Bệnh viện đa khoa số 10 mong muốn đáp ứng kịp thời nhu cầu khám, điều trị của bệnh nhân, nâng cao chất lượng và hiệu quả điều trị, giảm số ca phải chuyển tuyến trên, giảm chi phí cho người bệnh.

Cách phòng tránh và xử lý khi bị đột quỵ  - Ảnh 3.Khai trương hệ thống MRI tích hợp AI tại Bệnh viện Đa khoa số 10

Sáng 15-1, Bệnh viện Đa khoa Số 10 (tỉnh Hậu Giang) phối hợp hãng United Imaging Healthcare chính thức khai trương hệ thống chụp cộng hưởng từ MRI 3.0 Tesla- uMR 780.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên