Theo thống kê nhanh của Tổng cục Hải quan, top 3 quốc gia đứng đầu về giá trị hàng hóa được doanh nghiệp Việt nhập khẩu về bán trong dịp Tết Nguyên đán gồm: Hàn Quốc (gần 239 triệu USD, chiếm 35,2% tổng trị giá nhập khẩu trong dịp Tết), Trung Quốc (196,7 triệu USD, chiếm 29%) và Campuchia (41,3 triệu USD, chiếm 6%)...
Cùng người Trung Quốc livestream bán hàng cho khách Việt
Những ngày này, chị Thảo (người Việt sinh sống tại Trung Quốc) thường xuyên livestream trên sàn TikTok để bán đồ thời trang cho khách Việt mua về diện Tết. Cạnh chị là một người đàn ông nói tiếng Trung, hỗ trợ chị trả lời cho những câu hỏi sâu của khách về sản phẩm.
Nhiều kênh livestream trên TikTok do chính người Trung nói tiếng Việt cũng giới thiệu, bán hàng cho khách Việt.
Trong phiên livestream gần đây với chủ đề "Săn deal Tết lớn", được sự hỗ trợ của nhiều người Việt, cô gái trẻ Chu Thị Hiền (ZhuZhu, sinh năm 2000 tại Hàng Châu, Trung Quốc), với hơn 1,4 triệu tài khoản theo dõi trên nền tảng TikTok, đã giới thiệu nhiều sản phẩm như: mỹ phẩm, nước giặt quần áo, máy xông tinh dầu... cho khách Việt.
Phục vụ mùa mua sắm cuối năm, đặc biệt là dịp Tết Ất Tỵ, nhiều tiểu thương cũng nhập hàng Trung Quốc về bán, thông qua kênh truyền thống và cả online. Chuyên nhập hàng Trung Quốc về bán cho các đầu mối sỉ, anh Minh (Hà Nội) cho biết ngay từ tháng 10 dương lịch nhiều khách đã đặt hàng hóa cho năm mới.
Trong đó đồ trang trí nhà cửa, đồ gia dụng, giày dép, quần áo... rất được ưa chuộng. "Hàng hóa rất phong phú, giá cả đa dạng, muốn mua gì cũng có. Tết là dịp cao điểm nên các đầu mối nhập sỉ đều đặt hàng từ sớm để kịp có hàng bán", anh Minh cho hay.
Hàng Trung Quốc làm riêng cho thị trường Việt
Đáng chú ý, nhiều mặt hàng trang trí Tết được đặt làm tại Trung Quốc, dành riêng cho khách Việt, được rao bán trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, TikTok Shop, Lazada...
Chẳng hạn khi vào sàn Shopee và tìm từ khóa "đồ trang trí Tết 2025", lập tức xuất hiện hàng loạt kết quả, trong đó có những gian hàng để địa chỉ là "quốc tế", tức sau khi khách đặt, hàng mới được chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam.
Vào gian hàng online có tên H. (địa chỉ quốc tế), mẫu vòng đỏ thường được dùng để treo tường hoặc treo trước cửa ngày Tết, nhưng cửa hàng lại gọi đây là "mặt dây chuyền Tết Việt Nam".
Dù vậy chữ trên các vòng hoa này đều được cắt khéo léo và thể hiện bằng tiếng Việt có dấu như: "Phúc", "Lộc', "Chúc Mừng Năm Mới", "Vạn Sự Như Ý"... Giá bán chỉ từ 20.000 - 40.000 đồng/vòng. Các gian hàng tương tự cũng có trên TikTok Shop, vòng hoa có chữ bằng tiếng Việt, nhưng địa điểm giao hàng ghi là từ "Trung Hoa".
Theo khuyến cáo của nhiều chuyên gia, người dùng cần tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi mua online trong dịp Tết, đặc biệt là những mặt hàng liên quan sức khỏe, tránh nguy cơ mua phải hàng kém chất lượng hoặc hàng không đảm bảo an toàn, sẽ chẳng biết địa chỉ nào để khiếu nại hay đòi bồi thường.
Nông dân livestream bán gà, hoa, trái cây...
Đứng giữa khu vườn tại tỉnh Yên Bái, chị Ngọc Mai bật điện thoại livestream để khách hàng nhìn thấy cảnh đàn gà Mông (gà Mông đen) khỏe mạnh đang gáy, bới đất, ăn khỏe. Dịp Tết, chị tranh thủ livestream bán gà với giá dao động khoảng 110.000 - 115.000 đồng/kg. Mỗi con gà nặng từ 2,3kg trở lên.
Bán hàng online có nhiều người từ các vùng miền hỏi mua nên chị Ngọc Mai cũng rành rõi tư vấn về cách vận chuyển. Riêng với khách khu vực miền Trung, Tây Nguyên và phía Nam, chị Mai thường gửi gà theo xe Bắc - Nam. Đối với khách ở xa, chị ưu tiên bán từ 5 con gà trở lên với giá ưu đãi.
Theo ghi nhận, nhiều nông dân ở các vùng miền cũng rôm rả livestream tận vườn để bán hoa, trái cây. Do cận Tết, nhiều nhà vườn không nhận đơn cho khách khác vùng miền, sợ giao không kịp. "Xa quá, miền Tây, miền Nam bây giờ em không nhận đơn nữa. Em chỉ nhận miền Bắc thôi", chị Phạm Hà nói, khi đang livestream tại vườn quýt ở Yên Bái.
Ngày càng nhiều nhãn hàng được đưa lên sàn online
Nhiều doanh nghiệp Việt cũng đang nỗ lực phát triển kênh thương mại điện tử, đặc biệt đẩy hàng vào dịp Tết Nguyên đán 2025 này. "Nhu cầu đưa hàng Việt lên sàn thương mại điện tử đang rất cao", ông Nguyễn Trần Quốc Đạt, giám đốc Công ty BeyonK, nhận định.
Theo ông Quốc Đạt, thương mại điện tử tại Việt Nam đang phát triển mạnh, nhất là hoạt động livestream (phát trực tuyến) bán hàng từ người có tầm ảnh hưởng, người nổi tiếng. Ngày càng nhiều nhãn hàng, mặt hàng được đưa lên sàn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận