Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh - Ảnh: PHẠM THẮNG
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã chia sẻ như trên tại buổi họp báo sáng nay 15-9 về Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022: Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững.
Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 được đồng chủ trì bởi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Diễn đàn dự kiến diễn ra ở Trung tâm Hội nghị quốc gia (ngày 18-9) và có Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, khoảng 400 đại biểu trực tiếp, chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước tham dự.
Trả lời các câu hỏi của phóng viên về dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu rõ nghị quyết 18 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII đặt ra việc bỏ khung giá đất và giao các địa phương ban hành bảng giá đất. Yêu cầu kèm theo là khách quan, độc lập, sát giá thị trường.
Theo ông Thanh, giá đất luôn được các đối tượng chịu tác động của chính sách cùng nhiều chuyên gia, nhà khoa học quan tâm, nên giải quyết vấn đề với đối tượng này nhưng ảnh hưởng đến đối tượng khác.
Ông Thanh lấy ví dụ nếu nâng giá đất lên thì khi Nhà nước thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư, người dân hưởng lợi cao hơn, kéo theo khiếu nại, tố cáo đất đai giảm. Tuy nhiên, chi phí doanh nghiệp phải bồi thường giai đoạn đầu nhiều hơn, tiền thuê, sử dụng đất về lâu dài cũng tăng lên. Do vậy, cần giải quyết bài toán bảng giá đất hài hòa nhất.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng nêu việc bỏ khung giá đất chung phát sinh câu chuyện giá đất ở hai tỉnh cạnh nhau sẽ có chênh lệch nơi 1 tỉ đồng, nơi 2 tỉ đồng dù nằm chung một tuyến đường.
"Chúng tôi cùng các cơ quan liên quan xử lý hài hòa vấn đề này. Không thể đưa ra một giá đất nào thỏa mãn, hài hòa lợi ích của các đối tượng trong xã hội", ông Thanh nói rõ.
Toàn cảnh họp báo - Ảnh: PHẠM THẮNG
Về vấn đề xăng dầu, ông Thanh cho biết nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang đặt vấn đề với Chính phủ là bám sát giá xăng dầu thế giới để đánh giá tác động, trình điều chỉnh thuế…
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đặt vấn đề xem xét các yếu tố cấu thành giá xăng dầu để điều chỉnh, cắt giảm, sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu để công khai, minh bạch. Mục đích để giá xăng dầu trong nước bám sát giá thế giới nhưng không hoàn toàn phụ thuộc.
Theo ông Thanh, nghị quyết cũng yêu cầu kiểm tra, kiểm soát các doanh nghiệp đầu mối cũng như doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu để tránh tình trạng khan hiếm "giả tạo".
Về giải ngân vốn đầu tư công, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng giải ngân các gói trong nghị quyết 43 còn chậm. Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công 8 tháng của năm 2022 ước đạt 39,2%, thấp hơn mức cùng kỳ 2021 (40,6%).
Ông Thanh cho rằng cần làm rõ thực trạng, ảnh hưởng các chính sách với tiến độ giải ngân, thực hiện công trình để đảm bảo đúng tiến độ, phát huy nguồn lực kích thích nền kinh tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận