17/01/2020 13:54 GMT+7

Chợ quê ở Sài Gòn - Kỳ 2: Tôm cá Tam Giang ở Sài Gòn

THÁI LỘC
THÁI LỘC

TTO - 'Chỉ trừ Huế ra, không có chỗ mô cá tôm đầm phá Tam Giang tươi ngon, nhiều loại như ri mô chú nờ. Mấy loại ni mua về mà ăn tết thì ngon hết sẩy' - lời bà bán cá giọng Huế đặc sệt làm những người xa quê như tôi xốn xang giữa đất Sài Gòn.

Chợ quê ở Sài Gòn - Kỳ 2: Tôm cá Tam Giang ở Sài Gòn - Ảnh 1.

Tôm cá và nhiều loại rau trái bày bán ở “chợ Huế” được chuyển vào từ đất cố đô - Ảnh: THÁI LỘC

Thiệt lạ, cá chi ở đầm phá Tam Giang cũng ngon cả, cái vị nó lạ lắm, lại lành nên cả nhà tui ăn quen, thích nhất luôn.

Bà TƯ HẠNH (Bà Điểm, Hóc Môn, TP.HCM)

Món Huế ngon hết sẩy

Hàng cá của bà nằm trong khu "chợ Huế" trên đường Bà Điểm 6 (Hậu Lân, xã Bà Điểm, Hóc Môn, TP.HCM) và bán toàn món Huế của dân gốc cố đô.

Nhiều người tin rằng món ngon, hiếm nơi đâu có không chỉ riêng đất Sài thành mà còn cả miền Nam của khu chợ này chính là tôm cá đầm phá Tam Giang - Cầu Hai được dân Huế bán ở đây.

Nhiều nhất trong dãy hàng cá ở khu "chợ Huế" là kiôt của bà Nguyễn Huê, mặt tiền đường Bà Điểm 6, có để bảng hiệu giới thiệu và số điện thoại hẳn hoi.

Không chỉ tin lời mời chào "cá phá Tam Giang tươi ngon tuyệt hạng", những loại cá bà bày trên cái "trẹt" nhôm thực sự hấp dẫn người sành đặc sản đầm phá. Đó là những con cá xạo, cá vẩu khá lớn, rồi cá dìa, cá đối, cá móm, cá bống mủ, bống thệ và tôm đất... đều thuộc hàng ngon đặc biệt của vùng nước lợ Tam Giang, Cầu Hai.

Cạnh bên, bà Huê bày thêm rổ hến đầm phá, rổ me đất, ớt xanh, thau dưa môn, mấy loại gia vị và rau thơm xứ Huế...

Cách chỗ bà Huê mấy bước chân là hàng cá của bà Trương Thị Lộc. Mới 7h30 sáng mà bà kêu "răng o tới muộn rứa, cá ngon bán hết rồi" với một chị mua hàng. Vừa nói, bà vừa lôi từ thùng xốp giữ lạnh mấy con cá vược, cá thệ, cá đối và cá tràng, đều là những loại rất ngon của đầm phá.

Khách chọn mớ bống thệ, bà vừa cắt đầu đuôi, làm vảy, miệng thao thao: "Cá ni đem về mà kho rim cho quéo bỏ ngăn mát tủ lạnh, ăn tới ra tết vẫn còn ngon. Ba ngày tết, khách tới mà dọn cá ni là ngon hết sẩy rồi".

Theo lời bà Lộc: "Cá mới đóng sáng qua, đông lạnh khi còn sống nên hắn cũng còn tươi ngon như ngoài quê rứa đó".

Bà Lộc người làng Hiền An, xã Vinh Hiền (Phú Lộc, Thừa Thiên Huế), từng bán cá ở chợ Vinh Hiền, có chồng làm nghề biển. Bảy tám năm trước, chồng bà ngã bệnh tai biến.

Đời sống ở quê trên dải cát nằm giữa biển và đầm phá quá khó khăn, bà tính chuyện chuyển chồng vào Hóc Môn. Thuận tiện là cả bốn người con họ gồm một trai ba gái đều vào đây từ nhiều năm trước, có nghề may vá ổn định, đang mong cha mẹ cùng vào.

Những ngày đầu, bà đi chợ mua thức ăn trên đất Sài thành mà cứ tưởng như chợ làng mình, từ mớ rau, trái ớt, con cá, nhúm dưa chua cho đến giọng mời chào đều Huế đặc sệt.

"Rứa là tui nghĩ ngay tới nghề cá của tui. Tui alô mấy chị em bạn hàng ngoài nớ đóng thùng cá đầm phá, theo xe chuyển vô hằng ngày. Chừ thì mối lái mô vô nấy hết cả rồi, đầm phá ngoài nớ có cá chi thì trong ni có cá nấy, chỉ chậm sau một ngày thôi" - bà Lộc nói.

Theo nhẩm tính của thương lái, cá từ Huế theo xe vào tới Bà Điểm này giá phải gấp rưỡi mới đủ vốn. Do đó giá tôm cá đầm phá ở đây khá cao. Nhưng chẳng hề chi đối với những người sành ăn, đã ghiền phong vị đặc sản vùng nước lợ độc đáo.

Chợ quê ở Sài Gòn - Kỳ 2: Tôm cá Tam Giang ở Sài Gòn - Ảnh 3.

Hàng cá đầm phá Tam Giang của bà Nguyễn Huê - Ảnh: THÁI LỘC

Ngoài nớ có chi, trong ni có nấy

Xôm tụ hơn cả khi vào trong "chợ Huế" này là toàn bày bán đồ Huế và nói toàn tiếng Huế. "Vả ni chục trái năm chục ngàn, thấy rứa mà ruột đỏ hồng, xắt ra trong đẹp lắm. Vả ni ngâm chua nhắm mấy ngày tết hết ý luôn" - giọng Huế đặc sệt của bà Hoàng Thị Huê diễn giải tận tình với một khách miền Nam.

Bà Huê "khuyến mãi" thêm cách chế biến món chua ngày tết: trái vả gọt vỏ, để nguyên quả chỉ khứa thành tám, ngâm chừng 10 ngày trong hỗn hợp nước mắm giã tỏi, ớt, gừng, chanh, đường...

Vừa bán cho khá đông khách hàng, bà Huê vừa giới thiệu xứ quê "chỉ đồ Huế như ri mới đặc biệt". Bà khoe "mớ ớt xanh kho cá" là loại ớt trái to, nhăn nheo, rất thơm và cay vừa, phù hợp kho cá vừa được gửi vào cùng mấy bó me đất nấu canh chua.

"Me ni mà nấu cá khoai, cá cơm thì ngon tuyệt luôn đó" - bà mời chào. "Bán mười ngàn dưa môn, nửa lon ném (nén, hành tăm)" - một giọng đàn ông Huế rặt xen ngang. Vừa bán, bà Huê vừa tiếp lời: "Ngày 20 âm có bánh thuẫn, bánh in, rồi mứt chi cũng có nghe eng (anh)"...

Hầu hết hàng hóa bày bán ở hàng bà Huê đều được chuyển từ Huế. Từ các loại chế biến nguyên liệu đầm phá Tam Giang như mắm tôm chua, mắm cá rò, mắm cá cơm cho đến các loại làm từ đồ biển như nước mắm, ruốc và mắm nêm...

Ngày giáp tết, bà còn bán nhiều loại mứt kiểu Huế nổi tiếng, từ mứt gừng, mứt nghệ và mứt hạt sen.

Người tìm đến hàng bà Huê nhiều nhất là để mua các loại bột Huế đã làm thành sợi, từ bột gạo, bột mì, bột lộn (trộn vài thứ bột) và bột lọc. Bà cũng đắt khách với nhiều loại bột ớt và bột nghệ. Món đặc biệt trong dịp tết là nem, chả và tré Huế cũng được bà bày bán.

"Vô mùa tết làm không kịp để bán, mấy thứ ni không chỉ dân Huế mà còn nhiều người xứ khác cũng đặt mua nhiều lắm" - vừa nói, bà Huê vừa sửa sang mấy đòn chả vỏ lá chuối buộc lạt tre chắc nịch treo lủng lẳng.

Khu "chợ Huế" này thực ra là bãi đất trống trong khuôn viên một gia đình thuộc ấp Hậu Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP.HCM. Trong vùng vốn có rất đông người Huế vào làm công nhân may vá và định cư từ mấy chục năm trước.

Theo nhiều tiểu thương, cách đây gần chục năm, một vài phụ nữ gốc Huế dọn vài món rau dưa, ruốc, ớt kiểu Huế bày bán ven đường Bà Điểm 6 cho đồng hương. Tiếp theo là nhiều loại chả, nem, bánh Huế và đủ thứ gia vị từ cố hương được chuyển vào. Rồi các loại cá từ đầm Cầu Hai, phá Tam Giang ướp đá chuyển đến đây vẫn còn tươi ngon.

Đến mùa Huế có thứ gì thì người ta chuyển vào "chợ Huế" này thứ nấy để bán. Từ trái dưa gang, cọng rau thơm, hũ mắm cá rò và mớ nấm tràm vị đắng đặc biệt... Hay nói ví von "chợ Huế" ở đây thể hiện đúng theo "thời tiết ẩm thực" của đất cố đô.

Đường Bà Điểm 6 vốn hẹp, mấy bà Huế nhóm chợ càng chật chội. Thế là bà Năm cạnh đó sẵn khu sân rộng đã cho mấy bà Huế vào ngồi buôn bán thành hai dãy. Đến nay, chợ này có chừng 40 người bán, hầu hết là các món xuất phát từ Huế, của người Huế và nói tiếng Huế giao dịch chính.

"Chợ Huế" có lẽ còn rất "trẻ tuổi" và nhỏ bé ở đất Sài Gòn nhưng những gia vị, nguyên liệu, những món ăn vượt nghìn dặm dài, đậm tình, thắm vị vùng đất văn hóa cố đô.

Ngay trên đất khách, người dân xứ mắm ruốc "ly hương mà bất ly tổ" đang chuẩn bị các vật phẩm dâng cúng, sinh hoạt và ăn uống đúng kiểu "người mình" cho những ngày tết...

Hàng Bắc, món Trung, đặc sản Tây Nguyên đều tụ hội ở Sài Gòn, nhưng nhiều nhất vẫn là các thứ dân dã miền Tây, từ mớ rau dại triền sông Vàm Cỏ đến hũ mắm cá linh Châu Đốc, con khô sặc bổi Cà Mau...

Kỳ tới: Thương lắm con khô sặc rằn

Chợ quê ở Sài Gòn - Kỳ 1:  Chợ Bắc giữa đất Nam Chợ quê ở Sài Gòn - Kỳ 1: Chợ Bắc giữa đất Nam

TTO - Những ngày giáp tết, nhiều góc phố Sài Gòn dậy niềm thương nhớ quê hương cho người Bắc, kẻ Trung hay dân miền Tây ở lại ăn tết xa nhà.


THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên