Bạn Võ Đức Duy thường dùng mạng xã hội để học ngoại ngữ và chia sẻ về du lịch, tình yêu động vật - Ảnh: DUY VÕ
Tuy nhiên, liệu có phải như vậy?
Dưới đây là góc nhìn từ một số bạn sinh viên Gen Z.
- NGUYỄN HỮU LĨNH (Viện quốc tế, Trường ĐH Kinh tế - tài chính TP.HCM):
Không chịu đựng nổi, cực kỳ lo lắng
Là một người thuộc thế hệ Gen Z (thường chỉ những cá nhân sinh từ 1995-2012), tôi dùng khá nhiều mạng xã hội nhưng thật sự khó chịu đựng nổi một số nội dung vô cùng nhảm trên TikTok. Tôi ngạc nhiên nếu không muốn nói là sốc khi thấy những clip chẳng có nội dung gì bổ ích mà vẫn nổi.
Tôi thấy có những kênh TikTok nổi tiếng bây giờ cũng bắt chước nội dung qua lại, làm cho giới trẻ nghĩ việc "ăn cắp" bản quyền là bình thường. Chưa kể để duy trì sự nổi tiếng, nhiều người thi nhau làm những trò gây phản cảm, thậm chí nguy hiểm để bằng mọi cách thu hút, duy trì sự chú ý... khiến những trò vớ vẩn, "khùng điên" mà báo chí nói đến mỗi lúc một nhiều.
Tôi không nói là nên cấm những nội dung nhảm vì có thể nhảm với mình nhưng lại "không quá nhảm" với chuẩn của nhiều người.
Nhưng tôi băn khoăn vì thuật toán của TikTok có vẻ như chọn không ít clip nhảm đó để lan tỏa, rồi nhiều bạn trẻ tưởng vậy là hay nên bắt chước theo. Tôi biết có nhiều đứa bé coi say mê, còn đòi lớn lên thành YouTuber, TikToker... thay vì muốn làm giáo viên, kỹ sư.
Là một người trẻ, điều tôi lo lắng nhất khi tầm ảnh hưởng của các mạng xã hội trên quá lớn thì những gì xuất hiện, chia sẻ trên đó đều được người ta tin gần như tuyệt đối, không còn khả năng tư duy phản biện. Trong khi không ai đảm bảo tính chính xác hay kiểm chứng các thông tin đó cả.
Nếu chúng ta không có những chính sách, phương thức giúp giới trẻ nhận diện các vấn đề liên quan đến mạng xã hội, tôi nghĩ tương lai sẽ nhiều nốt buồn hơn vui.
- NGUYỄN ĐÌNH THIÊN ÂN (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM):
Xấu tốt ở nhận thức người dùng
Tôi cho rằng khó khẳng định mạng xã hội là tốt hay xấu. Mạng xã hội giúp thông tin lan tỏa nhanh, tiếp cận được số lượng lớn người dùng cùng lúc. Đó là công cụ do chúng ta tạo ra và phụ thuộc phần lớn vào mục đích của người sáng lập cũng như nhận thức, cách người sử dụng dùng nó.
Nếu người ta dùng để chia sẻ các kiến thức bổ ích, được kiểm chứng, rõ ràng thông tin đó sẽ tốt. Chẳng hạn người dân ở nông thôn, vùng sâu vùng xa vẫn tiếp cận được kiến thức mới nhất như bạn trẻ ở thành thị. Còn nếu chia sẻ thông tin sai trái, nhảm nhí, MXH tự nó đã nhuốm màu tiêu cực, tự vấy bẩn.
Cá nhân tôi hoàn toàn phản đối những trào lưu, vụ "khùng điên" được chia sẻ nhiều trên TikTok gần đây. Các bạn đó quá ích kỷ khi chỉ nghĩ đến những lượt view ảo mà quên mất sự an toàn của các hành khách lẫn những vấn đề có thể phát sinh với bản thân, người thân của mình nếu có tai nạn nào đó thật sự xảy ra.
- VÕ ĐỨC DUY (ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM):
MXH với tôi rất tích cực
Theo tôi, mạng xã hội đem lại nhiều điều tốt đẹp, là nơi trao đổi, cập nhật thông tin lẫn kiến thức một cách nhanh chóng. Cá nhân tôi dùng TikTok, Instagram, YouTube... để tìm kiếm kiến thức về các địa điểm du lịch, học IELTS...
Song song đó, tôi cũng học được nhiều kỹ năng liên quan đến việc tạo clip trên mạng xã hội... Thông qua lượt xem nhiều hay ít của các clip, tôi phần nào biết được giới trẻ đang nghĩ gì, thích gì. Đây là những điều rất bổ ích vì trong tương lai gần tôi cũng muốn trở thành TikToker về du lịch, thời trang hoặc chia sẻ về ngoại ngữ.
Nhiều người nói mạng xã hội bây giờ tạo ra nhiều sản phẩm "mì ăn liền" nhưng tôi lại thấy điều đó khá thú vị vì không phải ai cũng có thời gian hay sự hứng thú để tìm sự thư giãn ở các bộ phim dài.
Mỗi thế hệ sẽ có những đặc tính, sở thích khác nhau nên tôi nghĩ chúng ta có thể phân tích để những yếu tố chưa phù hợp sao cho chúng trở nên phù hợp hơn là khẳng định tính đúng, sai tuyệt đối của vấn đề.
Lời xin lỗi muộn vụ "săn mây" trên máy bay
Sau khi nhận nhiều bình luận chỉ trích trên mạng, TikToker Lê Bống đã có video xin lỗi về clip "săn mây" trên máy bay. TikToker này trước đó đã đăng clip ghi lại cảnh đặt điện thoại bên cửa sổ rồi kéo tấm rèm xuống để "săn mây" trong suốt hành trình bay.
Clip này gần như khơi mào "trào lưu" được cho là nguy hiểm, ảnh hưởng đến an toàn bay và có thể gây cháy nổ.
Mặc dù xin lỗi chính thức, khẳng định đã lập tức xóa clip khi biết việc làm của mình có thể góp phần tạo trend gây hậu quả nghiêm trọng nhưng Lê Bống vẫn bị đánh giá là xin lỗi quá chậm bởi sau 2 tuần kể từ khi cô đăng clip đã có nhiều người bắt chước rồi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận