Ngày 30-12-2019, Hãng xe điện Tesla của Mỹ đã bàn giao lô xe điện đầu tiên sản xuất tại Trung Quốc, chưa đầy một năm sau khi động thổ xây dựng nhà máy đầu tiên bên ngoài lãnh thổ Mỹ. Nhà máy tại Thượng Hải hiện sản xuất hơn 1.000 xe điện mỗi tuần và hi vọng sẽ tăng gấp đôi công suất trong năm nay - Ảnh: REUTERS
Trung Quốc đã bắt đầu dỡ bỏ những biện pháp hạn chế chính đối với hoạt động đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực tài chính của nước này. Đây là động thái mà Mỹ lâu nay vẫn yêu cầu Trung Quốc thực hiện trong bối cảnh hai nền kinh tế hàng đầu thế giới rơi vào vòng xoáy căng thẳng thương mại suốt nhiều tháng qua. Hãng tin AFP bình luận: "Đây là tín hiệu mở cửa của kinh tế Trung Quốc".
Cụ thể, ngày 3-1, Cơ quan Quản lý hoạt động ngân hàng của Trung Quốc (CBIRC) ra tuyên bố nêu rõ từ đầu năm 2020, các ngân hàng nước ngoài có thể thành lập các chi nhánh 100% vốn nước ngoài tại Trung Quốc mà không cần phải tìm kiếm một đối tác nội địa giữ phần lớn cổ phần như trước đây.
Lâu nay, các ngân hàng nước ngoài muốn hoạt động tại Trung Quốc buộc phải tìm một đối tác nội địa và không được phép sở hữu quá 49% cổ phần trong liên doanh. Tuyên bố trên được coi là một động thái thiện chí từ phía Trung Quốc dành cho Mỹ giữa lúc hai bên đang hướng tới việc ký kết một thỏa thuận thương mại sơ bộ giúp xoa dịu căng thẳng thương mại song phương đã kéo dài hơn một năm qua.
Thực tế là từ tháng 10-2019, Trung Quốc đã công bố lịch trình dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực tài chính. Đến tháng 12-2019, Ngân hàng UBS của Thụy Sĩ đã được cấp phép sở hữu phần lớn cổ phần trong các chi nhánh tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.
Rồi từ ngày 1-1-2020, các công ty nước ngoài chuyên lĩnh vực hợp đồng tài chính tương lai có thể đầu tư vào Trung Quốc mà không bị hạn chế số lượng vốn được nắm giữ. Theo lịch trình, các công ty quản lý vốn và các công ty môi giới tài chính sẽ lần lượt được áp dụng quy định mới từ ngày 1-4 tới và 1-12-2020.
Tiếp đến đầu tháng 3 tới là luật về các thị trường tài chính sẽ được thực thi với việc cho phép tham gia thị trường chứng khoán dễ dàng hơn, chống nạn lừa đảo, đảm bảo minh bạch hơn, chống rửa tiền, chống thông tin giả mạo để bảo vệ các nhà đầu tư nhỏ lẻ...
Có thể nói trong thời gian ngắn, chính quyền Trung Quốc liên tục thông báo những điều luật mở cửa cho đầu tư nước ngoài với đảm bảo cạnh tranh công bằng, minh bạch. Ngay ngày đầu năm, Hãng tin Tân Hoa xã cũng cho biết luật về đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực với mục tiêu bảo vệ tốt hơn quyền lợi của các nhà đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc.
Theo đó, các doanh nghiệp nước ngoài được phép đấu thầu cạnh tranh hợp pháp đối với các công trình nhà nước của Trung Quốc. Yêu cầu các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài phải chuyển giao công nghệ cũng bị nghiêm cấm.
Một tuần lễ trước đó, chính quyền Bắc Kinh tuyên bố sẽ mở cửa hơn nữa các thị trường điện, viễn thông và dầu mỏ cho các nhà đầu tư tư nhân (dù không nói rõ có cho phép các nhà đầu tư nước ngoài hay không).
Bắc Kinh cam kết sẽ cho phép cạnh tranh thị trường trong một số ngành công nghiệp chủ chốt như điện, viễn thông, đường sắt, dầu mỏ và khí đốt tự nhiên, theo đó các doanh nghiệp tư nhân lần đầu tiên sẽ được phép xây dựng các dịch vụ viễn thông cơ bản và đầu tư vào lĩnh vực phân phối và phát điện.
Không ít nhà quan sát cho rằng những biện pháp mở cửa liên tục của Trung Quốc gần đây gắn với những yêu sách của Mỹ trong các cuộc đàm phán thương mại kéo dài hơn năm qua. Nhưng cũng không ít nhà quan sát giữ thái độ thận trọng bởi kinh nghiệm cho thấy những cam kết của chính quyền Bắc Kinh thường được triển khai chậm hoặc theo kiểu "trên trải thảm, dưới rải đinh".
Ông Adam Dunnett, tổng thư ký của Phòng thương mại Liên minh châu Âu, từng bình luận với Hãng tin kinh tế Bloomberg hôm 23-10-2019: "Các luật và quy định ở đất nước này nhìn chung rất tốt. Vấn đề là khi triển khai thì chúng bị diễn đạt theo cách khác nhau ở các cấp khác nhau".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận