Những tác phẩm chụp về chim hoang dã có hình dáng, đường nét, màu sắc và khoảnh khắc đẹp trong môi trường tự nhiên sẽ được chọn để trưng bày triển lãm. Lễ trao giải và triển lãm dự kiến diễn ra từ ngày 11 đến 16-10-2023 tại TP.HCM, với 60 tác phẩm.
Đánh giá cao ảnh chim hoang dã quý hiếm
Cuộc thi chim hoang dã Việt Nam mở đơn đăng ký cho các nhà nhiếp ảnh không chuyên, chuyên nghiệp, những người yêu thích nhiếp ảnh trong và ngoài nước. Thông qua đó, ban tổ chức mong muốn mọi người cùng chung sức bảo vệ các loài chim hoang dã.
Ngoài ra, hy vọng truyền được động lực để các nhà nhiếp ảnh tìm kiếm những loài quý hiếm và lưu giữ khoảnh khắc đẹp của nhiều loài chim hoang dã tại Việt Nam. Thời gian tiếp nhận tác phẩm dự thi bắt đầu từ 1-8 đến hết 30-8-2023.
Trả lời câu hỏi về tiêu chí lựa chọn bức ảnh đoạt giải của Tuổi Trẻ Online, ông Võ Quốc Thuần - thành viên ban tổ chức cuộc thi - cho biết: "Những tác phẩm tôi đánh giá cao là chụp được các loài chim quý hiếm, khó chụp, đặc hữu và gần đặc hữu của Việt Nam.
Những loài này truyền tải thông điệp rất tốt cho việc bảo vệ môi trường và bảo vệ chim hoang dã".
Dùng ảnh phi tự nhiên nhiều tác hại
Nói thêm về tác phẩm dự thi đạt chuẩn, ông Thuần khẳng định nhiếp ảnh gia phải chụp những loài chim thực chất là hoang dã, không gắn liền với tổ và chim non.
"Bởi khi chụp tổ, ranh giới giữa việc chụp xa hay gần rất mong manh, nếu như người chụp không có ý thức, muốn có ảnh đẹp nên cắt tỉa cành, tổ của chim non.
Trong khi các loài chim làm tổ một phần để ngụy trang, tránh những loài chim khác, chống chọi với điều kiện tự nhiên.
Việc cắt tỉa sẽ làm nguy hiểm cho gia đình chim. Thứ hai, bản tính của chim khi biết có người xâm phạm sẽ thay đổi, hung dữ, nó có thể bỏ tổ hoặc thúc con ăn nhiều để ra đời sớm trong khi chưa phát triển đầy đủ.
Ngoài ra có thể cấm các bức ảnh sử dụng loài chim phi tự nhiên, tức là mua chim về bỏ vào những cái lồng để chụp. Việc làm này giống với việc tiếp tay cho những người săn bắt chim hoang dã trái phép", ông Thuần nhấn mạnh.
Ban tổ chức cũng không khuyến khích các tác giả chụp ảnh có tính chất sắp đặt, trong khu vực có sử dụng mồi cho chim ăn, chụp ngoài vùng phân bố tự nhiên của loài chim được chụp.
Cuộc thi và triển lãm do các đơn vị như Birdlife International, Hội Nghiên cứu và Bảo tồn chim hoang dã Việt Nam (VBCS), Công ty TNHH dịch vụ nghiên cứu và du lịch Hoang Dã (WILDTOUR) phối hợp thực hiện.
Số lượng giải thưởng là 13. Ba giải gây chú ý là giải chim đặc hữu, cận đặc hữu ấn tượng nhất; giải chim quý hiếm (có tên trong danh lục đỏ IUCN) ấn tượng nhất; giải chim di cư ven biển (shorebirds) ấn tượng nhất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận