Đường Huỳnh Tấn Phát, Q.7, TP.HCM ngập nặng sau trận mưa lịch sử ngày 26-11-2018 - Ảnh: T.T.D.
"Có thể xây dựng một không gian cho sông với dòng chảy làm nơi thoát nước tránh ngập lụt khi mưa và hồ chứa giữ nước chống nóng cho đô thị" - ông Henk Ovink chia sẻ ý kiến với Tuổi Trẻ, nhân chuyến thăm và làm việc ở Việt Nam mới đây.
* Mục đích chuyến thăm Việt Nam lần này của ông là gì?
- Đây là chuyến công tác đầu tiên của tôi tới Việt Nam. Tôi đã đi ĐBSCL, đến các khu rừng ngập mặn, tìm hiểu đời sống người dân. Tôi cũng đến Hà Nội gặp nhiều vị lãnh đạo, bộ trưởng các bộ, làm việc với Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến về vấn đề chống ngập trong thành phố và hi vọng một bản ghi nhớ về Sáng kiến hợp tác công - tư cho kế hoạch chống ngập bền vững cho TP.HCM sẽ được ký kết.
Tôi cũng gặp gỡ, thảo luận với các chuyên gia, các đơn vị về vấn đề chống ngập, sụt lún và nước sạch, giảm thiểu rác thải nhựa.
* Ông đã thảo luận gì về thực tế TP.HCM thường ngập lụt nặng mỗi khi mưa kết hợp với triều cường?
- Chúng tôi làm việc với lãnh đạo thành phố để xác định kế hoạch, chương trình dự án, xác định thách thức và cơ hội nhằm xây dựng năng lực để thành phố đủ sức chống chịu với biến đổi khí hậu và chống ngập.
Tôi có nhiều khuyến nghị cho thành phố. Tôi muốn nhấn mạnh: không có giải pháp duy nhất cho vấn đề này. Chúng ta phải tiếp cận vấn đề trong một bối cảnh lớn hơn như bảo vệ bờ biển, quản lý sông ngòi, không chỉ trong thành phố mà ở khu vực xung quanh như vùng đầu nguồn, xây dựng năng lực để thành phố có khả năng xử lý những vấn đề khí hậu cực đoan.
Cụ thể: tách riêng hệ thống thoát nước và thoát nước thải, trữ nước mưa, làm sạch và xanh thành phố để vừa xử lý vấn đề ngập lụt vừa giảm thiểu ảnh hưởng của các đợt nắng nóng bất thường.
Tôi cũng thấy một phần lớn nước của thành phố đang bị lãng phí. Đây là tài nguyên quý giá cho công nghiệp, năng lượng, thực phẩm và sử dụng hằng ngày. Một thành phố có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu không phải là vì nó có thể tháo nước ra, mà là có khả năng xử lý tất cả lượng nước đã nhận.
* Về quản lý nước và chống ngập, các đô thị ở Việt Nam có thể áp dụng những dự án, định hướng phát triển nào từ Hà Lan?
- Dự án "Không gian cho sông" của chúng tôi đảm bảo về an toàn cho người dân, môi trường tự nhiên và nguồn nước. Chúng tôi tạo dòng chảy thoát nước, tránh ngập lụt những lúc mưa to, bão lớn. Những hầm chứa nước giữa thành phố giúp giảm thiểu hiệu ứng đảo nhiệt đô thị - hiện tượng có một vùng đô thị nhiệt độ cao bất thường so với xung quanh. Đã đến lúc chúng ta nắm quyền chủ động, thay vì thích ứng với những sự thay đổi.
Các viện nghiên cứu và công ty Hà Lan sẵn sàng hỗ trợ các đô thị ở Việt Nam xử lý rác thải, ứng dụng công nghệ để cải thiện chất lượng nước, tái sử dụng nước thay vì lãng phí. Bây giờ chúng ta hãy xem "nước thải" cũng là tài nguyên để tìm cách khai thác.
Chúng ta cũng cần phải hạn chế tạo ra rác. Cụ thể: cần ngừng sử dụng sản phẩm nhựa, tránh làm ô nhiễm sông ngòi và hệ sinh thái biển. Chăm sóc môi trường là điều cơ bản nhất để đối mặt với thách thức từ biến đổi khí hậu nói riêng và phát triển xã hội.
* Theo ông, ĐBSCL có thể học được điều gì từ kinh nghiệm của Hà Lan trong việc giải quyết các vấn đề về nước? Nhiều người nghĩ rằng xây đê và các biện pháp công trình sẽ cứu được ĐBSCL. Ông nghĩ sao về điều này?
- Các vùng châu thổ, đồng bằng đối mặt với những cơ hội và thách thức về nước: quá nhiều, quá ít, ô nhiễm hoặc ngập mặn. Ngoài ra là tình trạng lở đất, đô thị hóa, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp. Các công trình ở thượng và hạ nguồn sông đã gây ra các tác động đến hệ sinh thái, nguồn nước của các đồng bằng và ĐBSCL đối diện đặc biệt với nhiều nguy cơ chồng chất.
Như tôi đã nói ở trên, các vấn đề về nước và biến đổi khí hậu không thể giải quyết bằng một công trình đơn lẻ. Không có tấm khiên nào có thể ngăn chặn được mọi nguy cơ. Đê chỉ là một phần rất nhỏ của giải pháp.
Chúng ta sẽ phải tìm nhiều hướng và nhiều phương pháp, xây dựng nhiều công trình và phải chung sống, làm việc với nước. Đây cũng không phải là chuyện của một giai đoạn, đó sẽ là điều chúng ta phải đối mặt hết phần đời còn lại và cả những thế hệ sau.
Như tôi đã nói, nước mang đến một cơ hội vì nước chính là lý do vì sao Trái đất lại là một hành tinh đặc biệt. Người Hà Lan từng có thành công và cả sai lầm. Điều mà Hà Lan đã học được trong việc quản lý nước là phải chung sống với nó, thay vì cố gắng chống lại nó. Đây là quyền lợi và cũng là thách thức, vì nước là tài nguyên quý giá không phải quốc gia hay vùng nào cũng có được.
Năm 2015, ông Henk Ovink được bổ nhiệm làm đặc phái viên đầu tiên về vấn đề nước quốc tế, chịu trách nhiệm việc thúc đẩy nhận thức về nước. Ông đã làm việc với các quốc gia, công ty đa quốc gia và tổ chức phi chính phủ để xác định sự thiếu hụt nguồn nước sạch và có những hành động can thiệp, giải quyết vấn đề.
Ông từng là tổng giám đốc phụ trách các vấn đề về nước và kế hoạch, và giám đốc phụ trách hoạch định không gian quốc gia của Hà Lan. Ông là giảng viên Trường ĐH Kinh tế London, giảng viên cao học tại Trường ĐH Harvard và là thành viên Ban cố vấn quốc tế của thành phố Rotterdam, Hà Lan.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận