20/05/2021 10:21 GMT+7

Chống dịch giữa rừng già biên viễn

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Trên dải biên giới cực tây Tổ quốc, suốt hai năm nay những tiền đồn được những người lính biên phòng dựng lên giữa rừng già để ngăn chặn dịch. Ở đó, những ánh đèn tuần tra quét xuyên đêm ngăn không cho người tràn qua biên giới.

Chống dịch giữa rừng già biên viễn - Ảnh 1.

Để tuần tra giới tuyến, những người lính phải luồn giữa rừng già cả ngày lẫn đêm - Ảnh: B.D.

"Bà con ở Lào và phía bên Việt Nam mình cứ có cái gì ngon cũng cắt rừng mang lên cho anh em lính. Dịch ập đến, bộ đội nhắn bà con hãy ở nhà để biên phòng đỡ vất vả. Nghe vậy bà con vui vẻ chấp hành tuyệt đối.

Đại úy Trần Đức Hòa

Sau nhiều giờ lội bộ men theo những vách núi dựng đứng từ trung tâm xã A Xan (huyện Tây Giang, Quảng Nam), chúng tôi cũng đến được các chốt biên phòng giáp biên giới. Khoảng cách chỉ vài trăm mét nhưng thật khó nhận ra những chiếc lán tạm ẩn dưới tán cổ thụ. 

Gần như ban ngày những người lính đều lẩn mình vào bóng cây, lặng lẽ mật phục giữa đường biên.

"Yết hầu" trên đường biên

Nhá nhem tối, mặt trời như quả cầu đỏ khổng lồ rơi dần xuống rừng già. Trên đỉnh Trường Sơn ở độ cao 1.500m, dường như đêm đến nhanh hơn. Mấy ánh đèn pin trong lán được bật lên, một người lính nhóm bếp lửa hâm lại đồ ăn chuẩn bị bữa tối. Bỗng những tiếng loạt xoạt xuất hiện lớn dần ngoài bìa rừng.

Một người lính cảnh giác cao độ, cầm roi điện ra chọn vị trí cao nhất để nghe ngóng. Thấy ánh đèn rọi theo từng khoảng cách rất đều, người lính này cho biết đó là mấy đồng đội vừa đi tuần về. "Chỉ có bộ đội mới đi đều như vậy" - Lê Văn Cơ, chiến sĩ tại chốt số 1, nói.

Chốt số 1 đóng ngay lối đi nhỏ nằm giữa đáy hai khối núi lớn. Dù chỉ là một lối đi nhỏ nối từ các ngôi làng Cơ Tu phía A Xan qua huyện Ka Lùm (tỉnh Sê Kông, Lào) nhưng đây được xem như một "yết hầu". 

Thượng tá Dương Đệ Châu - trưởng Đồn biên phòng A Xan - nói rằng đã có thời gian nơi đồn đóng quân được dự tính đưa vào vị trí quy hoạch cửa khẩu nhưng mọi chuyện không thành vì nhiều lý do khách quan.

Theo thượng tá Châu, đầu năm 2020 trước tình hình dịch căng thẳng, yêu cầu bảo vệ đường biên được đặt lên mức mới nên Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam đã cho lập chốt, rải quân lên đóng hẳn tại đây để trấn giữ. 

Hôm tôi đến, những người lính biên phòng đang cởi trần hì hụi cuốc đất, dàn lớp ximăng, ghép lại mấy chiếc giường để hoàn tất ngôi lán mới. 

"Có lán này anh em ngủ đỡ lạnh hẳn, ban đêm không phải co ro trong lán gỗ, hứng chịu mưa rừng nữa. Đặc biệt là không lo rắn rết bò vào bởi lán có hệ thống cửa thép rất kín, cửa sổ đặt cao nên rắn rết không bò vào được" - đại úy Trần Đức Hòa nói.

Chống dịch giữa rừng già biên viễn - Ảnh 3.

Đêm canh giữ ở cột mốc biên cương - Ảnh B.D.

Tuần tra xuyên ngày đêm

Sau bữa cơm tối đơn giản, tôi được một người lính đem cho bộ quân phục, đeo khẩu trang và đi ủng để cùng anh em lội rừng ngược lên các mốc 690, 691. Người lính này nhìn bộ trang phục bình thường của tôi và cười rằng nếu lội rừng thì chỉ được nửa đường là quần áo sẽ bị xé nát bởi lồ ô, gai góc. 

Đôi ủng bó tới đầu gối cũng sẽ hạn chế được rắn độc. Vùng này đã có không ít người dân đi rừng và bị rắn cắn tử vong. Bởi vậy khi lên đóng chốt, anh em nào cũng được nghe đồng đội lên trước cảnh báo về một loại rắn "ba bước đi, bảy bước gục". 

Nghĩa là rắn độc tới nỗi khi bị cắn, nếu đứng yên thì sẽ sống. Ngược lại bước ba bước thì độc tố sẽ đánh ngã quỵ và thêm bốn bước nữa người bị rắn cắn sẽ tắt thở.

Bảo vệ tuyến đường biên dài hàng chục kilômet giáp Lào thường ngày đã khó, những ngày căng thẳng trong dịch trách nhiệm đặt lên người lính lại nặng nề hơn. Đại úy Đoàn Quốc Việt - phó Đồn A Xan - nói rằng biên giới "không giống như ngôi nhà, có hàng rào, kín cổng cao tường". 

Đường phân định dù hiện lên sống động trên bản đồ nhưng thực tế thì nằm giữa bao la rừng già, vách đá, vực sâu. Để giữ được biên cương, lính biên phòng không chỉ dùng sức lội rừng mà phải có tinh thần, ý chí kiên cường.

Xuất phát từ lán lúc 17h chiều, nhưng phải tới gần 2 tiếng sau chúng tôi mới tới được mốc 690. Mốc nằm trên một vị trí thoáng đãng, được biên phòng tuần tra và dọn dẹp thường xuyên. Cột mốc là khối đá chia đôi ranh giới Việt - Lào. Đại úy Trần Đức Hòa nói rằng kể từ khi anh em bám chốt, ăn ngủ giữa rừng thì gần như không có người lạ lọt qua biên giới. Từ đầu tháng 5, trước tình hình dịch ở Lào bùng phát căng thẳng, biên phòng gần như không ngủ, các vị trí đường mòn lối mở luôn có người túc trực 24/24 giờ.

Một điều rất mừng là người dân hai bên biên giới đặc biệt yêu quý bộ đội biên phòng. Khi dịch đến, nhiều nguồn tin do bà con Lào báo về giúp chặn đứng các vụ nhập biên trái phép.

Trông về nhân dân

Những ngày đầu tháng 5, liên tiếp các tổ tăng cường chống dịch được Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam điều động lên biên giới hỗ trợ biên phòng. Dưới các thung lũng, đồng bào cũng tìm cách san sẻ, chia phần ăn cho bộ đội. 

Những dân quân địa phương khỏe mạnh, cắt rừng giỏi, thuộc làu từng gốc cây cũng được người nhà động viên lên núi trực chốt với biên phòng. 

Thượng tá Dương Đệ Châu cho biết hầu như các đồn biên phòng nằm sâu giữa rừng, trên cheo leo vách đá, nên khi có quyết định lập chốt, bà con các ngôi làng đã tự nguyện cõng nguyên vật liệu lên núi giúp bộ đội dựng đồn.

"Hiện tại chúng tôi đã lập được 3 chốt, tất cả đều nhờ bà con giúp đỡ công vận chuyển. Tỉnh vừa quyết định bổ sung thêm một chốt nằm ở trên độ cao hơn 2.000m. Nhưng vị trí này cực kỳ hiểm trở, phải đi bộ nửa ngày giữa rừng, không có điện, không có sóng, cũng không có nước sạch. Những lúc như thế này chỉ biết nhìn về bà con, nhân dân của mình" - thượng tá Châu tâm sự.

Giúp dân ổn định cuộc sống

rung gia 1

Tuần tra đường rừng xuyên đêm - Ảnh B.D.

Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam cho biết từ đầu năm tới nay các chốt biên phòng giáp Lào ở Quảng Nam đã chặn đứng và bắt giữ hàng chục đối tượng vượt biên trái phép.

Đặc biệt từ khi dịch ở Lào diễn biến xấu thì số lượng người tìm cách qua biên giới tăng vọt. Bộ đội biên phòng vừa tăng cường bám chốt, vừa hỗ trợ chính quyền chống dịch.

Một hình ảnh rất cảm động ở các chốt biên phòng là bộ đội đã đứng ra làm trung gian, kết nối thương lái với người Lào để tổ chức các phiên mua bán hàng hóa ngay gần chốt biên phòng. Dịch căng thẳng khiến nông sản bà con phía Lào không lọt qua được biên giới.

"Thấy bà con đói quá, anh em nghĩ cách dựng những chiếc lán đơn sơ. Khi bà con Lào cõng nông sản tới thì bộ đội hướng dẫn đặt hàng hóa tại lán rồi sát khuẩn, đeo khẩu trang. Chúng tôi gọi điện thoại kết nối các thương lái ở các ngôi làng phía Việt Nam. Ai có nhu cầu thu mua thì lên chốt, đứng ở khoảng cách xa để trao đổi, bảo đảm phòng dịch. Còn nếu không lên, anh em biên phòng sẽ thu mua giúp, ứng tiền trước để trả cho người dân Lào. Nhờ những phiên chợ như thế mà rất nhiều người ở phía Lào đã có cái ăn trong những ngày dịch hoành hành" - thượng tá Dương Đệ Châu nói.

Ngày đêm bám chốt, giữ Ngày đêm bám chốt, giữ 'lá chắn' chống dịch ở biên giới Tây Nam

TTO - Khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp ở các nước Campuchia, Thái Lan thì 'lá chắn' ở biên giới Tây Nam càng được chú trọng để củng cố không ngừng bằng mọi cách.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên