13/01/2025 15:07 GMT+7

Cho rẽ phải khi đèn đỏ: Đánh giá kỹ, tránh nguy hiểm cho người đi bộ

Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia giao thông về việc cho rẽ phải khi đèn đỏ ở các giao lộ trên địa bàn TP.HCM những ngày qua.

Cho rẽ phải khi đèn đỏ: Đánh giá kỹ, tránh nguy hiểm cho người đi bộ - Ảnh 1.

TP.HCM sẽ rà soát, chỉ cho rẽ phải khi đèn đỏ ở những nơi đủ tiêu chí an toàn cho người đi bộ qua đường. Trong hình: xe máy rẽ phải ngang qua người đi bộ trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm - Ảnh: PHƯƠNG NHI

Các chuyên gia, người dân đều nhận định việc TP.HCM cho phép rẽ phải khi đèn đỏ tại một số giao lộ, ngã tư là phù hợp để giải tỏa dòng xe. Dù vậy, cơ quan chức năng cần đánh giá kỹ lưỡng, có biện pháp tránh xung đột dòng xe rẽ phải và người đi bộ mất an toàn.

Lượng xe đông, chỉ cho rẽ phải một số nơi

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Đỗ Ngọc Hải - trưởng Phòng quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (thuộc Sở Giao thông vận tải TP.HCM) - cho biết thời điểm cuối năm nhu cầu đi lại mua sắm, giải trí... tăng cao. 

Ngoài ra, một số tuyến đường khu trung tâm đang tổ chức lễ hội, cấm đường và hạn chế lưu thông nên có tình trạng đông đúc, ùn xe.

Những thông tin cho rằng ùn tắc do xe máy không được rẽ phải khi đèn đỏ, đèn tín hiệu giao thông là chưa hoàn toàn chính xác, mà phải đánh giá thêm.

Cũng theo ông Hải, việc lắp đèn cho phép rẽ phải khi đèn đỏ được các đơn vị liên quan gồm Sở Giao thông vận tải TP.HCM, Công an TP.HCM... họp bàn, khảo sát cụ thể chứ không phải điểm nào cũng lắp.

Tiêu chí đủ điều kiện cho phép là đảm bảo an toàn giao thông; khu vực có phát sinh dòng xe chờ đèn kéo dài tại nút giao; khu vực ít người đi bộ lưu thông, Phòng cảnh sát giao thông đánh giá hợp lý. Trong đó, cơ quan chức năng ưu tiên an toàn cho người đi bộ lên hàng đầu.

Đến nay, qua khảo sát, các bên thống nhất lắp khoảng 131 bộ đèn cho xe máy rẽ phải khi đèn đỏ tại 62 nút giao. Đồng thời sẽ tiếp tục theo dõi, khảo sát đề xuất lắp đặt dựa theo tiêu chí trên.

"Đối với những nơi đã lắp, đơn vị liên quan đánh giá kỹ chuyển biến. Sau 10 - 15 ngày lắp đặt, cơ quan chức năng đánh giá thực sự cần thiết và có sự chuyển biến tốt hay không. Từ đó mới quyết định mở rộng thêm các nút giao hoặc cũng có thể thu gọn nếu việc gắn biển rẽ phải khi đèn đỏ không có tác dụng. Rất mong người dân thấu hiểu, tuân thủ đúng quy định nhằm nâng cao trật tự, an toàn giao thông chung", ông Hải nói.

Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết thêm, hiện việc điều khiển đèn tín hiệu không còn thuộc thẩm quyền của Sở Giao thông vận tải TP.HCM, Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ chỉ thực hiện công tác bảo trì. 

Bên cạnh đó, sở phối hợp chặt chẽ qua các nhóm phản ứng nhanh với lực lượng công an để kịp thời điều tiết giao thông trong tình trạng có ùn ứ, linh hoạt giao thông ở các chốt giao thông.

Tính thêm các giải pháp kỹ thuật

Các chuyên gia giao thông nhận định nghị định 168 áp dụng mức phạt cao, tác động tích cực đến ý thức người dân. Những hành vi như leo lề, vượt đèn đỏ giảm... chính là bảo vệ sự an toàn cho người đi bộ (đối tượng yếu thế khi tham gia giao thông).

Về việc cho phép rẽ phải khi đèn đỏ để giảm ùn tắc, PGS.TS Vũ Anh Tuấn - giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức (Trường ĐH Việt Đức) - nhận định các đơn vị quản lý cần nhanh chóng thực hiện rà soát lại, chỉ tiến hành lắp biển báo phụ cho phép xe máy rẽ phải khi đèn đỏ ở những giao lộ đủ điều kiện an toàn.

Ở một số điểm, người dân được rẽ phải khi đèn đỏ sẽ thoát xe nhanh hơn, giảm ùn ứ xe cộ. Tuy nhiên, nguy cơ xung đột giữa dòng xe máy rẽ phải và người đi bộ hoàn toàn có thể xảy ra, nguy hiểm cho người băng qua đường.

Cho nên các đơn vị phải tuyên truyền cho người đi xe máy, người đi bộ chú ý quan sát khi rẽ phải hoặc đi bộ qua đường. Nguyên tắc là xe lớn phải nhường xe nhỏ, xe cơ giới phải nhường người đi bộ. Có như vậy mới tránh được va chạm giao thông.

Ở các nước trên thế giới, đèn đỏ là phải dừng và chỉ được rẽ nếu có biển phụ cho phép, lực lượng điều tiết tại chỗ. Hầu hết ô tô hay xe máy đều sẽ chủ động giảm tốc, quan sát kỹ trước khi vào giao lộ để kịp nhường đường và xử lý tình huống có thể xảy ra.

Ngoài ra, TP.HCM cũng có thể nghiên cứu thêm các giải pháp kỹ thuật phù hợp với thực trạng giao thông từng vị trí giao lộ như vạch kẻ đường, đèn ưu tiên đi bộ qua đường… 

Ví dụ một số giao lộ có thể áp dụng đèn ưu tiên, người đi bộ qua đường bấm đèn để phát tín hiệu xin qua đường. Dòng xe nhận diện được tín hiệu thì phải giảm tốc, nhường cho người đi bộ sang đường an toàn.

Khi hạ tầng hoàn thiện như vậy, cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm người chạy xe rẽ phải sai quy tắc, kể cả người đi bộ sang đường không đúng quy định để đảm bảo tính công bằng.

Cho rẽ phải khi đèn đỏ: Đánh giá kỹ, tránh nguy hiểm cho người đi bộ  - Ảnh 1.Cho rẽ phải khi đèn đỏ cần lưu ý điều gì?

Trước mức phạt cao và bực bội trễ giờ, ùn tắc, nhiều người lại nghĩ về quy định cho rẽ phải hay cấm khi đèn đỏ. Cần lưu ý điều gì khi cho rẽ phải khi đèn đỏ?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên