16/11/2021 15:38 GMT+7

'Chở' giấc mơ trở lại thành phố: Làm cật lực bù tháng ngày khó

CÔNG TRIỆU
CÔNG TRIỆU

TTO - 'Tìm đường đi mới' là cách những công nhân dí dỏm nói với nhau khi chọn ở lại 'vùng đất hứa'. Trong các xóm trọ ở Bình Dương hay TP.HCM hiện vẫn còn đó rất nhiều những mảnh đời quyết bám trụ lại với hy vọng ngày mai sẽ dần ổn hơn...

Chở giấc mơ trở lại thành phố: Làm cật lực bù tháng ngày khó - Ảnh 1.

Công nhân Công ty PouYuen Việt Nam đã vui vẻ trở lại nhà máy Ảnh: QUỐC MINH

Đầu tháng 11 này, cô công nhân Nguyễn Thị Ngân lái xe máy một mình từ Đắk Lắk trở lại Bình Dương để chuẩn bị cho chuỗi ngày làm việc sắp tới.

Ở khách sạn sang, chờ vào nhà máy

Lần trở lại này rất đặc biệt, bởi cô đang trải qua hai tuần cách ly tại khách sạn - một nơi mà trong suốt 21 năm qua cô chưa từng một lần có dịp đặt chân đến. 

"Vì công ty vẫn đang "3 tại chỗ" nên muốn vào làm phải đi cách ly cho cẩn thận, may sao công ty lo hết tiền ăn ở 15 ngày, chứ phải bỏ tiền túi thì cũng khó khăn" - Ngân cười khoe dịp không ngờ được ở khách sạn, chứ không phải phòng trọ nghèo.

Từ căn phòng khách sạn sang trọng ở TP Thủ Dầu Một (Bình Dương), Ngân kể những buồn vui trong thời gian qua. Thất nghiệp từ tháng 8 tới nay, áp lực tiền nong đè nặng lên vai cô gái trẻ. 

Những ngày tỉnh Bình Dương phong tỏa, Ngân sống đơn độc trong căn nhà trọ trống trơn chưa đầy 10m2. Nghĩ về những ngày được đi làm trở lại đã đôi lần giúp cô trấn an mình trước những khó khăn, túng thiếu.

Rồi đoạn trường dịch giã đầy gian nguy cũng tạm dần qua, giờ đây dù phải trải qua 15 ngày cách ly nhưng Ngân nói đang rất thoải mái và đã "lên dây cót" cho chuỗi ngày làm việc cật lực phía trước. 

Bên cạnh chuyện làm việc, một kế hoạch ăn tiêu dè sẻn cũng chính là những viên gạch đặt nền móng cho mong ước được ăn Tết Nguyên đán 2022 cạnh gia đình của Ngân được cô lên sẵn. 

"Cũng khó nói trước lắm, nhưng giờ được đi làm trở lại thì sẽ cố gắng làm, để không phải ăn tết ở nhà trọ một mình" - Ngân cười.

Sáng một ngày đầu tuần giữa tháng 11, Lý Quốc Duy (chuyên viên kinh doanh của một công ty quảng cáo tại Q.3, TP.HCM) nói rằng đang vật vạ tập quen với "múi giờ công sở" sau khi trở lại TP.HCM làm việc hồi đầu tháng này. 

Chuyển về Sóc Trăng "work from home" từ hồi đầu tháng 5 đến nay nên Duy nói rằng phần nào quen với nhịp sống sinh học của những ngày khỏi phải dậy sớm chạy xe đến văn phòng... 

"Nhưng được lên công ty gặp mọi người, trao đổi chuyện công việc trực tiếp, đối tác gặp nhau bàn bạc cũng dễ dàng hơn, nên thấy ai nấy cũng đều phấn khởi lên" - Duy tâm sự.

Bên cạnh áp lực từ khối lượng công việc, giấy tờ cần được cấp tốc xử lý, Duy nói rằng sau tháng ngày dịch giã căng thẳng thì điều mừng nhất vẫn được nhìn thấy mọi người khỏe mạnh. 

Sự phấn khởi khi được quay lại cao ốc làm việc còn được Duy tả qua chính những sáng kiến, ý tưởng độc đáo mà mọi người ai nấy đều hăng say đóng góp ngay trong tuần. 

"Những ngày này đi làm vui y như tết, mọi người ai nấy đều niềm nở, từ đó hiệu quả công việc cũng được đẩy lên cao hẳn" - Duy cười.

Chở giấc mơ trở lại thành phố: Làm cật lực bù tháng ngày khó - Ảnh 2.

Lý Quốc Duy hứng khởi trở lại với nhịp điệu làm việc ở công sở - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Người lên kẻ về và mong ngày đoàn viên

Tuy nhiên, bên cạnh dòng người ngược trở lại thành phố, cũng không khó để chúng tôi bắt gặp lác đác những chiếc xe lỉnh kỉnh đồ đạc đi về hướng các tỉnh miền Tây, miền Trung những ngày này. 

Còn các dãy trọ quanh những nhà máy tại TP.HCM, Bình Dương, vốn là nơi ở của hàng chục ngàn công nhân, nay vẫn chưa thể rộn tiếng người đông đúc trước kia.

Ông Nguyễn Văn Dũng (54 tuổi), quản lý dãy 40 phòng trọ tại số 80/26 đường Huỳnh Văn Nghệ (Q.Tân Bình), nói ngay cả đợt bùng dịch cao điểm hồi tháng 8 thì dãy trọ vẫn luôn kín phòng vì những người mắc kẹt còn ở lại. 

Thế nhưng ngay sau khi TP.HCM trở lại "bình thường mới", số người trả phòng dọn về quê lại tăng. Ngay ngày 2-10, có 2 nhóm công nhân thất nghiệp xin trả lại phòng về quê. Đến đầu tháng 11 lại tiếp tục có thêm 4 phòng trả, lần này không những công nhân mà có cả dân văn phòng...

Thấy một số người khăn gói hồi hương khiến anh Nguyễn Văn Tính (công nhân tại KCN Tân Tạo, Q.Bình Tân, TP.HCM) cũng nao lòng. Trong gần 15 năm bôn ba xứ người vừa qua, đây là lần lâu nhất (đã hơn 3 năm) vợ chồng anh chưa được về gặp hai con. 

Chở giấc mơ trở lại thành phố: Làm cật lực bù tháng ngày khó - Ảnh 3.

Lấy con làm động lực giúp vợ chồng anh Nguyễn Văn Tính lạc quan bám trụ lại TP - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Dịp tết 2019, vì muốn mua một chiếc xe máy để thuận đường đi lại nên hai vợ chồng anh ở lại tăng ca tết, vừa tăng thu nhập vừa tiết kiệm được một khoản lớn. 

Năm 2020, làm được bao nhiêu anh chị lại gửi hết về Nghệ An để bố mẹ mua lại con bò chết vì nước lũ dâng, cuối năm cũng đành ăn tết ở nhà trọ. 2021 lại là một năm quá khó khăn. Hỏi về kế hoạch năm nay thì anh Tính cười rồi quả quyết: "Vợ chồng tui tính tầm 27 nhảy xe về đây".

Cả làng của anh Tính đều vô TP.HCM làm công nhân, nhiều nhất là làm cho Công ty PouYuen Việt Nam. 

Vài năm trước anh đã từng "khởi nghiệp" với nghề bán viên chiên dạo, nhưng vì không tìm được người đưa đường dẫn lối nên liên tục gặp khó và đành quay lại với đời công nhân. 

Anh Tính đã thất nghiệp liền 4 tháng, vợ của anh là chị Nguyễn Thị Tình thì ít hơn với chừng gần 3 tháng. Bằng chất giọng miền Trung nặng trĩu, anh Tình tâm sự: "Giờ đất đai ở quê ít, làm chẳng đủ ăn thì phải bám trụ ở đây thôi. Mấy năm này dịch chứ trước đó cuộc sống cũng đâu mấy khó khăn lắm. Đời công nhân mà, cứ được đi làm thì không lo đói, lo thiếu".

Dù đơn hàng công ty chưa nhiều nhưng việc được quay trở lại nhà xưởng khiến vợ chồng anh mừng tíu tít. 

Trong gian trọ nhỏ chưa đầy 15m2, vợ chồng anh dành khoảng không gian thoáng nhất, bắt mắt nhất để treo đầy hình ảnh các con nhỏ. Anh nói rằng lý do để hai vợ chồng vào đây lập nghiệp cũng chỉ vì mong muốn các con được ăn học đủ đầy nên treo vậy để làm động lực.

"Nhiều lúc nhớ con mà rơi nước mắt, ưa vất hết mà về với hắn luôn. Nhưng về quê thì khó lắm, tui tính chắc hết dịch kiếm cái trọ to hơn tẹo rồi kéo chắc vô đây ăn ở luôn" - anh Tình cười.

Càng vào sâu trong các xóm trọ công nhân nghèo thì chúng tôi càng thấy được bao nỗ lực mưu sinh thiện lương, cố gắng vượt lên khi đối diện với khó khăn...

60.000 việc làm đợi người

Theo thông tin từ Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM, tại TP hiện có khoảng hơn 121.300 doanh nghiệp hoạt động trở lại, với tổng cộng khoảng 1,8 triệu lao động.

Riêng ở khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao hiện có khoảng 1.321 doanh nghiệp hoạt động với khoảng 201.000 người.

Khi TP nới lỏng biện pháp giãn cách trước đó vào hồi đầu tháng 10, đã có hơn 600.000 người về quê tránh dịch, trong đó khoảng 300.000 công nhân.

Đã có hơn 140.000 người quay lại khi doanh nghiệp hoạt động. Từ đây đến cuối năm sẽ có khoảng 60.000 vị trí việc làm cần người lao động.

Mong tết đủ đầy

Buổi chiều ở xóm trọ trong hẻm 575, tỉnh lộ 10 (Q.Bình Tân), nhiều công nhân cũng vừa tan ca về.

Người cầm bịch rau, người tòn teng mấy quả trứng, con cá nhỏ. Hình ảnh vẫn như những ngày nào, chỉ có sự khác biệt là ai cũng ẩn mặt trong chiếc khẩu trang và có vẻ ít cười nói lớn tiếng để phòng dịch.

Chị Mỹ Hà, cô công nhân ở Khu công nghiệp Tân Tạo gần đó, kể mình từ quê Long An đã trở lại TP.HCM từ giữa tháng 10 để đi làm lại sau mấy tháng thất nghiệp. "Cũng mừng là công ty tôi nhiều đơn hàng, giám đốc cho biết sẽ tăng ca đều. Cực thêm mà vui.

Hy vọng tết nhứt này sẽ đủ đầy, bù đắp cho mấy tháng dịch giã lay lắt vừa rồi" - chị Hà tâm sự và cho biết nhiều đồng nghiệp ở huyện Mộc Hóa và Đức Huệ (Long An) cũng đã trở lại thành phố làm việc.

QUỐC MINH

'Chở' giấc mơ trở lại thành phố: Ngày trở lại

TTO - Ngày công xưởng sáng đèn cũng là lúc nhiều người lao động ngoại tỉnh trở lại các nhà máy thành phố để mưu sinh.

CÔNG TRIỆU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên