21/11/2017 09:56 GMT+7

Chống tham nhũng: Vẫn bó tay với tài sản bất minh?

VIỄN SỰ
VIỄN SỰ

TTO - Cử tri kỳ vọng Luật phòng chống tham nhũng sửa đổi giải quyết vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng, nhưng dự thảo tiếp tục để ngỏ việc thu hồi tài sản bất minh...

Chống tham nhũng: Vẫn bó tay với tài sản bất minh? - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) - Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn), ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp Quốc hội, nêu vấn đề này tại phiên thảo luận dự án Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi) sáng nay 21-11.

Bà Thủy nhấn mạnh: "Một trong những kỳ vọng của cử tri đối với việc sửa đổi Luật phòng chống tham nhũng là giải quyết được vấn đề thu hồi tài sản do tham nhũng. Tuy nhiên, dự thảo vẫn tiếp tục để ngỏ việc thu hồi tài sản không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp, không có cơ chế xử lý. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thu hồi tài sản tham nhũng hiện rất thấp".

Cần pháp luật vượt trội

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy phân tích: "Thực tiễn vừa qua có một số trường hợp kê khai tài sản không đúng, nhưng kỷ luật người kê khai chỉ có thể là khiển trách, cảnh cáo, thậm chí cách chức, chứ không thể nào thu hồi được tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp của họ.

Muốn tịch thu khối tài sản này phải thông qua vụ án hình sự, từ khởi tố, điều tra, truy tố, đến xét xử. Xong các thủ tục đó thì rất khó thu hồi tài sản, nhiều vụ án đã không còn tài sản để thi hành án".

Bà Thủy không đồng tình với giải thích của ban soạn thảo về việc không bổ sung quy định nêu trên là để phù hợp với nguyên tắc của tố tụng hình sự - trách nhiệm chứng minh thuộc về nhà nước, các cơ quan tố tụng phải chứng minh, chứ không phải là người có tài sản phải giải trình.

"Tham nhũng là tội phạm đặc biệt, xảy ra rất lâu mới bị phát hiện, độ ẩn cao. Nếu không có các thủ tục tố tụng đặc biệt, vượt lên trên khuôn khổ pháp lý thông thường, thì sẽ không thể xử lý", bà Thủy nêu quan điểm.

"Còn có cơ hội tham nhũng là còn rút tiền ngân sách, sau khi tham nhũng thì tiêu xài lãng phí, tặng cho chuyển đổi các kiểu. Do đó, ngay cả những quốc gia được xem là có mô hình chống tham nhũng hiệu quả cũng không hi vọng là sẽ thu hồi được 100% tài sản bị tham nhũng".

Đại biểu này cũng khẳng định quyền tài sản là quyền hiến định, do đó nếu được đưa vào dự thảo luật, phương án thu hồi tài sản tham nhũng phải được tiến hành thông qua thủ tục tư pháp, công khai và chặt chẽ, có đủ thời gian cho người có tài sản giải trình và phải do tòa án phán quyết chứ không tịch thu bằng con đường hành chính.

Luật phòng chống tham nhũng vẫn là “cọp không răng” nếu... Luật phòng chống tham nhũng vẫn là “cọp không răng” nếu...

TTO - Luật vẫn sẽ là "cọp không răng" nếu không có quy định đột phá về công khai, minh bạch, kiểm soát tài sản cán bộ, công chức.

Nhiều nước không còn làm như Việt Nam

Là ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp Quốc hội, bà Thủy chỉ ra kinh nghiệm quốc tế với 40 nước đã có quy định về thu hồi tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp. Đáng chú ý là các quốc gia này có nhiều điểm chung với Việt Nam, đó là hệ thống kiểm soát thu nhập trong xã hội chưa tốt, thói quen chi tiêu tiền mặt phổ biến.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho biết Trung Quốc không có luật riêng về phòng chống tham nhũng mà đặt trong các luật chuyên ngành.

Trung Quốc đã bổ sung vào Bộ luật hình sự quy định: "Bất kỳ công chức nào có tài sản hoặc chi tiêu vượt quá thu nhập, nếu có sự khác biệt lớn đều có thể bị yêu cầu giải trình về nguồn gốc khối tài sản. Nếu công chức không giải trình được thì phần tài sản vượt quá thu nhập hợp pháp sẽ bị coi là tài sản bất hợp pháp và bị tịch thu, ngoài ra có thể bị phạt tù đến 5 năm".

Tại một hội thảo phòng chống tham nhũng do Ban Nội chính trung ương tổ chức, các chuyên gia Trung Quốc chia sẻ mục tiêu của quy định trên là bằng mọi giá khiến người có hành vi tham nhũng trả lại tất cả những gì họ đã chiếm đoạt của nhà nước.

Các chuyên gia này cũng cho biết ở Trung Quốc việc thu hồi tài sản tham nhũng là rất triệt để, thu cả đồng hồ, bút máy đắt tiền, thu theo giá trị tài sản đã tham nhũng.

Chẳng hạn đối tượng sử dụng 1 tỉ tiền tham nhũng để mua ôtô mới, sau vài năm sử dụng giá trị chiếc xe chỉ còn khoảng 600 triệu. Khi thu hồi sẽ tính theo giá trị tài sản tại thời điểm thu hồi là 600 triệu, chứ không tính là thu được 1 tỉ.

Trong khi đó, Singapore không chỉ ban hành luật riêng về phòng chống tham nhũng mà có cả luật thu hồi tài sản tham nhũng, quy định rất cụ thể về căn cứ, điều kiện, trình tự, thủ tục.

"Thu hồi tài sản không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp dù là vấn đề mới và rất khó với Việt Nam, song đây là sự chờ đợi của người dân. Các nước đều đã và đang trải qua những khó khăn giống Việt Nam trong công cuộc chống tham nhũng, nhưng họ đã tìm ra cơ chế để sớm thu hồi tài sản tham nhũng. Chúng tôi rất mong ban soạn thảo tiếp thu vấn đề này để thảo luận thấu đáo", bà Nguyễn Thị Thủy kiến nghị.

Các đề xuất sửa của Dự luật Phòng chống tham nhũng Các đề xuất sửa của Dự luật Phòng chống tham nhũng

TTO - Dự án Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi) sẽ tiếp tục được thảo luận tại hội trường trong những ngày tới. Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, đa số đại biểu Quốc hội đồng tình với đề nghị của Ủy ban Tư pháp là thảo luận, xem xét dự luật này

VIỄN SỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên